Thứ sáu, 03/05/2024 21:29 (GMT+7)

Gìn giữ lá chắn an ninh sinh thái

MTĐT -  Chủ nhật, 18/06/2023 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trung Quốc vừa liên tiếp thông qua hai đạo luật bảo vệ hai con sông dài nhất, nhì là Dương Tử và Hoàng Hà, trong đó đưa ra nhiều quy định cụ thể cũng như chế tài được siết chặt hơn để gìn giữ những lá chắn sinh thái này.

Hạn chế sử dụng nước ngầm của sông Hoàng Hà

Luật Bảo vệ sông Hoàng Hà - một đạo luật bảo vệ sinh thái và tài nguyên nước quanh con sông dài thứ hai của Trung Quốc vừa chính thức có hiệu lực ngày 1.4.2023 sau khi được Quốc hội nước này thông qua cuối năm 2022.

Một con đập trên sông Dương Tử
Một con đập trên sông Dương Tử. Nguồn: ITN

Luật này nhấn mạnh giới hạn lượng nước ngầm có thể rút khỏi lưu vực, lưu ý rằng các thị trấn nhỏ, với quy mô dân số không vượt quá 150.000 người, trong lưu vực không được vượt quá giới hạn rút nước ngầm do chính phủ phân bổ.

Luật mới nhằm giải quyết việc sử dụng nước ngầm, từ lâu đã là một trong những nguyên nhân chính gây mất nước và hủy hoại môi trường dọc theo lưu vực sông Hoàng Hà. Trong khi mực nước rút trên dòng chính của sông Hoàng Hà là nguyên nhân gây lo ngại kể từ những năm 1970, hoạt động sản xuất gia tăng và sự bùng nổ kinh tế đã càng làm vấn đề này thêm trầm trọng, nổi bật nhất là vào những năm 1990.

Sông Hoàng Hà, chảy từ tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc Trung Quốc đến tỉnh Sơn Đông ở phía đông, là nguồn cung cấp nước cho hơn 50 thành phố và là nguồn cung cấp nước tưới cho 15% diện tích đất nông nghiệp của nước này.

Luật về sông Hoàng Hà được đưa ra 2 năm sau khi Trung Quốc thông qua Luật Bảo vệ sông Dương Tử (sông Trường Giang) nhằm bảo vệ con sông này khỏi tình trạng ô nhiễm và đánh bắt cá trái phép.

Cấm đánh bắt 10 năm để hồi sinh sông Dương Tử

Sau nhiều năm khai thác cát vô tội vạ, xây đập chằng chịt, khai thác quá mức, đánh bắt tận diệt, xả thải bừa bãi, dòng sông ô nhiễm nặng đến mức chết dần. Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) nhận xét trong một báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái rằng, gần một nửa các điểm nóng về ô nhiễm kim loại ở Trung Quốc gắn với “vành đai kinh tế” Dương Tử, tính từ tỉnh tây nam Tứ Xuyên ra đến Chiết Giang ở phía đông.

Theo con số của WWF, số loài thủy sinh ở các lưu vực thượng nguồn Dương Tử đã giảm từ 161 ghi nhận vào những năm 1980 xuống còn 46 tại thời điểm này. Sản lượng cá đánh bắt được trên cả chiều dài sông vào khoảng 430.000 tấn năm 1954 xuống còn khoảng 80.000 tấn năm 2011.

Năm 2018, phát triển cân bằng giữa kinh tế với môi trường mới thực sự nhận được quyết tâm ở những cấp cao nhất tại Trung Quốc. Trước đó 2 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình khi họp ở Trùng Khánh đã phải nhấn mạnh “đã quá đủ, phải chấm dứt ô nhiễm bằng mọi cách”.

Năm 2020, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt tại 332 điểm bảo tồn dọc sông Dương Tử để điều hòa hệ sinh thái. Cùng với Luật Bảo vệ sông Dương tử có hiệu lực từ ngày 1.3.2021, lệnh cấm được mở rộng trên toàn bộ dòng chính, một số chi lưu lớn và các hồ lớn thông thủy với Dương Tử và kéo dài 10 năm.

Đạo luật, với 96 điều khoản trong 9 chương, luật tăng cường giám sát cũng như ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước ở lưu vực sông Dương Tử. Văn bản pháp lý này bao gồm quy hoạch tổng thể tài nguyên đất, phân bổ tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên, khắc phục ô nhiễm nước, phục hồi sinh thái, phát triển tổng thể, nâng cấp và chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống và trách nhiệm pháp lý.

Luật này đưa ra các biện pháp quản lý và phạt hành chính nặng hơn, quy định về truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với các quan chức địa phương cũng nghiêm hơn. Cụ thể, nếu không bảo đảm việc thi hành luật, các quan chức địa phương có thể bị truy cứu trách nhiệm với mức phạt cao nhất là buộc phải từ chức hoặc cách chức, khai trừ.

Ngoài ra, luật cũng liệt kê hàng loạt các hoạt động và hành vi bị cấm, như cấm đánh bắt cá vì mục đích thu lợi tại các khu bảo tồn sinh vật thủy sinh của lưu vực sông Trường Giang, cấm các hành động khai thác trên sông và áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn với các hành vi gây nguy hại cho môi trường lưu vực sông.

Việc khai thác cát và đánh cá cũng bị cấm trên tất cả các tuyến đường thủy tự nhiên của Trường Giang. Trong thời hạn do nhà nước quy định, việc đánh bắt cá vì mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên bị cấm ở các khu vực chính, gồm sông chính, các nhánh sông chính, các hồ và các khu vực cửa sông cụ thể.

Đối với hành vi khai thác cát trái phép, ngoài việc thu giữ tàu bè vi phạm, mức phạt cao nhất được đưa ra đã tăng từ 300.000 (NDT) lên dưới 20 lần giá trị hàng hóa bị xử lý hoặc tối đa là 2 triệu NDT. Việc vi phạm quy định cấm xây mới, mở rộng các khu công nghiệp hoặc dự án hóa chất cũng bị phạt lên đến 5 triệu NDT.

Một số quy định mới khác đã có hiệu lực gồm cấm xây dựng nhà máy hóa chất trong phạm vi 1km tính từ bờ sông, hồ chứa thải cách bờ sông 3km. Mức phạt cũng được tăng cao với mức cao nhất là 5 triệu NDT. Quy định còn cấm việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm lớn về chi lưu ở thượng nguồn.

Wang Canfa, giáo sư tại Đại học Khoa học và Luật chính trị Trung Quốc đánh giá Luật Bảo vệ sông Dương Tử là một tiến bộ so với các luật về môi trường. “Nó quy chiếu tổng hợp các lĩnh vực về môi trường, từ rừng, nguồn nước, từ bảo vệ nguồn lợi đến ngăn ngừa ô nhiễm, tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn trước đây khi rừng hay nước hay đồng cỏ... mỗi lĩnh vực có văn bản pháp quy khác nhau”, giáo sư Wang nhận xét.

Luật Bảo vệ sông Dương Tử không chỉ tượng trưng cho luật đầu tiên quản lý một thung lũng sông lớn của Trung Quốc, mà còn là quy hoạch, bảo vệ môi trường và phát triển xanh của toàn bộ lưu vực sông, bao gồm 11 tỉnh, thành phố và chiếm gần một nửa nền kinh tế đất nước. Đây cũng là bảo đảm pháp lý cơ bản cho việc Trung Quốc thực hiện các cam kết theo Hiệp định Khí hậu Paris, cắt giảm hơn 65% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.

Bạn đang đọc bài viết Gìn giữ lá chắn an ninh sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Cùng chuyên mục

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.