Thứ sáu, 26/04/2024 17:03 (GMT+7)

Hà Nội-Hòa Bình cần “ngồi” lại với nhau giải quyết vấn đề hồ Đầm Bài

MTĐT -  Thứ ba, 31/03/2020 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu việc UBND tỉnh Hòa Bình lấy lại hồ Đầm Bài là không thỏa đáng thì với những bất cập từ khi vận hành nhà máy nước sông Đà, phải rà soát kỹ lưỡng sự hợp lý và phù hợp của toàn bộ các hạng mục dự án.

Hồ Đầm Bài được coi là một hạng mục quan trọng của Dự án cấp nước sông Đà.

 Ghi nhận những đóng góp

Có thể nói, Dự án nước sông Đà đi vào hoạt động đã giải quyết nhu cầu cấp nước sạch cho người dân vùng Thủ đô Hà Nội tại thời điểm đầu những năm 2000 như: Sơn Tây, Láng - Hòa Lạc, Xuân Mai, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn, người dân dọc theo trục đường Láng – Hòa Lạc, đô thị phía Tây Nam Hà Nội từ vành đai 3 đến vành đai 4 và khu vực nông thôn liền kề.

Việc xây dựng nhà máy vào thời điểm đầu những năm 2000 được sự đồng thuận của các Bộ, ngành và UBND địa phương được hưởng lợi.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, các hạng mục của Dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là các công trình đầu mối nhà máy xử lý nước sạch sông Đà với hệ thống họng thu, kênh, mương dẫn nước thô, hồ Đầm Bài chứa nước, các trạm bơm, các bể xử lý nước sạch tại xã Phú Minh và xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn), một phần đường ống dẫn nước từ công trình đầu mối đi qua xã Yên Quang (huyện Kỳ Sơn).

Các hạng mục của Dự án trên địa bàn Hà Nội gồm các hệ thống đường ống dẫn nước sạch bắt đầu từ điểm tiếp giáp tỉnh Hòa Bình và các hạng mục, công trình liên quan để phục vụ cấp nước cho các hộ tiêu dùng.

Công trình hồ Đầm Bài được xây dựng từ năm 1994, trước đây phục vụ tưới tiêu cho 500ha lúa và hoa màu của 03 xã Phú Minh, Hợp Thịnh và Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn). Từ năm 2005, hồ được bổ sung thêm nhiệm vụ làm bể sơ lắng cho Dự án cấp nước sông Đà. Hồ có diện tích lòng hơn 69ha, diện tích lưu vực 16,6km2, chiều dài đỉnh đập 270m, dung tích hồ chứa khoảng 4,88 triệu m3.

Cũng theo UBND tỉnh Hòa Bình, hồ sơ về môi trường và Giấy phép khai thác sử dụng nước của Dự án là đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành.

Như vậy, có thể thấy, tại thời điểm khảo sát, đầu tư xây dựng Nhà máy nước sông Đà, việc sử dụng hồ Đầm Bài là một hạng mục không thể thiếu của Dự án cấp nước sông Đà.

Cần có sự phối hợp giữa các địa phương

Tuy nhiên, với những sự cố về đường ống xảy ra liên tục, được dự báo là sẽ xảy ra thường xuyên và gần đây nhất là việc nguồn nước bị đổ trộm dầu thải vào đầu tháng 10/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có báo cáo kết quả kiểm tra, trong đó kiến nghị xây dựng kênh dẫn nước kính dẫn nước từ sông Đà về nhà máy mà không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng và dự trữ nước thô. Lý do, có nhiều suối nhỏ dẫn vào hồ nên việc bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về hồ là rất khó khăn.

Đầu tháng 2/2020, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc không sử dụng hồ Đầm Bài làm bể lắng cho Dự án nước sông Đà, là giải pháp an toàn lâu dài để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Đà, giúp tỉnh Hòa Bình có thể khai thác các quỹ đất xung quanh khu vực hồ Đầm Bài mà không làm ảnh hưởng đến an toàn cấp nước của Nhà máy nước sông Đà.

Theo một chuyên gia trong ngành Xây dựng, có rất nhiều phương án tốt hơn phương án lấy nước từ hồ Đầm Bài vì nước chảy từ các khe suối về rất khó bảo đảm giữ được nguồn nước sạch. Việc đặt trạm xử lý nước ngay từ đầu nguồn cũng là phương án khó hiểu vì nước phải vận chuyển từ rất xa về…

Còn theo ông Nguyễn Hồng Tiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam, trong quy hoạch vùng Thủ đô, Nhà máy nước sông Đà không chỉ có công suất 300.000 m3/ngày đêm như hiện nay mà còn được nâng công suất lên 600.000 - 1.200.000 m3/ngày đêm. Như vậy, sự tồn tại của Dự án cấp nước sông Đà với các hạng mục công trình được khẳng định trong các quy hoạch, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, UBND tỉnh Hòa Bình nên phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội để làm rõ những đề xuất của tỉnh, vì việc Nhà máy nước sông Đà đặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cung cấp nước cho không chỉ người dân Thành phố Hà Nội mà người dân tỉnh Hòa Bình cũng được hưởng lợi một phần.

Vấn đề cốt lõi ở đây là phải có sự phối hợp trong xử lý các liên kết giữa các địa phương, đặc biệt khi có từ hai tỉnh trở lên, phải đứng ở góc độ lợi ích toàn cục, không thể đứng trên góc độ từng địa phương để giải quyết mối quan hệ liên vùng. Không thể kiến nghị đơn phương để giải quyết vấn đề mang tính liên vùng./.

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội-Hòa Bình cần “ngồi” lại với nhau giải quyết vấn đề hồ Đầm Bài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới