Thứ sáu, 26/04/2024 14:39 (GMT+7)

Gia Lai: Vụ “bẫy người” giữa phố, cơ quan chức năng đang ở đâu?

BÙI CÔNG LỰC -  Thứ năm, 19/07/2018 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hoàn thành công trình, đơn vị thi công để lại phần cắt ngang mặt đường khiến lớp đá sạn trồi lên, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều trường hợp tai nạn đã xảy ra.

“Đang đi bỗng té cái rầm”

Trước đó, ngày 11/7, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin, anh Nguyễn Lê Minh Kha (trú tại 32 Hoàng Văn Thụ, P.Ia Kring, TP.Pleiku, Gia Lai) bị tai nạn giao thông ngay trước nhà.

Nguyên nhân, theo lời kể nạn nhân, sau hơn một tháng hoàn thiện công trình lắp hệ thống cống thoát nước trên đường Hoàng Văn Thụ, đến nay, phần cắt ngang qua mặt đường trước nhà anh vẫn chưa được hoàn thiện mặt nhựa. Đất đá trồi khỏi lớp mặt do lưu lượng xe qua lại khá lớn, chính phần đá và vết lõm trên mặt đường đã gây ra vụ tai nạn cho anh.

Nạn nhân Nguyễn Lê Minh Kha bị tai nạn ngay đoạn đường bị cắt

 Tuy nhiên, đến thời điểm 18/7, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận, phần cắt ngang qua mặt đường trước số nhà 32 đường Hoàng Văn Thụ vẫn chưa được cơ quan chức năng khắc phục.

Bên cạnh đó, đây là khu vực trung tâm thành phố đông dân cư qua lại và những ngày gần đây có mưa lớn, khiến đất đá vương vãi trên mặt đường, những chỗ lõm đọng nước gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và làm mất mỹ quan đô thị.

Một người dân tại khu vực trên cho biết: “Dù đã hơn 1 tháng hoàn thiện công trình nhưng các đơn vị thi công lại không san lấp trải nhựa trên đoạn đường bị lõm dẫn đến nhiều vụ tai nạn vẫn tiếp diễn”.

Một người dân khác cũng cho hay: “Điện đường thường tắt khoảng 9 giờ đêm, khiến người tham gia giao thông khó quan sát dẫn đến nhiều vụ trượt ngã, mới tối hôm qua (ngày 16/7) có 2 vụ ngã xe đều do đi qua đoạn đường lõm này”.

Theo ghi nhận của PV, chiều 16/7, vì sợ nguy hiểm cho người đi đường, một người dân sống gần đó đã dùng 4 bao đựng cát lấp chỗ lõm cho mặt đường bằng phẳng hơn. 

Nhiều hộ dân tại đây cũng cho biết, đã ý kiến lên tổ dân phố nhưng vụ việc này đâu lại vào đó, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào đến khắc phục.

Đường bị cắt, không phủ bêtông nhựa, đất đá vương vãi khắp mặt đường gây mất an toàn giao thông

 Chị N.N.V. (sinh sống tại khu vực đường Hoàng Văn Thụ) kể lại: “Mấy người buôn bán ở chợ đêm mới tội, bị té như cơm bữa. Hôm trước, có một người đàn ông chở bún đi qua đoạn này thì xe bị giồng (nẩy) lên nghe cái rầm 1 phát, thúng bún tung ra hết, xe nằm một nơi, bún một nẻo, chị phải chạy ra đỡ. Chỗ đây người ta bị ngã miết…”.

“Dù giữa thành phố nhưng không hiểu lý do gì đến khoảng 21h hàng ngày, cơ quan chức năng lại tắt điện đúng ngay vị trí đường bị cắt. Như vậy càng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông bởi hơn chục ngày qua, Pleiku mưa liên tiếp, trời lại tối đi xe bình thường khó quan sát”, chị V. bức xúc cho biết thêm.

“Nếu người nào bị cận, khi đeo kính nước mưa sẽ tạt vào kính càng khó quan sát hơn và dễ bị té ngã hơn”, một người dân đưa ra ý kiến khác.

Điện đường thường cúp vào lúc 9 giờ tối, gây mất an toàn giao thông cho người đi qua lại đoạn đường này

 Theo ghi nhận, sáng ngày 17/7, có hai người (không rõ thuộc đơn vị nào) đến đổ đá sạn lên những chỗ lõm trên mặt đường. Người dân khu vực này cho rằng, vì lượng xe cộ qua lại nhiều, sẽ làm trồi và văng đá dăm (loại 1x2) trên mặt đường, khi xe máy gặp chướng ngại bất ngờ sẽ thắng lại và trượt ngã.

Trường hợp này nếu tính phương án tạm thời, cơ quan chức năng nên đổ cát vào bao cứng đặt cho bằng với mặt đường để người tham gia giao thông khỏi “sập bẩy”.

Mưa kéo dài, chưa thể khắc phục

Chiều ngày 17/7, PV đến UBND TP.Pleiku và phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku đăng ký làm việc. Tại đây, ông Phạm Thế Tâm (Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP.Pleiku) cho biết, đã báo cáo sự việc với Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku và ông cũng có trao đổi trực tiếp với Trưởng Ban quản lý dự án thành phố và đơn vị phụ trách công trình phải có trách nhiệm trong vấn đề này và tìm biện pháp xử lý kịp thời.

Công trình bắt đầu thi công vào ngày 27/3 và dự kiến hoàn thành vào ngày 24/7. Nguyên nhân của việc cắt đường lắp cống thoát nước mà chưa phủ lớp bêtông nhựa, hoàn trả mặt bằng sau khi thi công là do vấn đề mưa, bão kéo dài.

Người dân khu vực này cho rằng, khi xe máy gặp chướng ngại đá dăm trên mặt đường, sẽ bất ngờ thắng lại và trượt ngã

Ông Tâm cho biết thêm, sáng ngày 17/7, ông cũng đã có mặt để kiểm tra thực tế trên đoạn đường Hoàng Văn Thụ. Phương án khắc phục tạm thời là dùng vật liệu rải đường Cacboncor.

Tuy nhiên, việc dùng Vật liệu Cacboncor phải cần trời nắng 2 ngày mới có thể làm được nhưng trong điều kiện thời tiết mưa, bão như thế này thì việc rải đường là không thể được. Trong thời gian tới lãnh đạo UBND TP sẽ có văn bản chỉ đạo cho Ban quản lý Dự án và đơn vị thi công cố gắng khắc phục nhanh nhất có thể.

Khi PV đặt câu hỏi “ai là người có trách nhiệm trong việc này”, ông Tâm cho biết, trách nhiệm chính thuộc về Ban quản lý dự án đầu tư Xây dựng TP.Pleiku và đơn vị thi công.

Để không còn vụ tai nạn giao thông đáng tiếc nào xảy ra, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục và xử lý dứt điểm, sớm trả lại hiện trạng như lúc ban đầu trên đường Hoàng Văn Thụ.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Vụ “bẫy người” giữa phố, cơ quan chức năng đang ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.