Thứ bảy, 11/05/2024 02:48 (GMT+7)

Gia Lai: Trên 1.500 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2018-2022)

Nguyễn Giác -  Thứ bảy, 24/06/2023 06:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xây dựng làng nông thôn mới (NTM) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là mô hình có tính đặc trưng riêng của địa phương, do đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai xác định là nhiệm vụ ưu tiên gắn với mục tiêu cụ thể trong xây dựng NTM.

Trong 5 năm qua (2018-2022), có 206/968 thôn, làng đồng bào DTTS trong toàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn NTM. Các làng đăng ký đạt chuẩn NTM được các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch thực hiện hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí; có giải pháp huy động các nguồn lực kinh phí và phân công nhiệm vụ phụ trách tiêu chí, phụ trách làng để triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Những buôn làng vùng xa với đường đi lại cách trở nay đã được bê tông hóa, khu dân cư được quy hoạch, dân làng thuận lợi trong sản xuất nương rẫy, lưu thông.

Giai đoạn 5 năm vừa qua, các địa phương trong tỉnh đã huy động hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng NTM trong vùng đồng bào DTTS (ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 24 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 153 tỷ đồng; vốn tín dụng 43,5 tỷ đồng). Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng NTM trong vùng đồng bào DTTS chương trình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo sức lan tỏa rộng khắp tại các thôn, làng trên nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

Với sự huy động sức người và sức của, thì người dân tại các buôn làng đã hiến hơn 400 nghìn m2 đất ở, đất vườn, tham gia gần 100 nghìn ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ; chủ động di dời chuồng trại, đào hố rác, trồng cây xanh...

Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và các phong trào, cuộc vận động thực hiện xây dựng NTM, diện mạo các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM.

Để góp phần vào thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2761/KH-UBND, ngày 4-12-2019 về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ thôn, làng đặc biệt khó khăn khu vực biên giới xây dựng NTM giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ được triển khai thực hiện trên phạm vi 41 thôn, làng của 6 xã biên giới. Kết quả trong 2 năm triển khai thực hiện, có 15/41 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 12/15 thôn, làng đạt chuẩn NTM thuộc trong danh sách 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM của tỉnh giai đoạn 2018-2022.

tm-img-alt
Diện mạo nông thôn mới tại vùng biên giới huyện Đức Cơ đã thay đổi mạnh mẽ từ khi chương trình xây dựng NTM được tỉnh Gia Lai triển khai.

Đạt được kết quả trên luôn có sự chỉ đạo, theo dõi xuyên suốt từ tỉnh đến từng thôn, làng; từ các ngành đến từng bộ phận chuyên môn cấp xã và sự đồng thuận, hưởng ứng của đại bộ phận dân làng trên toàn tỉnh trong triển khai chương trình xây dựng NTM trong 5 năm qua.

Vui mừng với kết quả xây dựng NTM tại nơi sinh sống, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng buôn Prong, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa, Ksor Thin nói: “Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, khó khăn nhất là tuyên truyền vận động bà con thay đổi nhận thức về di dời chuồng trại, hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng cảnh quan môi trường. Sau 5 năm triển khai thì bà con đã thay đổi được nhận thức và rất vui mừng vì buôn đã có nhiều sự thay đổi, cả về diện mạo lẫn đời sống, và là mô hình điểm của xã trong xây dựng làng nông thôn mới. Bà con rất phấn khởi vì buôn bây giờ đã sạch hơn, đẹp hơn, ấm no hơn.”

Hồ hởi về kế quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên đánh giá cao các cơ quan Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, cơ quan báo chí quan tâm, đồng hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12. Đồng thời chỉ rõ các tồn tại, hạn chế và đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, địa phương rút kinh nghiệm, sớm có giải pháp để khắc phục. Đồng thời cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên, liên tục và thực chất. Xây dựng làng NTM không chỉ là điện, đường, sắp xếp nhà ở mà phải là làng có con em trong độ tuổi đến trường phải được đi học; người dân đau ốm phải được điều trị; phải có môi trường tốt, đời sống người dân được nâng lên và không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...”.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn để xây dựng làng NTM. Đồng thời tranh thủ hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp trong xây dựng làng NTM và tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét.

tm-img-alt
Từ buôn làng đến trung tâm thị trấn của từng địa phương trong tỉnh Gia Lai trở nên trù phú, sạch đẹp sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM.

Song song với các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra trong thời gian đến, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức quần chúng theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan tăng cường giám sát, huy động sức mạnh toàn dân và huy động mọi nguồn lực để cùng chung tay góp sức xây dựng làng NTM; tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và biểu dương, khen thưởng nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Riêng với từng hộ, từng người dân ở các làng đồng bào DTTS cần phát huy hơn nữa vai trò chủ thể, chủ động tham gia thảo luận, quyết định và tổ chức thực hiện xây dựng làng NTM, xây dựng khu dân cư xanh-sạch-đẹp, gắn với kinh tế-xã hội phát triển, an ninh trật tự đảm bảo, đoàn kết thống nhất, cộng đồng trách nhiệm, phát huy bản sắc văn hóa để cùng nhau xây dựng đời sống mới.

Với kết quả đáng khích lệ đã Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tại các địa phương chung tay triển khai xây dựng NTM trong 5 năm qua, UBND tỉnh Gia Lai ghi nhận và quyết định tặng bằng khen 12 tập thể và 16 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS từ năm 2018 - 2022.

Tiếp nối thành công trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để diện mạo nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và từng buôn làng nói riêng sẽ khoác lên mình chiếc áo mới với sự tươi mới, giàu đẹp, dân làng hăng say lao động, sản xuất; đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Trên 1.500 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2018-2022). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới