Thứ hai, 29/04/2024 05:13 (GMT+7)

Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng đường song hành- Vành đai 4

Tuệ Lâm -  Thứ năm, 23/02/2023 15:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.Hà Nội vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP.Hà Nội thuộc dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.1: xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận TP Hà Nội với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2 km.

Tuyến có điểm đầu - Km0+000 (tương ứng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn; điểm cuối tại Km58+200 ranh giới TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, thuộc địa phận huyện Thường Tín.

Tuyến đi qua địa bàn 7 quận, huyện thuộc UBND TP Hà Nội bao gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Phạm vi xây dựng đường song hành phải có chiều dài khoảng 51,61km, đường song hành trái có chiều dài khoảng 51,55km.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đường song hành (đường đô thị) được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80km/h theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị. Riêng đoạn tuyến đi ngoài đê Song Phương (Km30+310-Km33+060) thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường phố chính thứ yếu, vận tốc thiết kế 60km/h theo tiêu chuẩn đường đô thị. Quy mô mặt cắt ngang (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) có nền đường rộng 12m.

Đối với các nút giao được dự kiến đầu tư xây dựng nút liên thông sẽ được đầu tư đồng bộ trong dự án thành phần 3 (nút cao tốc Hà Nội - Lào Cai; trục Mê Linh; đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ).

Các nút giao với các đường ngang là đường tỉnh, quốc lộ, trục chính đô thị hiện hữu khác có lưu lượng lớn tổ chức giao thông phức tạp trước mắt thiết kế nút giao bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn, biển báo dẫn hướng đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.

Đối với các tuyến đường khác sẽ được vuốt nối thuận lợi với đường song hành hai bên tuyến và tổ chức quay đầu trong khoảng 1km một vị trí đối với các đoạn tuyến tổ chức giao thông một chiều.

Tổng mức đầu tư dự án là 5.388 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 4.525 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Liên quan đến dự án đường Vành đai 4, mới đây, Hà Nội cũng dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng làm Vành đai 4 là hơn 11.200 tỷ đồng và dành hơn 960 tỷ đồng để xây dựng các khu tái định cư. 

Thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2024. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, thực hiện xong toàn bộ Dự án thành phần 1.1 trong năm 2024.

Theo kế hoạch, tổng diện tích đất Hà Nội cần thu hồi để phục vụ xây dựng vành đai 4 và đất hành lang dự trữ đường sắt quốc gia là khoảng 812,07 ha.

Diện tích đất cần thu hồi để xây các khu tái định cư là 39,28 ha, tương ứng với 13 khu tái định cư trên địa bàn các xã: Văn Khê; Đại Thịnh và Chu Phan (huyện Mê Linh); Hạ Mỗ và Hồng Hà (huyện Đan Phượng); Đức Thượng và Đông La (huyện Hoài Đức); Cự Khê và Tam Hưng (huyện Thanh Oai); Khánh Hà; Văn Bình; Hồng Vân và Vân Tảo (huyện Thường Tín).

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng đường song hành- Vành đai 4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.