Thứ tư, 08/05/2024 16:54 (GMT+7)

Đồng bào Chi Lăng như khách bộ hành trên sa mạc chờ nước sạch từ Ngân hàng Thế giới (WB)

Đặng Nam -  Chủ nhật, 30/07/2023 11:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần 6 tỉ đồng đã nằm ở dự án này. Nếu không có cách làm khác- giải pháp hiệu quả hơn- tối ưu hơn thì việc dùng nước sạch để ăn, để sinh hoạt thường xuyên, liên tục sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ với đồng bào nơi đây.

Cách đây gần 5 năm, có một dự án cung cấp nước sạch từng là niềm hy vọng rất lớn của đồng bào hai xã Bắc Thủy và Nhân Lý của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Giấc mơ được sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt của bà con tưởng chừng sẽ sớm thành hiện thực khi dự án được phê duyệt, khởi công. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, kết quả của chương trình lại không như mong đợi.

Đến nay, người dân vùng đặc biệt khó khăn này vẫn chưa có nước sạch để sử dụng như “cam kết” của chủ đầu tư (CĐT) là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lạng Sơn và các nhà thầu thi công gây lãng phí, thất thoát và cả gieo rắc thêm hoài nghi của người dân về tính minh bạch của dự án.

tm-img-alt
Trạm xử lý nược sạch của DA đặt tại thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng

Dự án vay vốn WB 90% bốn năm chưa thi công xong

Việc để cho người dân tộc vùng núi tiếp cận với nước sạch luôn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta và đã được các bộ ngành, địa phương triển khai từ nhiều năm trở lại đây đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 24/5/2018 UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 953/QĐ-UBND về việc sửa đổi Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 về việc Phân khai kế hoạch vay vốn năm 2018 Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thông dựa trên kết quả, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018. Điều đáng nói là, chương trình này vay vốn 90% của WB với số vốn vay là 5,7 tỉ đồng cho một dự án “thử nghiệm”.

Dự án (DA) cấp nước sinh hoạt cho xã Nhân Lý và Bắc Thủy, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) là DA "dựa trên kết quả đầu ra" có công suất thiết kế là 160m3/ngày đêm. Nguồn nước được khai thác từ nước mặt của suối Đáy ở thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy (Chi Lăng).

Công trình được xây dựng từ tháng 02/2019 và thời gian bắt đầu vận hành theo yêu cầu là tháng 12/2022. Tuy nhiên, đến tháng 7/2023 (chậm tiến độ gần 1 năm) người dân vẫn chưa được hưởng lợi từ dự án - chưa được dùng nước sạch.

Thế nhưng, theo đại diện WB cho biết: “DA dựa trên kết quả” thì khi nước chảy tới từng hộ dân- người dân được sử dụng bình thường, đều đặn thì mới được WB giải ngân dựa trên quy trình kiểm đếm- nghiệm thu- bàn giao.

Ngày 03/7/2023, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam (PV MTĐT) đã ghi nhận tại nhiều hộ gia đình ở xã Bắc Thủy và xã Nhân Lý đều mới chỉ lắp công tơ, nước chưa chảy- đồng hồ chưa quay thì đồng nghĩa với việc người dân bản vẫn chưa có nước sạch để nấu ăn và sinh hoạt.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Quang Huynh (ảnh trên) và đồng hồ- đầu ống chờ sắp hỏng ở cửa một nhà dân xã Bắc Thủy- Chi Lăng

Chiều 06/7/2023, trong cuộc trao đổi giữa PV MTĐT và ông Nguyễn Quang Huynh - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lạng Sơn ông cho biết: Nguyên nhân DA bị chậm tiến độ do Covid-19, DA đã được tạm ứng kính phí để thi công và đến nay cơ bản đã hoàn thành…

Ở chiều ngược lại, khi đến tận trạm xử lý nước sạch và đến hai xã được thụ hưởng DA này, chúng tôi mới thấy khá nhiều bất cập, đó là một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ mà CĐT có lẽ đã không lường trước.

Tính khả thi của chương trình

Để đầu tư thực hiện chương trình nước sạch Quốc gia cần nguồn kinh phí lớn. Trước mỗi dự án đều phải được khảo sát thực tế từ tổng quan đến chi tiết, đánh giá tính khả thi, chuẩn bị mọi điều kiện trước khi phê duyệt- vay vốn- triển khai.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Bắc Thủy (Chi Lăng) Linh Văn Bảo, ông cho biết: DA đã được CĐT bàn giao cho xã quản lý song chúng tôi chưa nhận bàn giao vận hành. Việc thành lập và duy trì, bố trí của bộ phận quản lý vận hành trạm xử lý nước rất khó. Do cần kinh phí duy trì mua hóa chất, điện sinh hoạt, lương tháng nhiều nhân sự…Tất cả những khoản này sẽ phải tính vào từng m3 nước người dân dùng. Mà người dân tộc đa phần là hộ nghèo, lạc hậu, đang quen dùng nước tự nhiên từ các khe suối không phải trả một đồng phí nào.

tm-img-alt
Chủ tịch UBND xã Bắc Thủy (Chi Lăng) Linh Văn Bảo trao đổi cùng PV MTĐT

Một cán bộ công chức địa chính khác thì cho chúng tôi biết: Khó khăn do tập quán sinh hoạt, canh tác của người dân tộc bản địa từ nhiều thế hệ. Ngoài những tháng mùa mưa thì sẽ không có nước hoặc dùng nước suối Đáy để sinh hoạt nhiều thì sẽ không có nước canh tác.

Chủ tịch UBND xã Nhân Lý Nông Văn Nam thì cho biết: Xã chúng tôi là xã giáp ranh nên được “ăn ké” vì xã Nhân Lý là xã vùng 1, dự án này đầu tư cho xã vùng 3- Bắc Thủy. Đường ống nước được lắp đặt qua các địa bàn: Thôn A, Lạng Giai A, Hợp Nhất, Làng Chiến. Dùng nước sạch thì rất tốt nhưng làm sao để thu tiền của người dân và duy trì hoạt động của dự án mới là điều đáng quan tâm. Ông Nam cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV MTĐT, hai xã này có khoảng 200 hộ dân đăng ký và nhiều hộ đã được lắp đặt công tơ nước, đầu vòi chờ vào tận cửa nhà. Tuy nhiên, gần một năm nay chưa được sử dụng, nhiều nhà đã bị hư hỏng- lãng phí là điều trông thấy.

Thi công ẩu, thiếu an toàn lao động và an ninh nguồn nước

DA tại đây là tự chảy, dựa vào độ cao và nguyên tắc “bình thông nhau” của nước để cung cấp đến các hộ dân. Đập dâng nước và trạm xử lý nguồn nước mặt suối Đáy ở gần nhau và đặt tại thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy, Chi Lăng (cạnh tỉnh lộ 234B). Tuy nhiên không hề có bất kỳ một tấm biển bảng công khai thông tin dự án và cảnh báo “an ninh nguồn nước”. Đây thể hiện năng lực của nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư- Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lạng Sơn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn).

tm-img-alt
Trạm xử lý nước sạch này thôn Tồng Cút (Bắc Thủy, Chi Lăng) đã từng bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản do khi đó chưa được thi công tường rào bảo vệ.

DA được phê duyệt xây dựng và triển khai từ đầu 2019 những mãi đến ngày 05/01/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn mới có Quyết định số 09/QĐ-UBND về việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước của dự án này (1000m về phía thượng lưu và 100m về phía hạ lưu suối Đáy).

tm-img-alt
Đập dâng nước ở suối Đáy tại thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy, Chi Lăng (cạnh tỉnh lộ 234B) được thi công sơ sài và không có biện pháp "phòng vệ"

Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường cũng quan sát thấy sự chủ quan, coi nhẹ việc vệ sinh môi trường- an ninh nguồn nước ở đây do không có phương án đảm bảo. Chỉ một chút không tính toán- không tuyên truyền tốt và bảo vệ nghiêm ngặt thì rất dễ dẫn tới thất bại trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm như mục tiêu của chương trình.

tm-img-alt
Bản dự toán kinh phí của dự án "mòn mỏi đợi chờ"

Gần 6 tỉ đồng đã nằm ở DA này, nếu không có cách làm khác, giải pháp hiệu quả hơn, tối ưu hơn thì việc dùng nước sạch để ăn, để sinh hoạt thường xuyên, liên tục sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ với đồng bào nơi đây.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về " nguy cơ lãng phí, thất thoát" ở các dự án tương tự tại một số tỉnh thành khác.

Bạn đang đọc bài viết Đồng bào Chi Lăng như khách bộ hành trên sa mạc chờ nước sạch từ Ngân hàng Thế giới (WB). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lợi ích sức khỏe khi ăn dứa
Quả dứa là loại trái cây thơm ngon mà hầu như ai cũng đã từng đôi lần nếm thử. Dứa không chỉ ngon mà còn giàu dinh dưỡng đối với cơ thể. Vậy những giá trị ấy là gì, sử dụng dứa trong thực đơn ra sao?.