Thứ năm, 12/12/2024 01:48 (GMT+7)

Doanh nghiệp xả thải bức tử môi trường, dân “bỏ của chạy lấy người'?

Minh Quang -  Thứ năm, 27/08/2020 16:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm không khí, đường sá hư hỏng trầm trọng vì các loại xe tải quá cỡ, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, hoa màu bị san phẳng…do ảnh hưởng của hoạt động nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ (Yên Bái).

Cổng vào nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ (thuộc Công ty Phát triển số I).

Xe chở quặng “băm nát” đường, công ty xả thải trực tiếp ra môi trường?

Theo tài liệu mà PV có, nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ thuộc Cty Phát triển số I - TNHH Một thành viên, có địa chỉ tại thôn Dày xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ngày 02.7.2008 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1331/QĐ - BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “đầu tư xây dựng công trình mỏ sắt Làng Mỵ, xã Chấn Thịnh và xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”.

Tiếp đó, ngày 10.10.2008 Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 2026/GP- BTNMT với diện tích 60,97 ha thuộc tờ bản đồ tỉ lệ 1/50.000 đố hiệu F-48-66-B (hệ tọa độ VN-2000) trữ lượng khai thác 4.710.000 tấn quặng sắt nguyên khai, thời hạn khai thác 30 năm. Công suất khai thác từ năm 2008 - 2010 khai thác với công suất 50.000 tấn quặng sắt nguyên khai/năm. Từ năm 2011 đến 2020 khai thác 100.000 tấn quặng sắt nguyên khai/năm.

Về sau năm 2021 mỏ này, chỉ được phép khai thác sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt kèm theo Quyết định số 124/2006/QĐ- TTg ngày 30.5.2006 của Thủ tướng Chính phủ. Sản phẩm quặng sắt sau khi khai thác, tuyển rửa được sử dụng làm nguyên liệu cho nhà máy luyện gang - thép tại tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhà máy tiến hành khai thác và tuyển quặng đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động nhà máy còn tồn tại, bất cập về bảo vệ môi trường mà chưa được khắc phục, hoạt động của nhà máy đã làm ảnh hưởng tới đất sản xuất. Chất thải tại nhà máy không xử lý mà ngang nhiên xả thải ra môi trường.

Hiện tại khu vực xử lý chất thải của nhà máy đã quá tải. 

Các hồ lắng của nhà máy đã quá tải đổ trực tiếp ra môi trường vùi lấp vào hoa màu của người dân.  

Cụ thể là, Công ty chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định, công trình xử lý bùn thải quặng đuôi không còn khả năng xử lý, lắng đọng bùn đất, dẫn tới nước thải chảy thẳng ra môi trường vùi lấp đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, ở tuyến đường đi Đại Lịch – Minh An (đoạn qua hai xã Chấn Thịnh và Bình Thuận – P.V), hàng ngày có nhiều xe chở quặng trọng tải lớn không che chắn cẩn thận chạy, rầm rập suốt ngày đêm gây hư hỏng trầm trọng. Mỗi lần xe quặng chạy qua, kéo theo “cơn bão bụi” ập vào nhà dân, tham gia giao thông. Người dân sống nơi đây bức xúc, từ khi nhà máy này hoạt động thì bà con bị ảnh hưởng nhiều, không chỉ về sức khoẻ mà cả về kinh tế cũng bị giảm sút.

Ghi nhận thực tế, toàn bộ tuyến đường nói trên xuất hiện hàng loạt ổ trâu, ổ voi, gà la liệt dường như không có đoạn nào bằng phẳng. Người tham gia giao thông cũng phải ngán ngẩm khi đi qua đoạn đường này, có đoạn bùn lầy lội, khói bụi mù mịt. Có thời điểm, xe chở quạng hoạt động liên tục gây ô nhiễm nghiêm trọng, đỉnh điểm vào năm 2019 người dân đã kéo nhau ra đường chặn xe, không cho hoạt động đòi quyền lợi.

Trao đổi với chúng tôi, bà T. (xin giấu tên) sinh sống tại thôn Dày 1, bức xúc nói: “Gia đình tôi bị ảnh hưởng không kém với gia đình ông Lịch, bởi gia đình không chỉ ở cạnh điểm xử lý của công ty mà còn nằm ngay mặt đường, cứ mỗi khi xe của công ty chạy qua gia đình bà lại phải hứng chịu cả khối bụi bẩn bám vào. Hàng ngày, chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm từ nguồn nước sinh hoạt đến không khí… cứ tình trạng như này chúng tôi chắc cũng chết sớm”.

“Nhiều lần chúng tôi đã yêu cầu phía công ty phải có hướng xử lý, nhưng công ty vẫn không có biện pháp khắc phục. Kiến nghị lên chính quyền, cũng chỉ nhận lại đáp trả sẽ yêu cầu công ty làm nghiêm, vậy nhưng đó cũng chỉ lời nói xuông, cho đến thời điểm hiện tại vẫn vậy, chúng tôi thấp cổ bé họng đành phải chịu”, bà T.  nói.

Dân “bỏ của chạy lấy người”?

Chưa hết, trong quá trình khai thác sắt nguyên khai, tại thôn Dày 2 (đoạn đằng sau nhà văn hoá của thôn) một phần bãi thải của mỏ khi trời mưa đã sạt lở vùi lấp nhà ông Hoàng Văn Linh đang sinh sống bên dưới điểm khai thác nêu trên.

Điểm khai thác của công ty hiện tại không có biện ngăn chặn các điểm sạt lở.

Ông Hoàng Văn Lịch bức xúc nói: “Nhà tôi nằm ngay dưới chân mỏ sẳt Làng Mỵ đang khai thác, mỗi lần trời mưa phần đất thải tràn xuống nhà, sống tình trạng “bỏ của” để chạy, ngụy hiểm rình rập từng ngày. Gia đình đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền cùng với đó, yêu cầu nhà máy này phải có hướng xử lý để di rời gia đình tôi đi nơi khác, bởi sát chân mỏ như thế sẽ nguy hiểm, thế nhưng những lần yêu cầu như thế không ai giải quyết”.

Ông Lịch cho biết thêm: “Điển hình nhất, khoảng 00h rạng sáng ngày 19.8.2020 có mưa lớn đến hơn 1h thì tôi có mở cửa ra xem phát hiện nước và đất tràn xuống, khoảng 15 phút sau thì bất nghờ phần đất của khu mỏ ập xuống toàn bộ hai căn nhà, ao cá cùng hoa màu của gia đình tôi bị vùi lấp. May mắn hai vợ chồng tôi đã chạy kịp nếu không thì chắc có lẽ cũng bị vùi trong đống đất”.

“Sau khi xảy vụ việc xảy ra, ngay sáng sớm UBND xã cùng doanh nghiệp có kiểm tra, thống kê thiệt hại của gia đình. Bố chí khẩn cho gia đình mượn tạm nhà văn hoá để ở trong thời gian giải quyết hậu quả và tìm địa điểm để di rời gia đình tôi tới chỗ an toàn”, ông Lịch cho biết.

Chị Hoàng Thị Chuyền (con gái ông Lịch) ngậm ngùi cho biết: “Nhiều lần gia đình kiến nghị ra chính quyền xã nhưng không giải quyết, họ trả lời rằng ảnh hưởng đến đâu sẽ bồi thường đến đó. Vì quá lo ngại những điều không may xảy ra đối với người thân, tôi tiếp tục làm đơn gửi lên huyện, khi huyện chỉ đạo xã kiểm tra thì chính quyền xã lại tới nhà hỏi tại sao lại viết đơn lên huyện, ngoài ra họ vẫn không có hướng giải quyết gì cho gia đình. Sự việc xảy ra rạng sáng ngày 19.8 nếu bố mẹ tôi không phát hiện và chạy nhanh chắc không được gặp, hiện giờ vẫn còn hoang mang. Bây giờ mong sao UBND xã và Công ty có phương hướng hỗ trợ di rời đi chứ bố mẹ sinh sống ở đây chúng tôi không an tâm.

Ông Hoàng Văn Lịch vẫn chưa hết sợ hãi khi đất đá từ trên mỏ đổ xuống hai căn nhà sau trận mưa lớn rạng sáng ngày 19.8

Hai căn nhà của ông Lịch bị đất đá từ trên mỏ đổ xuống vùi lấp hoàn toàn.

Ghi nhận thực tế, tại điểm xử lý và điểm khai thác của nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ, cho thấy những gì người dân phản ánh hoàn toàn có cớ sở. Tại điểm xử lý quặng của công ty này hiện tại lượng bùn thải trất đầy như núi vượt ngưỡng cho phép, các hồ chứa đầy, chất thải chảy trực tiếp ra môi trường vùi lấp vào hoa màu một số hộ dân tại hai xã Chấn Thịnh, Bình Thuận. Đối với điểm khai thác của công ty, chất thải, đất, bùn đầy ngay đằng sau nhà ông Lịch không có một biện pháp bảo vệ nào để chống sạt lở. Riêng nhà ông Lịch sau trận mưa ngày 19.8 toàn bộ bùn, đất, đá đổ xuống lấp 2 xe máy, một ngôi nhà bị lấp hơn 1m toàn bộ khu ao bị san phẳng.

Cũng theo ghi nhận, con đường dân sinh đi qua xã Chấn Thịnh, Bình Thuận cũng bị tàn phá toàn bộ bởi hàng ngày phải “gánh” hàng trăm lượng xe quá tải của nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ cứ mỗi khi mưa con đường này lại biến thành những vũng lầy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, trời nắng thì khói bụi mù mịt bủa vây khắp các căn nhà dọc theo tuyến đường này.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 24.8 trao đổi với P.V, ông Lê Quang Trung - Giám đốc nhà máy chế biến sắt Làng Mỵ (thuộc Công ty phát triển số 1), cho biết: “Hiện tại, nhà máy đang tạm dừng sản xuất để nạo vét các hồ lắng đảm bảo vấn đề môi trường, dự tính hết năm nay đơn vị sẽ đảm bảo về vấn đề môi trường. Tôi cũng thừa nhận, trước đó bùn thải có đổ xuống hoa màu của bà con, tuy nhiên do mưa nhiều nên lượng bùn thải mới đổ ra môi trường, ngay sau đó chúng tôi cũng đã cho khắc phục lại hậu quả”.

“Đối với gia đình nhà ông Hoàng Văn Lịch, công ty cũng đã phối hợp với chính quyền xã tìm địa điểm mới di rời đi nơi khác, sẽ đền bù thiệt hại toàn bộ tài sản đã bị mất. Về phần ô nhiễm khói bụi, đường xá bị tàn phá, ông Trung cho rằng: “Do chất lượng đường kém, trước đó công ty cũng đã hỗ trợ 60% để làm đường, tuy nhiên do thời gian nên con đường cũng xuống cấp theo, chúng tôi cũng dự kiến sẽ làm lại trong thời gian tới”, ông Trung phất trần.

Điểm kỳ lạ, nhiều năm qua người dân sinh sống hai xã Bình Thuận, Chấn Thịnh gửi đơn, phản ánh cử chi nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Phải chăng Công ty và chính quyền sở tại đã có luật “ngầm” với nhau nên đơn thư và những lời kêu cứu vẫn chưa được giải quyết?

Việc hộ gia đình nhà ông Hoàng Văn Lịch bị ảnh hưởng tới chính tính mạng, lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh liệu có biết? Tình trạng này còn diễn ra đến khi nào? Trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn bao nhiêu mỏ tương tự như tại huyện Văn Chấn?  Những câu hỏi này sẽ nhường lại cho lãnh đạo huyện và lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tửsẽ tiếp tục thông tin trong bài sau!

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp xả thải bức tử môi trường, dân “bỏ của chạy lấy người'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới