Thứ hai, 29/04/2024 04:37 (GMT+7)

Dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm ở vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ

MTĐT -  Thứ hai, 11/12/2023 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú

I. Thực trạng dạy nghề, tạo việc làm ở các tỉnh Trung du và Miền núi Bắc Bộ

1. Về ban hành cơ chế chính sách dạy nghề, tạo việc làm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn cả nước, trong đó có vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, cụ thể:

- Về Giáo dục nghề nghiệp: Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 [1] được ban hành (thay thế cho Luật Dạy nghề 2006) đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo tinh thần của Chiến lược 2011-2020 và các Kế hoạch 2011-2015 và 2016-2020.

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bao hàm đầy đủ các nội dung cơ bản của giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; tạo bước đột phá trong phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo. Những quy định về các điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ thủ tục để thành lập cơ sở GDNN; xây dựng chương trình GDNN; danh mục nghề đào tạo; tổ chức thi kiểm tra và cấp phát văn bằng chứng chỉ; bảo đảm chất lượng GDNN; các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN; xây dựng tiêu chí để kiểm định chất lượng GDNN; liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo,... và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo nên một hệ thống pháp luật về GDNN tương đối đồng bộ, thống nhất.

Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và thể chế hóa Chiến lược 2011-2020, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết [2] phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp-Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ GDNN về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập khu vực ASEAN và thế giới.

- Về việc làm: Luật Việc làm năm 2013 [3] đã mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (LLLĐ); là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động yếu thế tìm việc làm, tiếp cận việc làm thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay tín dụng tạo việc làm, chính sách việc làm công, phát triển kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp.

Luật Việc làm quy định chi tiết về Bảo hiểm thất nghiệp với sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết. Các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp về trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển dụng và cung ứng lao động đã góp phần nâng cao năng lực tự đảm bảo an sinh xã hội của người lao động, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp mạnh với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, giữa người lao động có công việc ổn định với người lao động có công việc nhiều rủi ro nhằm thích ứng với những biến động nhanh chóng của TTLĐ, xử lý phù hợp theo nguyên tắc thị trường hiện tượng thất nghiệp như là một biến cố gắn liền với cơ chế thị trường.

Luật Việc làm cũng quy định về dịch vụ việc làm công và doanh nghiệp tư đối nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc, tạo dựng hành lang pháp lý tương hoàn chỉnh về một định chế trung gian trong thị trường lao động, giúp cho việc gắn kết cung-cầu tốt hơn, thị trường vận hành thông suốt.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình ban hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

+ Chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn, chính sách việc làm công; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm lao động yếu thế như người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

+ Các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động: phát triển tổ chức dịch vụ việc (Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm)

để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, phát triển hệ thống thông thị trường lao động; chính sách về bảo hiểm thất nghiệp với các chế độ: hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, trợ cấp thất nghiệp.

+ Các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm các giai đoạn (giai đoạn 2006 - 2010, 2012 - 2015, 2016 – 2020) với mục tiêu trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm.

  1. Thực trạng về dạy nghề, hướng nghiệp

Vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam được xác định bởi quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ, theo đó vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (Vùng TDMNBB) bao gồm 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và 21 huyện, thị xã phía Tây của 02 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, có tổng diện tích khoảng 116.898,15 km2, chiếm hơn 35% diện tích tự nhiên của cả nước nhưng chỉ có khoảng 14,7 triệu người (chiếm 15,26% dân số cả nước) sinh sống. Đây là địa bàn có hơn 30 dân tộc đang sinh sống, chiếm 50% dân số toàn vùng"[4]. Vùng TDMNBB có vị trí nằm ở cửa ngõ giao thương thông ra biển của các khu vực sâu trong lục địa Trung Quốc và Campuchia đồng thời đảm bảo an ninh sinh thái cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, là vùng văn hóa tộc người vừa đa dạng vừa thống nhất theo không gian và thời gian. Với sự đa dạng về sắc tộc, vùng này càng khẳng định vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và xã hội đối với quốc gia.

Theo các chuyên gia và nhà kinh tế trong nước Vùng TDMNBB nhận định tăng trưởng kinh tế của Vùng TDMNBB đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận, nhưng đang có xu hướng chững lại trong các năm gần đây, nguyên nhân chính nằm ở sự suy giảm tốc độ tăng năng suất lao động và việc làm, cùng với sự chưa hợp lý trong tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Về khía cạnh môi trường, cùng với sự phát triển kinh tế, Vùng TDMNBB phải đối diện với sự biến đổi môi trường tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và sự gia tăng của các sự cố môi trường. Như vậy, mỗi trụ cột của phát triển bền vững, gồm kinh tế, xã hội và môi trường đều đang tồn tại những bất cập của Vùng TDMNBB trong thời gian qua.

Về cơ chế, chính sách, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TDMNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 11) theo đó xác định tầm nhìn đến năm 2045, vùng TDMNBB là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước. Để hiện thực hóa các nội dung, nhiệm vụ chính trị của Nghị quyết số 11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11, trong đó xác định chỉ tiêu đến năm 2030 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70%; có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Việc hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, đồng thời từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế của Vùng đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách hữu hiệu, đồng bộ và khả thi ở tất cả các lĩnh vực, trong đó tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho vùng được coi là nhiệm vụ, giải pháp có vai trò, vị trí quan trọng.

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) [5] và tổng hợp số liệu báo cáo nhanh của các địa phương, đến nay toàn vùng có 422 cơ sở GDNN (bao gồm 48 trường cao đẳng, 51 trường trung cấp và 219 trung tâm GDNN và 104 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN). Đội ngũ nhà giáo GDNN toàn vùng có 9.540 người (trong đó đội ngũ nhà giáo giảng dạy tại các trường cao đẳng là 4.943 người, trường trung cấp là 1.516 người, trung tâm GDNN là 2.271 và cơ sở khác có đăng ký GDNN là 810 người). Cán bộ quản lý GDNN là 2.326 người, trong đó cán bộ quản lý GDNN có trình độ trên đại học là 882 người, có trình độ đại học là 1.408 người, trình độ cao đẳng là 36 người, có trình độ trung cấp là 21 người, trình độ khác là 9 người; có 923 cán bộ quản lý GDNN là nữ; 432 cán bộ quản lý GDNN là dân tộc ít người. Năm 2022, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp của 14 tỉnh vùng TDMNBB (chưa bao gồm huyện, thị xã phía Tây của Thanh Hóa và Nghệ An) ở 03 cấp trình độ và các hình thức giáo dục nghề nghiệp khác là trên 230.000 người; kết quả tốt nghiệp là trên 200.000 người, đạt 107,5% kế hoạch (trình độ cao đẳng gần 9.000 người, trình độ trung cấp 21.000 người, trình độ sơ cấp gần 90.000 người, đào tạo thường xuyên trên 80.0000 người).

  1. Thực trạng về lao động, tạo việc làm

3.1. Tình hình lao động, việc làm

- Về quy mô lao động

Năm 2021, lực lượng lao động của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là 5.866 nghìn người (chiếm 11,6% lực lượng lao động cả nước), tăng 11,27% so với năm 2004 (5.272,18 nghìn người). So với các vùng khác: bằng 51,29% so với vùng Đồng bằng sông Hồng (11.436,7 nghìn người); 56,07% so với vùng Bắc trung bộ và Duyên hải Miền Trung (10.462,3nghìn người); 166,66% so với vùng Tây Nguyên (3.520,1 nghìn người); 59,18% so với vùng Đông Nam Bộ (9.913,3 nghìn người); 62,67% so với vùng đồng bằng sông Cửu Long (9.361,4 nghìn người).

- Về tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội

Năm 2020, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là 56,4% (vùng: Đồng bằng sông Hồng là 19,4%, Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung là 38,1%, Tây Nguyên là 67,9%, Đông Nam Bộ là 9,2%, Đồng bằng sông Cửu Long là 38,5%), giảm dần đều từ 2 - 3%/năm (năm 2019 là 56,6%; năm 2018 là 59,2%, năm 2017 là 62,5%, năm 2016 là 64,6%, năm 2015 là 66,6%). Cơ cấu lao động có sự dịch chuyển theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

- Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm

Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của vùng là 2,42%, thấp hơn 0,78% so với tỷ lệ thất nghiệp chung toàn quốc (3,2%), thấp hơn các vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (3,3%), Đông Nam Bộ (4,66%), Đồng Bằng sông Cửu Long (4,05%); cao hơn các vùng Đồng Bằng sông Hồng (2,18%), Tây Nguyên (0,96%); tăng 1,3% so với năm 2004 (1,12%)

Năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi của Vùng là 1,92% thấp hơn tỷ lệ chung cả nước (3,1%), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung (3,66%), vùng Tây Nguyên (3,56%), vùng Đông Nam Bộ (3,76%), vùng Đồng bằng sông Cửu Long (4,33%), cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng (1,5%).

3.2. Thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 51.074 tỷ đồng (dư nợ từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm: 4.457 tỷ đồng, dư nợ từ nguồn vốn NHCSXH huy động: 22.989 tỷ đồng, dư nợ từ nguồn ủy thác của địa phương qua NHCSXH: 23.628 tỷ đồng), đồng thời, nhằm bảo đảm phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, trong đó, bố trí 10.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP từ nguồn Chính phủ bảo lãnh đối với trái phiếu phát hành trong nước cho NHCSXH (đến 31/12/2022 đã giải ngân 10.000 tỷ đồng cho vay trên 210 nghìn khách hàng) góp phần tạo mở nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho lao động, hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước nói chung, trong đó có lao động Vùng TDMNBB.

Năm 2022, đối với các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ưu đãi khác, doanh số cho vay đạt 3.535 tỷ đồng (quỹ quốc gia về việc làm là 363,9 tỷ đồng) đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho 304.042 lao động (trong đó, lao động nữ là 33.342 lao động; người khuyết tật là 18.718 lao động; người dân tộc thiểu số là 28.175 lao động), mức tín dụng/lao động ngày càng được nâng cao, chất lượng việc làm từng bước được cải thiện.

II. Đánh giá chung

1. Thành tựu

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Vùng tăng đều qua từng năm (năm 2014: 39,64%, năm 2015: 41,66%, năm 2016: 42,79%, năm 2017: 45,29%, năm 2018: 47,31%); đã có 3 địa phương đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đặt ra (Lào Cai và Phú Thọ đạt 65%, Bắc Giang đạt 68%); hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4% hộ nghèo, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Mạng lưới cơ sở GDNN trong vùng phát triển nhanh về số lượng, mạng lưới cơ sở GDNN được phân bổ tương đối phù hợp theo địa bàn và cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật đối với các doanh nghiệp.

Đã hình thành các trường nghề được đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm để đầu tư tập trung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong Vùng và các Vùng lân cận trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực lao động và xã hội: Tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế. Luật pháp, chính sách trong lĩnh vực lao động, việc làm được thiết kế trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường; đảm bảo quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013, đảm bảo an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau; phù hợp với các Công ước, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thị trường lao động được vận hành về cơ bản tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của thị trường, tôn trọng quyền tự do thương lượng, thỏa thuận và tự định đoạt của người lao động và doanh nghiệp, Nhà nước chỉ can thiệp ở mức tối thiểu để bảo vệ các nhóm lao động yếu thế; Giảm sự can thiệp hành chính, mệnh lệnh của Nhà nước.

Các định chế trung gian trong thị trường lao động được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước theo nền kinh tế thị trường. Các định chể trung gian trong TTLĐ như tổ chức dịch vụ việc làm công và doanh nghiệp việc làm tư nhân được luật hóa theo đúng tinh thần các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế; giúp cho thị trường vận hành linh hoạt, thông suốt; rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động và thời gian tuyển người của người sử dụng lao động; giảm chi phí xã hội do thời gian thất nghiệp dài hoặc tốn kém thời gian và chi phí tuyển người; giúp tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.

Các hoạt động của BHTN như chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi hay duy trì việc làm, cung ứng lao động đã thực sự hỗ trợ giảm thiểu tác động tiêu cực của những rủi ro không mong muốn trên thị trường lao động.

Lực lượng lao động tiếp tục tăng mặc dù mức tăng và tỷ lệ tăng có xu hướng giảm dần. Chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu việc làm theo hướng tích cực.

Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, đạt được các mục tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bước đầu đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường và năng lực/nguyện vọng của người lao động. Giải quyết hài hòa giữa đào tạo nghề phổ cập nhằm đáp ứng nhu cầu phổ biến của thị trường và đào tạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các ngành/nghề trọng điểm, hội nhập. Quy mô tuyển sinh học nghề có xu hướng gia tăng thể hiện sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp. Dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông thôn, cải thiện chất lượng việc làm và thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

  1. Hạn chế

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn vùng còn thấp (57%) so với bình quân chung cả nước.

- Cơ cấu đào tạo nghề theo cấp trình độ và ngành nghề còn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cơ cấu tuyển sinh GDNN còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng - chiếm 75%, trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

- Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế: nhiều cơ sở GDNN quy mô còn nhỏ, chưa hình thành được những cơ sở GDNN tiếp cận trình độ khu vực ASEAN và quốc tế; số lượng cơ sở GDNN tư thục được thành lập còn thấp so với cả nước (trường cao đẳng tư thục chiếm 6,1%, trường trung cấp tư thục chiếm 38,9%, trung tâm dạy nghề tư thục chiếm 21,2%); chất lượng đào tạo của một số cơ sở GDNN còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.

- Tỷ lệ thất nghiệp chung và thất nghiệp ở thành thị thấp nhưng chất lượng việc làm không cao và tỷ lệ thất nghiệp thanh niên còn cao. Tình trạng người có trình độ cao (tốt nghiệp cao đẳng, đại học) không tìm được việc làm còn lớn hoặc phải làm việc không đúng ngành/nghề được đào tạo, cho thấy đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước, đa phần là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong khi chất lượng lao động là người dân tộc thiểu số còn thấp nên khả năng giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao chất lượng việc làm không cao.

Số lượng, chất lượng còn hạn chế lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn hạn chế (cả về ngoại ngữ và tay nghề); nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân thuộc huyện nghèo.

II. Giải pháp

1. Bối cảnh trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với dạy nghề, tạo việc làm trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Nghị quyết đại hội XIII nhận định: Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao. Cụ thể:

- Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, vùng này là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây của Trung Quốc và có nhiều cửa khẩu với nước láng giềng có thị trường lớn.

- Cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những quy chuẩn, tiêu chuẩn về lao động, việc làm mang lại nhiều cơ hội và thách thức về việc làm.

- Tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng kết hợp với các định hướng phát triển kinh tế mới như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững... có tác động tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra những tác động bất lợi trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác, dễ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng.

- Việc Việt Nam thực hiện các cam kết CPTPP, EVFTA nên cũng tạo ra những áp lực lớn đến đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập.

- Phát triển thị trường lao động mở đặt ra vấn đề về quản lý di chuyển lao động trong nước và lao động quốc tế. Xu hướng gia tăng các dòng lao động di cư đòi hỏi các chính sách xã hội nói chung, thị trường lao động và an sinh xã hội nói riêng phải được điều chỉnh để phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, mức độ cạnh tranh về việc làm đối với lao động di cư sẽ ngày càng mạnh, đặt ra thách thức cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn lao động và xã hội để cạnh tranh với các nước trong khu vực, cũng như cạnh tranh với lao động là người nước ngoài ở ngay thị trường trong nước.

  1. Quan điểm

- Con người phải thực sự được đặt ở vị trí trung tâm trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển trẻ em. Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng chính sách, đảm bảo các chính sách xã hội được xây dựng và triển khai đồng thời với các chính sách kinh tế; các mục tiêu xã hội phải được xác định trong mối quan hệ với các mục tiêu kinh tế.

- Việc giải quyết các vấn đề về lao động phải dựa trên quan điểm phát triển, đảm bảo quyền của người dân được tham gia bình đẳng, được phát triển và thụ hưởng từ các kết quả của tăng trưởng. Coi trọng việc làm thỏa đáng bền vững (Sustainable Decent Work). Xác định đầu tư cho lao động, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo và an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển.

- Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực sáng tạo, có năng lực cạnh tranh và thích ứng với thị trường lao động; đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực phải đi trước một bước.

3. Một số giải pháp số

3.1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

- Các địa phương xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 của các cấp tại địa phương.

- Rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN theo hướng chuẩn hóa, giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; phát triển các trường trọng điểm, ngành, nghề trọng điểm và các cơ sở GDNN cho một số ngành, nghề, đối tượng đặc thù. Gắn kết GDNN với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN.

- Chỉ đạo các cấp ở địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm nguồn vốn đối ứng phù hợp với điều kiện thực tế và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3.2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách

- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển:

+ Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, khuyến khích người lao động vừa học, vừa làm; khuyến khích các chủ sử dụng lao động đầu tư đào tạo cho người lao động; có chương trình đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động trung niên; chính sách khuyến khích các cơ sở GDNN tập trung đào tạo các ngành, nghề kỹ thuật phục vụ cho chiến lược phát triển các ngành mũi nhọn, đào tạo cho đối tượng dân tộc thiểu số và người khuyết tật; có chương trình, dự án trọng điểm nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

+ Đa dạng hóa phương thức GDNN theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

+ Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong GDNN và giữa GDNN và giáo dục đại học. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở GDNN; gắn kết hệ thống giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển GDNN.

+ Tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp, người sử dụng lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm:

+ Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Việc làm; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0;

+ Các địa phương chủ động xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, ưu tiên các đối tượng là dân tộc thiểu số và đối tượng thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

+ Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin và dự báo TTLĐ và chất lượng dịch vụ việc làm để nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động.

+ Đẩy mạnh thực hiện lồng ghép chính sách việc làm công trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động là lao động nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động vùng nghèo, vùng khó khăn tại các tỉnh trong Vùng.

3.3. Xây dựng cơ sở hạ tầng

- Hỗ trợ đầu tư hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong Vùng, tập trung vào cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao năng lực, hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; hỗ trợ tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là giao dịch việc làm trực tuyến và các hoạt động giao dịch việc làm cho vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng còn khó khăn trong Vùng.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biển đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

3.4. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư

- Tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách xã hội; bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu cho người dân; trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp.

- Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số cả về chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông, điện lưới để kết nối với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển, nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện cho địa bàn miền núi, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống so với cả nước.

- Có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án của địa phương, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

- Quy định định mức, phân bổ cụ thể ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách, mục tiêu kế hoạch hằng năm. Các địa phương phải bảo đảm xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước cho các ngành, các cấp của địa phương, đồng thời bảo đảm tỷ lệ đối ứng theo quy định.

- Tăng cường bổ sung nguồn vốn và tạo thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn vay cho các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong Vùng.

3.5. Thực hiện các chương trình, dự án cụ thể cần triển khai

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN, thực hiện phân luồng trung học cơ sở theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN cao hơn bình quân chung cả nước.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

- Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề cho người lao động, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

- Các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ, người khuyết tật; tiến tới xóa nghèo về trình độ, kiến thức sản xuất và việc làm cho người trong độ tuổi lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu quản lý lao động; kết nối cơ sở dữ liệu về lao động với cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, thuế, dân cư, trong đó có dữ liệu lao động là người dân tộc thiểu số, làm cơ sở hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách phù hợp cho lao động nói chung, lao động trong Vùng nói riêng./.

[1] Luật số 74/2014/QH13, Quốc hội, ngày 27/11/2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

[2] Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ.

[3] Luật số 38/2013/QH13, Quốc hội, ngày 16/11/2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

[4] Thông tấn xã Việt Nam

[5] Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sổ tay Thông tin thống kê về giáo dục nghề nghiệp năm 2020, Nhà xuất bản Hà Nội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bạn đang đọc bài viết Dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm ở vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.