Thứ sáu, 26/04/2024 18:58 (GMT+7)

Thay đổi cách đánh giá để đổi mới giáo dục

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ ba, 27/08/2019 11:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thế mà ngay thời điểm này, việc kiểm tra đánh giá theo cách quá xem trọng điểm số (của môn văn và của nhiều môn học khác nữa) vẫn không… chịu mới!

Việc đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên và việc học của học sinh (HS) hiện nay chỉ dựa vào điểm số của một vài bài kiểm tra như hiện nay khiến nhiều người cho rằng vẫn còn lạc hậu. Quan trọng hơn, nó dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường và là rào cản rất lớn cho lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới đây…

Hơn 20 năm trước, một anh bạn dạy môn văn ở một trường dân lập tại TP.HCM than thở với tôi: “Dạy dân lập không cần hay, không cần chú trọng nhiều kiến thức, mà phải thực dụng, miễn sao điểm số của HS cao là được, là chủ trường ô kê…!”. Vốn là một người rất nhiệt huyết trong dạy học, giỏi về chuyên môn, tác giả của nhiều đầu sách, lớp học bao giờ cũng sôi nổi và HS rất thích học…, thế nhưng cứ cuối mỗi đợt thống kê điểm thi bao giờ cũng không cao. Về lí do, anh bạn tôi lắc đầu: “Mình thì say sưa kiến thức, kỹ năng cho học trò. Trong khi đó, đề thi cứ quanh đi quẩn lại mấy tác phẩm. Muốn điểm cao chỉ cần photo cho HS mấy tài liệu dạng đề mẫu và tới kỳ thi tốt nghiệp thì cứ dò bài là… nhất! Nhưng mình không làm được, không muốn làm “thợ dạy”!”. Vì không chấp nhận kiểu dạy văn… phi văn ấy, dưới áp lực của chủ trường dân lập, vài năm sau, anh bạn tôi bị chính những “thợ dạy” văn trong trường… “đào thải”!

Câu chuyện của hơn 2 thập kỷ trước tưởng đã là chuyện của quá khứ. Thế mà ngay thời điểm này, việc kiểm tra đánh giá theo cách quá xem trọng điểm số (của môn văn và của nhiều môn học khác nữa) vẫn không… chịu mới. Nhiều trường phổ thông vẫn với “tôn chỉ” học gì thi nấy, nên mặc dù chủ trương của ngành giáo dục là ra đề theo hướng mở để đánh giá kỹ năng HS đã bị những “tôn chỉ” này ngãng đường. Vẫn cứ bấy nhiêu bài học thì vẫn cứ bấy nhiêu trọng tâm và vẫn cứ bấy nhiêu mẫu đề. Và cũng dĩ nhiên, giáo viên toán thì vẫn cứ luyện học sinh như luyện gà chọi những “chiêu” ra sới đấu; giáo viên văn thí cứ kiểu “thợ dạy” nói trên là hiệu suất ngút trời, cần gì dạy học kỹ năng. Một giáo viên dạy văn THPT ở Q.Tân Bình, TP.HCM, trăn trở: “Cách đánh giá môn văn hiện nay chỉ dừng lại ở đọc và viết. Trong khi môn văn rất cần kỹ năng nói. Mình cho HS luyện tập thuyết trình rất nhiều. Nếu cứ chú trọng học để thi, học vì điểm, thì HS sẽ kém đi ở nhiều kỹ năng khác lắm!”.  

Thực trạng trên dẫn đến hệ lụy là việc tùy tiện cắt xén chương trình học để dạy học “tủ” những trọng tâm. Lối học “vẹt” của HS suy cho cùng cũng từ đây mà ra. Việc đánh giá giáo viên, xếp loại thi đua giáo viên vì thế cũng thiếu toàn diện và mất chính xác, vì chỉ dựa vào một vài điểm số bài thi. Hơn nữa nó sẽ là rào cản, làm cho giáo viên “ngại” đổi mới việc dạy học.

Quan trọng hơn, nếu nhà trường không chịu đổi mới việc kiểm tra, đánh giá HS và giáo viên như đã nói ở trên, sẽ là một trở ngại rất lớn cho lộ trình thay đổi chương trình và sách giáo khoa sắp áp dụng tới đây của ngành giáo dục. Bởi vì, như ta thấy, Chương trình phổ thông mới đổi mới cả 5 phương diện, gồm: mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra đánh giá và cách quản lý. Hướng đến cách đánh giá năng lực (gồm hiểu biết, kỹ năng và thái độ của người học), khác với cách đánh giá nặng về kiến thức trước đây.

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi cách đánh giá để đổi mới giáo dục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới