Thứ ba, 30/04/2024 07:28 (GMT+7)

Hướng tới một châu Á phát thải ròng bằng 0

An Đông -  Thứ ba, 19/12/2023 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 18/12, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng không (AZEC) do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chủ trì.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của AZEC nhằm thúc đẩy quá trình khử carbon ở châu Á.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh AZEC, lãnh đạo các nước Nhật Bản, Australia và 9 quốc gia ASEAN (Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đã thảo luận kế hoạch tăng cường hợp tác kỹ thuật về hydro và các công nghệ khác cũng như chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng nhằm đạt được mức trung hòa carbon.

tm-img-alt
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh quá trình khử carbon là một thách thức chung đối với các nước châu Á.

Ông cam kết Nhật Bản sẽ đi đầu trong nỗ lực đạt được một châu Á không có carbon và sẽ cố gắng tạo ra một "thị trường khử carbon" khổng lồ có khả năng thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đến châu Á.

Ông Kishida khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu chung hướng tới không phát thải ròng qua nhiều con đường khác nhau và đột phá đạt được đồng thời ba bước gồm “khử carbon, tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng.”

Ông đề cập hành động của Nhật Bản trong việc phát triển và giới thiệu công nghệ GX (Chuyển đổi Xanh) thế hệ tiếp theo, đồng thời bày tỏ sẵn sàng chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản thông qua nền tảng AZEC.

Thủ tướng Nhật Bản cũng đề xuất các hành động như điều phối chính sách thông qua “Trung tâm không phát thải châu Á” được thành lập tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), thiết lập Chuỗi Cung ứng Xanh thông qua các dự án hợp tác bao gồm phát triển các khu công nghiệp không phát thải, sự hợp tác giữa các thực thể kinh doanh của “Nhóm vận động AZEC” và thúc đẩy tài chính chuyển đổi.

Theo Thủ tướng Kishida, ước tính cần 4.000 tỷ yen (28 tỷ USD) để khử carbon ở châu Á, đồng thời cam kết sẽ thành lập một tổ chức mới để hỗ trợ các thành viên AZEC thực hiện các chính sách cần thiết để trung hòa carbon.

Lãnh đạo các nước đối tác AZEC bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi đối với khái niệm AZEC cũng như kỳ vọng cao đối với các hoạt động của AZEC.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo AZEC được đưa ra sau hội nghị nêu rõ các nguyên tắc cũng như phương hướng hợp tác của AZEC đã được thông qua. Các nhà lãnh đạo nhất trí theo đuổi quá trình khử carbon thông qua các lộ trình đa dạng và thực tế, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điểm xuất phát khác nhau của mỗi quốc gia.

Trong tuyên bố, các bên tham gia khẳng định sự hợp tác trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2).

Các nhà lãnh đạo đã nhất trí theo đuổi quá trình khử carbon thông qua các lộ trình “đa dạng” và “thực tế,” tùy thuộc vào “hoàn cảnh và điểm xuất phát khác nhau của mỗi quốc gia."

Lượng khí thải CO2 của các nước châu Á chiếm khoảng 60% phát thải của thế giới, trong đó Nhật Bản cũng như nhiều nước khác sử dụng năng lượng được tạo ra từ than.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đạt được cả tăng trưởng kinh tế và khử carbon ở châu Á bằng cách tận dụng năng lượng tái tạo và bảo tồn năng lượng.

Các kế hoạch bao gồm hạn chế lượng khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện đốt than thông qua việc sử dụng hydro và amoniac.

Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với ASEAN về các biện pháp đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) vừa qua tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ biến sự thay đổi trong quá trình khử carbon thành “sức mạnh.”

Ông nhấn mạnh thông qua sáng kiến AZEC, Nhật Bản sẽ đóng góp một cách cụ thể bằng các dự án. Ông cam kết Nhật Bản sẽ tận dụng tối đa khả năng tài chính và công nghệ của quốc gia, đồng thời hợp tác với các quốc gia khác ở châu Á và Trung Đông để cùng nhau đạt được mục tiêu khử carbon và tăng trưởng kinh tế.

Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á

Tham gia Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thông điệp mạnh mẽ với chủ đề “Chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng tới một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”. Thủ tướng chia sẻ về những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm và hành động thực tiễn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

tm-img-alt
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng khẳng định với trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ với nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới để thực hiện các cam kết tại COP26. 

Để góp phần hiện thực hoá mục tiêu của AZEC, theo Thủ tướng, cần tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á; bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của mỗi nước. 

Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế tài chính khí hậu mới, hợp tác công - tư và hợp tác trong khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia. 

Thủ tướng khẳng định với ý chí chung, quyết tâm cao và hành động quyết liệt, sự giúp đỡ tích cực hiệu quả của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển, một châu Á phát thải ròng bằng 0 sẽ trở thành hiện thực.

AZEC là sáng kiến do Thủ tướng Fumio Kishida khởi xướng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 1/2022 nhằm thúc đẩy hợp tác xây dựng Cộng đồng Chung châu Á giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Nhật Bản đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới trong việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế công bằng và bền vững cũng như phát triển cơ sở hạ tầng thông qua AZEC.

Bạn đang đọc bài viết Hướng tới một châu Á phát thải ròng bằng 0. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...