Hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đô thị bền vững
Những thách thức trong phát triển đô thị ở Việt Nam đang cần được các cơ quan quản lý nhìn nhận thấu đáo để làm cơ sở điều chỉnh, tháo gỡ, xây dựng các định hướng phát triển đô thị Việt Nam bền vững trong thời gian tới.
Những định hướng lớn thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam
Qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 1 năm triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, đến nay hệ thống đô thị Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 10/2023, hệ thống đô thị cả nước đã có có tổng số 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,6%.
Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Bộ Xây dựng xây dựng 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam gồm: Phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền; Quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững; Quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; Tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị.
Tại Diễn đàn đô thị Việt Nam 2023, bên cạnh những kết quả nổi trội trong phát triển đô thị Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ ra rằng, “đô thị Việt Nam còn những hạn chế cần khắc phục như: Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra; chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp; kết cấu, chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn...
Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực; khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp, nhiều bất cập; năng lực quản lý, quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới...”.
Để khắc phục những hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ ra 3 định hướng quan trọng trong hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam.
Thứ nhất, cần hết sức quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa; đồng thời phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực hợp tác và phối hợp cho độ ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị; chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và Trung ương.
Thách thức trong phát triển đô thị Việt Nam
Theo đánh giá của Cục Phát triển đô thị, bên cạnh những thành tựu, phát triển đô thị Việt Nam còn những hạn chế cần khắc phục. Rõ nhất là sự phân bố đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn chưa phát huy được kết nối vùng trong hệ thống đô thị. Tính liên kết giữa các đô thị, giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn chưa chặt chẽ, còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và hành lang kinh tế. Phân loại đô thị còn chưa thật sát với các thực tiễn phát triển vùng miền, đặc thù đa dạng của các đô thị trên cả nước.
Phát triển đô thị phổ biến theo mô hình phát triển lan tỏa, phình rộng, tạo ra các khu vực đô thị mật độ thấp, bám trục giao thông, các khu vực định cư mới lỗ chỗ, nhiều dự án phát triển mới gây chia cắt không gian đô thị.
Nhiều dự án phát triển đô thị đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai. Đặc biệt thiếu kiểm soát tổng thể trong phát triển theo các dự án gây ra sự khó khăn trong việc duy trì sự kết nối giữa các khu vực, dự án. Các vấn đề hạ tầng xã hội cũng chưa được thực hiện đồng bộ tại các khu vực phát triển mới.
Trong khi đó, tại các khu vực dân cư hiện hữu trong đô thị còn chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển, nhất là các khu vực có hạ tầng chưa đạt tiêu chuẩn, khu nhà ở lụp xụp, khu dân cư nghèo đô thị, các khu vực không phù hợp chức năng đô thị.
Công tác cải tạo chỉnh trang theo chương trình, khu vực phát triển đô thị còn khá hạn chế mà chủ yếu theo hình thức dàn trải, rải rác trong đô thị, phụ thuộc nhu cầu của thị trường hoặc khả năng bố trí vốn của địa phương.
Một số hoạt động cải tạo chỉnh trang đô thị ưu tiên hạ tầng kỹ thuật, trong khi chưa chú trọng đến hạ tầng xã hội để gia tăng sức thu hút về cảnh quan đô thị và sức cạnh tranh của đô thị. Mô hình tổ chức triển khai thực hiện còn chủ yếu phụ thuộc đầu tư từ ngân sách nhà nước, thiếu đa dạng hóa, chưa khai thác tối ưu nguồn lực từ chính đô thị và xã hội hóa.
Thực trạng kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị còn khá phổ biến tại nhiều đô thị trên cả nước. Một số chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật (giao thông đô thị, cây xanh, thoát nước, xử lý nước thải) và hạ tầng xã hội chưa đạt yêu cầu. Thực tế, tại các đô thị vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng và đào lên lấp xuống, mạng nhện đường dây…
Phát triển đô thị tại một số địa phương còn chạy theo nhu cầu trước mắt và thiếu quan tâm đến xây dựng bản sắc đô thị, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại không gian công cộng đô thị.
Quản lý, phát triển không gian ngầm, công trình ngầm đô thị mới chỉ được chú ý phát triển trong những năm gần đây, quy mô và số lượng còn hạn chế và chưa được quản lý, khai thác hiệu quả.
Công tác quản lý phát triển đô thị tại địa phương còn nhiều thách thức, đánh giá tổng thể chung về năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Thực tiễn khách quan khó khăn là chính quyền địa phương phải áp dụng nhiều quy định quy phạm pháp luật dưới luật khác nhau để quy định quản lý phát triển hạ tầng đô thị hoặc khi xác định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn phụ trách về phát triển đô thị.
Tất cả những thực tế đó đang cần được các cơ quan quản lý nhìn nhận thấu đáo để làm cơ sở điều chỉnh, tháo gỡ, xây dựng các định hướng phát triển đô thị Việt Nam bền vững trong thời gian tới.
Vấn đề cốt lõi trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững
Đang có hàng loạt vấn đề cần giải quyết trong phát triển đô thị Việt Nam bền vững. Đó là những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị; giải pháp quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ - thống nhất phục vụ chính quyền số và đô thị thông minh; tăng trưởng kinh tế và Net Zero carbon trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; kết hợp BIM và GIS - phương thức mới trong chuyển đổi số cho phát triển đô thị thông minh...
TS.KTS Lưu Đức Minh - Phó giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, để nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững, cần xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Đồng thời, cấu trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển thị trường thông minh.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia kiến nghị cần tiếp tục kiện toàn thể chế và hành lang pháp lý làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng và chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật nói chung; quy định rõ vai trò, trách nhiệm xây dựng, cập nhật, tra cứu, khai thác, chia sẻ dữ liệu quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật áp dụng đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương…
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề không còn mới, nhưng mang tính toàn cầu, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Do vậy, cần có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quy hoạch đô thị để ứng phó với BĐKH ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) nhận định: Phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH là đích đến của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng là cần nỗ lực nghiên cứu phát triển đô thị xanh, hạ tầng xanh bền vững, thích ứng với BĐKH; đồng thời, tăng cường phát triển các công trình xây dựng, sản xuất vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp, tiến tới đạt Net Zero vào năm 2050.
Tại Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu trong lĩnh vực phát triển đô thị trong giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu 100% đô thị loại III trở lên thực hiện mục tiêu thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào quy hoạch đô thị; ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp.
Nội dung trong các quyết định hướng đến hoàn thiện hệ thống văn bản, cơ chế chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá, nghiên cứu phát triển, ứng dụng vào công trình, hạ tầng kỹ thuật đô thị tăng trưởng xanh theo hướng thông minh, bền vững, chống chịu với BĐKH, thiên tai…
Những vấn đề này đang được Bộ Xây dựng phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế như GIZ, AFD, JICA, WB, ADB… và các địa phương trong việc nghiên cứu chính sách phát triển hạ tầng đô thị, công trình xây dựng; quản trị đô thị thông minh, bền vững, ứng phó BĐKH, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách.
Theo Tạp chí Xây dựng