Thứ hai, 06/05/2024 00:23 (GMT+7)

Hà Nội đề xuất lùi 5 năm để hoàn thành tuyến metro Nhổn

MTĐT -  Thứ ba, 13/09/2022 09:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vào năm 2027, chậm 5 năm với kế hoạch ban đầu. Đồng thời, tổng mức đầu tư tăng gần 2.000 tỷ đồng.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mốc thời gian hoàn thành dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được lùi từ 2022 sang 2027, tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng.

Tờ trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại phiên họp ngày 12/9. Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đoạn trên cao đưa vào khai thác, vận hành năm 2022 và khai thác toàn tuyến năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm). Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng.

TP Hà Nội đưa ra 8 lý giải cho đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án. Đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực nhà thầu gói thầu công trình kiến trúc Depot còn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp các sở, ngành chưa tốt; sự khác nhau giữa quy định hợp đồng quốc tế với pháp luật Việt Nam; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Theo UBND thành phố, tiến độ hoàn thành dự án hoàn toàn phụ thuộc vào gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm). Do khó khăn trong bàn giao mặt bằng nên chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công lên khoảng 4-5 năm. Hiện gói thầu này đã bị dừng thi công hơn một năm, chủ đầu tư đang phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 10 và đàm phán để nhà thầu thi công trở lại.

Việc tăng tổng mức đầu tư cũng được UBND thành phố lý giải bởi 7 nguyên nhân gồm biến động tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc, chậm tiến độ, bổ sung các công việc còn thiếu... Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027. Trong tờ trình, UBND TP Hà Nội cho hay cũng đã xem xét phương án đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026 (rút ngắn hơn 11 tháng). Chủ đầu tư đã báo cáo Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, đánh giá, nhưng với các rủi ro về kỹ thuật cũng như chi phí do đẩy nhanh tiến độ, thành phố không đề xuất phương án này.

Sau khi nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, ngay trong tháng 9 UBND thành phố sẽ trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Nhận định về tiến độ dự án, UBND Hà Nội cho biết chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

tm-img-alt

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mốc thời gian hoàn thành dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được lùi từ 2022 sang 2027, tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Tính đến hiện nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.

Theo UBND Hà Nội, hiện, 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí. Nguyên nhân là kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và đã hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Đến nay, chủ đầu tư mới ký kết phụ lục hợp đồng với 5 gói thầu CP1, CP2, CP5, CP7 và PIC, đồng thời gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu này đến tháng 12 năm nay, Ngoài ra, đơn vị đang triển khai thương thảo với gói thầu CP6, CP8 và CP3.

“Việc điều chỉnh tiến độ dự án và gia hạn các hợp đồng khó khăn, phức tạp do dự án phải đồng thời tuân thủ cả quy định của các nhà tài trợ và quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong khi có nhiều sự khác biệt giữa quy định hợp đồng FIDIC với các quy định pháp luật Việt Nam, dẫn đến phát sinh các khiếu kiện, tranh chấp hay tạm dừng công việc với các nhà thầu quốc tế của dự án”, văn bản của UBND Hà Nội nêu.

Về công tác giải phóng mặt bằng, công đoạn này của đoạn trên cao đã hoàn thành và bàn giao cho các nhà thầu. Tuy nhiên, 177 hộ dân tại depot và đường dẫn vào depot vẫn đang khiếu nại đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ. UBND Hà Nội đang chỉ đạo các cấp có thẩm quyền tiến hành giải quyết.

Đối với đoạn ngầm, công tác giải phóng mặt bằng chậm 1-6 năm. Đến nay, còn tồn tại công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư 50 căn nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, trong đó có 43 căn nhà cần tạm cư và 7 căn nhà cần phá dỡ, đều không phải thu hồi đất.

UBND Hà Nội nhận định công việc này phức tạp, gặp nhiều vướng mắc và khó khăn do chưa có quy định pháp luật về chính sách bồi thường hỗ trợ, tạm cư…

Do đó, chủ đầu tư đang phối hợp với UBND quận Ba Đình và Đống Đa tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm theo yêu cầu của UBND TP, hoàn thành trước ngày 30/9.

Về công tác giải ngân, tính đến hết tháng 8/2022, tổng số vốn giải ngân dự án là trên 17.000 tỷ đồng.

Thành phố nhìn nhận có nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, bao gồm việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, công tác lãnh đạo và chỉ đạo của UBND Hà Nội đối với dự án chưa sát sao, quyết liệt; năng lực triển khai của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư cùng sở, ngành liên quan còn yếu kém...

Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan được chỉ ra như vướng mắc về quy định hợp đồng; vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, vật tư cùng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm chậm trễ, đứt gãy, gián đoạn sản xuất...

Hoài Thu ( T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội đề xuất lùi 5 năm để hoàn thành tuyến metro Nhổn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới