Chủ nhật, 05/05/2024 17:41 (GMT+7)

Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập huyện Tân Yên - Bắc Giang

Diệp Anh -  Thứ bảy, 05/11/2022 18:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 5/11, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập huyện 6/11 (1957-2022) và vinh danh “Công dân Tân Yên ưu tú”.

Tham dự buổi gặp mặt có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Trung tướng Dương Đức Thiện, Chính ủy Học viện Hậu cần; bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; ông Dương Văn Trọng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh; bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có đại diện Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh; Hội đồng hương Tân Yên tại Hà Nội, Câu lạc bộ doanh nhân Đất Cầu Vồng tại Hà Nội; TP. HCM...

tm-img-alt
Các đại biểu dự buổi gặp mặt

Phát biểu diễn văn khai mạc, ông Đinh Đức Cảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Yên đã ôn lại truyền thống lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của huyện. 

Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, được thành lập ngày 06/11/1957 theo Nghị định số 532 của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trước thời điểm ấy Tân Yên là phần đất phía Nam của huyện Yên Thế mà sử sách và dân gian vẫn quen gọi là miền Yên Thế hạ.

Theo các nguồn thư tịch cổ và sự khảo cứu của nhiều học giả được phản ánh trong các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa lý Việt Nam: Huyện Yên Thế có từ thời Lý - Trần với tên gọi là Yên Viễn, có nghĩa là vùng đất xa xôi nhưng yên bình, thuộc Bắc Giang đạo (sau là Lộ Bắc Giang). Đầu thế kỷ 15, thời thuộc Minh, Yên Viễn được đổi thành Thanh Yên thuộc Châu Lạng Giang, Phủ Lạng Giang, lỵ sở đặt ở Lăng Cao, sau đó chuyển thành Hữu Mục. Trong sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi cho biết Yên Thế thuộc Kinh Bắc.

tm-img-alt
Thay mặt BCH Đảng bộ huyện Tân Yên, ông Đinh Đức Cảnh, Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy phát biểu diễn văn gặp mặt kỷ niệm.

Đầu thế kỷ XIX thời Nguyễn, Yên Thế thuộc phủ Hà Bắc xứ Kinh Bắc. Thời kỳ đầu Pháp thuộc, năm 1886, sau khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương và thành Tỉnh Đạo, chúng đã lập ngay đạo Yên Thế, lỵ sở đóng ở Tỉnh Đạo (Nhã Nam) để trực tiếp cai trị và đàn áp các cuộc đấu tranh, nổi dậy của nhân dân Yên Thế.

Ngày 10/10/1895, Pháp chia tỉnh Bắc Ninh thành 2 tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang, huyện Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Yên Thế trở lại là đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1957, phần phía Nam của huyện (tức miền Yên Thế hạ) tách ra thành lập huyện mới mang tên Tân Yên, phần còn lại vẫn giữ tên cũ là Yên Thế.

Huyện Tân Yên ngày nay là vùng đất có lịch sử, truyền thống lâu đời với câu phương ngôn "Trai Cầu Vồng Yên Thế". Ngay từ những năm đầu Công nguyên, nơi đây đã có Nàng Giã đại thần, chiêu binh đứng dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc phương Bắc. Các thế kỷ tiếp theo lịch sử đã ghi danh các anh hùng nhân kiệt tiêu biểu cho khí phách, cốt cách, truyền thống thượng võ, tài hoa… danh tiếng còn lưu truyền trong nhân dân.

Lịch sử Tân Yên đồng thời cũng là lịch sử đấu tranh bền bỉ, dũng cảm chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương. Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống nghĩa khí cao đẹp của người dân Tân Yên được nhân lên bội phần. Tháng 9/1944, chi bộ Đảng đầu tiên đã được thành lập ở Yên Lý (xã Phúc Sơn) và ở Đồng Điều (xã Tân Trung) để lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế, Ngô Thế Sơn… đã từng hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Tân Yên.  

Ngày 16-17/3/1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang họp tại Đồng Điều (Tân Trung), phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn tỉnh. Hưởng ứng chủ trương của Ban cán sự tỉnh, tháng 6/1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng huyện được thành lập, các làng đều có tự vệ chiến đấu tập trung. Phong trào phát triển rộng khắp trong toàn huyện mà đỉnh cao là cuộc đánh chiếm giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945, thành lập chính quyền cách mạng trên địa bàn huyện. Đây là một trong những địa phương giành được chính quyền sớm nhất tỉnh Bắc Giang.

tm-img-alt
Chương trình văn nghệ chào mừng gặp mặt kỷ niệm

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với vị trí là vùng tự do giáp với vùng địch tạm chiếm, kẻ địch tìm mọi cách để càn quét, cướp phá và lấn chiếm đất đai. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vùng tự do, chặn đứng mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của kẻ địch.

Động viên nhân dân hăng hái sản xuất, cung cấp đủ mọi yêu cầu về con người, vật lực cho tiền tuyến. Yên Thế hạ xưa hay Tân Yên ngày nay đã có 8.157 dân công phục vụ các chiến dịch, 3.295 bộ đội và thanh niên xung phong. 429 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, trong đó có 102 liệt sĩ là du kích, dân công chiến đấu hy sinh tại địa phương. Lực lượng vũ trang địa phương tổ chức đánh địch 126 trận lớn nhỏ, diệt trên 1.000 tên địch (trong đó 180 lính Pháp), thu và phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Những người con quê hương Tân Yên tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những tấm gương sáng chói, dũng cảm trong chiến đấu tiêu diệt địch như anh hùng lực lượng vũ trang Cao Kỳ Vân…

Tôn vinh những đóng góp to lớn của cán bộ và nhân dân trong huyện, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã Lam Cốt và huyện Yên Thế trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là niềm vinh dự, tự hào vô cùng lớn lao đối với huyện Tân Yên nói chung và nhân dân xã Lam Cốt nói riêng.

Thời kỳ khôi phục kinh tế sau kháng chiến chống Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1964), Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa… Đây là thời kỳ quan trọng góp phần cùng cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975), Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải vừa giữ vững và phát huy tác dụng của phương thức sản xuất mới, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, vừa phải tăng cường cung cấp nhân tài, vật lực cho tiền tuyến. Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt", quân và dân Tân Yên đã có 9.259 thanh niên nhập ngũ, đóng góp trên 85 nghìn tấn lương thực... Là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về mức tuyển quân và huy động lương thực, viết tiếp truyền thống "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" của quê hương.

Những năm kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, những người con của quê hương Tân Yên đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm, kiên cường trên khắp các chiến trường và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những tấm gương sáng chói như các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Trần Lương, Dương Quang Bổ, Lê Quang Trung, Vi Văn Vinh, Nguyễn Thái Giám, Nguyễn Đình Tiết; hơn 400 thanh niên Tân Yên của Tiểu đoàn 4 pháo binh Biên Hoà anh hùng... Hơn 2000 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến, Tân Yên luôn là nơi che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học của Tỉnh và Trung ương về sơ tán, trong đó có các cơ quan đầu não của tỉnh. Tân Yên là nơi xây dựng phong trào được cả nước biết đến như xây dựng nhà bia liệt sỹ, Hội mẹ chiến sỹ, cô Tấm hậu phương...; là lá cờ đầu của tỉnh trên các lĩnh vực như: xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, phát triển y tế, giáo dục, xây dựng nếp sống văn hoá…

tm-img-alt
Bà Lê Thị Thu Hồng tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Yên.

Với thành tích đó, huyện Tân Yênđã được Đảng, Nhà nước trao tặng 28 Huân chương kháng chiến, 19 Huân chương chiến công, 1 Huân chương Quân công hạng nhất, 8 Huân chương lao động, 1 lẵng hoa của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 206 “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 7 anh hùng lực lượng vũ trang, 5 xã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang; đặc biệt là ngày 11/6/1999, huyện Tân Yên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Tân Yên.

Phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Yên đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giai đoạn 2010-2020, kinh tế của huyện liên tục phát triển khá; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12%/năm.

Tân Yên luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các cấp biểu dương khen thưởng; đặc biệt ngày 29/6/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 904/QĐ-TTg công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện thứ ba của tỉnh Bắc Giang đạt đích này.

Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo huyện Tân Yên thay đổi rõ nét, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đã vận động được sức mạnh tập thể của cả hệ thống chính trị, huy động được sức người, sức của và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển. Quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, Tân Yên có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền liêm chính, hành động gắn với kiện toàn, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đó tạo ra và lan tỏa được một sức sống mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới với một khát vọng vươn lên mạnh mẽ với ý chí tự lực tự cường.

Về kinh tế: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 11-13%; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 7-10%/năm, giá trị sản xuất trên 01ha đất nông nghiệp đạt trên 170 triệu đồng; thu nhập bình quân người trên năm đạt trên 82 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn dưới 1%.

Về công tác xây dựng Đảng: Hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85% số đảng viên đánh giá, xếp loại; kết nạp từ 190 đảng viên trở lên; 4-5 đảng bộ xã, thị trấn, 8-9 cơ quan, đơn vị được công nhận đảng bộ, cơ quan, đơn vị “Dân vận khéo”; có trên 80% cơ sở mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt vững mạnh, vững mạnh xuất sắc.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ tạo tiền đề, sự bứt phá trong các giai đoạn tiếp theo, trọng tâm là đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng đô thị; tập trung cao giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án”; tập trung phát triển cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; trong đó: Công nghiệp sẽ là động lực chính để tăng trưởng kinh tế; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc, tạo tiền đề cho bình ổn và phát triển; dịch vụ là yếu tố thúc đẩy phát triển; các mục tiêu, nhiệm vụ đó được cụ thể hóa bằng chủ đề Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; xây dựng huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Với những thành tích trong thời kỳ đổi mới đến nay, năm 2007 huyện Tân Yênđã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba, năm 2012 được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Hai; năm 2017 được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất; năm 2020 được công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cùng với đó, nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động, Cờ thi đua, Bằng khen... Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, đồng thời là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Những thành tựu to lớn sau 65 năm xây dựng và phát triển của huyện nhà là công sức, là trí tuệ và xương máu của lớp lớp các thế hệ những người con của quê hương Tân Yên anh hùng đã bền gan, vững chí đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng và tiếp nối truyền thống quê hương, vững bước cùng cả nước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa. Thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, tôi xin nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và bày tỏ sự tri ân chân thành tới những đóng góp to lớn của những người con Tân Yên trong suốt 65 năm qua.

Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đòi hỏi toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã đoàn kết phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm phải quyết tâm cao hơn nữa. Tập trung phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp - Nông nghiệp - Thương mại - dịch vụ”; kêu gọi đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn huyện nhưng kiên quyết không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế, quyết tâm xây dựng Tân Yên thành một “Vùng quê đáng sống”.

Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải ý thức được trách nhiệm của mình, phải trăn trở trước sự phát triển của quê hương, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động; bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; chủ động, sáng tạo tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình, trọng tâm là: Hiểu rõ xu hướng vận động trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang và những chiến lược, định hướng xuyên suốt đối với phát triển kinh tế - xã hội trong cả nhiệm kỳ của huyện Tân Yên. Phải hiểu, nắm chắc những định hướng chỉ đạo của Huyện ủy đối với lĩnh vực của đơn vị, của bản thân mình phụ trách, xác định rõ đây là kim chỉ nam trong tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; thống nhất nhận thức và hành động, xác định rõ trách nhiệm của chúng ta là phải chuyển hóa bằng được thời cơ, cơ hội này thành hiện thực.

Mọi rào cản, vướng mắc, mọi nút thắtđều phải được xử lý, tháo gỡ kịp thời, kiên quyết không để cản trở, kìm hãm sự phát triển. Xác định rõ chúng ta là người đi sau, do đó phải nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ mới, theo kịp xu thế chung, thậm chí phải đi nhanh, đi trước các địa phương khác để tạo lợi thế so sánh, thu hút nguồn lực phát triển địa phương. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có tầm nhìn xa hơn, dài hạn hơn; xác định các mục tiêu, định hướng phát triển hoặc quy hoạch, đầu tư xây dựng một công trình, dự án phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm cho sự phát triển cả trước mắt và lâu dài của Tân Yên trong những năm tới.

Với những thành tựu to lớn trong 65 năm qua cùng với truyền thống anh hùng, cách mạng, truyền thống quật khởi của vùng đất Cầu Vồng, với ý chí và khát vọng vươn lên, chúng ta tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà sẽ tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của quê hương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng huyện giàu mạnh và phát triển, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên mảnh đất “Cầu Vồng” lịch sử.

tm-img-alt
Bà Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm, bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đã chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên đạt được thời gian qua.

Bà Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh, địa phương đang có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ. Vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền huyện Tân Yên là phải có tư duy, tầm nhìn mới, cách làm mới, nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ, bắt kịp xu thế chung, tạo lợi thế so sánh, thu hút nguồn lực phát triển địa phương.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đồng chí đề nghị địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhất là trong định hướng, quy hoạch phát triển KT-XH, bảo đảm cả mục tiêu trước mắt và lâu dài; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền các cấp; kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Với quyết tâm xây dựng Tân Yên thành huyện nông thôn mới nâng cao, địa phương quan tâm thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa và hiệu quả hơn, trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. 

Trong lĩnh vực xã hội, huyện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục văn hóa, truyền thống, bản sắc địa phương; cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở, trọng tâm là tăng cường y tế dự phòng; phát triển du lịch gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng đó, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, bảo vệ chính trị nội bộ. Với truyền thống cách mạng, anh hùng, tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó vươn lên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi mới, sớm xây dựng nơi đây trở thành miền quê đáng sống.

tm-img-alt
Lãnh đạo huyện Tân Yên trao danh hiệu "Công dân Tân Yên ưu tú" cho các cá nhân tiêu biểu.

Nhân dịp này, 8 cá nhân xuất sắc được UBND huyện trao tặng danh hiệu “Công dân Tân Yên ưu tú”. Đó là: Bà Vũ Thị Minh, Bí thư chi bộ thôn Đồng Lời, xã Cao Xá; ông Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa; ông Nguyễn Tiến Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sơn Hà; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, vận động viên môn WuShu, thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu; ông Phạm Tiến sản, vận động viên môn điền kinh, thôn Đồng Lầm, xã Ngọc Thiện; ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Hùng Thảo; ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Yên; ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí Tuyết Thành, thị trấn Nhã Nam.

Đây là lần đầu tiên UBND huyện Tân Yên tặng danh hiệu này, nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực KT-XH, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện.

Bạn đang đọc bài viết Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập huyện Tân Yên - Bắc Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đắk Lắk: Bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh
Toà án Nhân dân Tối cao vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk giữ chức vụ Chánh án TAND tỉnh thay cho ông Nguyễn Duy Hữu nghỉ hưu theo chế độ.
Chiến thắng Ðiện Biên Phủ: Bài học về phát huy nội lực
Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã kết triệu người Việt Nam như một, tạo nên sức mạnh của một dân tộc hiệp lực đồng tâm, chung sức đánh đuổi thực dân Pháp.

Tin mới