Thứ hai, 06/05/2024 16:58 (GMT+7)

KĐT mới Đông Hương 11 năm chưa thể triển khai: DN cầu cứu Thủ tướng

Anh Văn -  Thứ ba, 21/07/2020 11:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông chủ Xi măng Công Thanh vừa có đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án KĐT mới Đông Hương được giao đất 11 năm vẫn chưa thể triển khai.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên tiếp phản ánh các bài viết về việc Dự án KĐT mới Đông Hương sau 11 năm vẫn chưa thể triển khai vì doanh nghiệp nói thủ tục hành chính của UBND tỉnh Thanh Hóa có “vấn đề”. Theo doanh nghiệp, việc hơn 1 thập kỷ dự án vẫn chưa thể triển khai dẫn gây thiệt hại cho họ.

Hơn nữa, doanh nghiệp này cũng phản ánh các văn bản chỉ đạo về dự án KĐT mới Đông Hương có sự mâu thuẫn khiến doanh nghiệp đứng ở giữa không biết thực hiện theo quyết định nào của tỉnh. Sau nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng tỉnh, mới đây, ông chủ Xi măng Công Thanh đã có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ.

Hơn thập kỷ ‘đắp chiếu’, doanh nghiệp thiệt hại thế nào?

Trong đơn kêu cứu, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh (gọi tắt là Xi măng Công Thanh) cho biết ngày 12/3/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 574 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến ký, về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Xi măng Công Thanh tại khu đô thị mới Đông Hương (thành phố Thanh Hóa).

Đơn kêu cứu của Xi măng Công Thanh.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho Xi măng Công Thanh 17.963m2 đất để sử dụng vào mục đích xây dựng khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mai tại xã Đông Hương.

Đến năm 2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn đã có văn bản số 4651 về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án Khu Trung tâm thương mại – Văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao Công Thanh.
Sau 8 năm, pháp lý của dự án lại được bắt đầu lại từ đầu bằng việc điều chỉnh cục bộ. Xi măng Công Thanh lại ráo riết thực hiện thủ tục để hoàn tất thủ tục để triển khai dự án.

Cũng theo đơn kêu cứu của Xi măng Công Thanh, ngày 28/6/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa và Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh đã thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với số tiền ký quỹ là 13 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trên được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 12/3/2009 về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh tại Khu đô thị mới Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Đến ngày 5/7/2019, Công ty Công Thanh đã thực hiện chuyển vào tài khoản của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa số tiền là 13 tỷ để hoàn tất thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.

Chưa biết đến bao giờ mới được triển khai dự án?

Thủ tục triển khai dự án có bước tiến khi đến tháng 7/2018, tỉnh Thanh Hóa có văn bản đốc thúc việc hoàn thành hồ sơ dự án để triển khai. Tuy nhiên, phải đến hơn 1 năm sau, 12/11/2019, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản thông báo việc thẩm định giá đất tại dự án trên.

Phối ảnh một góc KĐT mới Đông Hương.

“Tại văn bản trên của Hội đồng thẩm định, giá đất trong phương án trình của Sở Tài Nguyên Môi trường là hơn 8.1 triệu đồng/m2, bằng 1,47 so với giá đất quy định tại bảng giá. Tuy nhiên, giá đất ở giao dịch thị trường khu vực lân cận đang có xu hướng tăng. Hội đồng thống nhất hệ số giá đất khu vực dự án bằng 1,65 lần so với bảng giá đất do nhà nước quy định. Mức giá cụ thể là hơn 9.1 triệu đồng/m2. Như vậy, so với đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường thì Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất lên hơn 1 triệu đồng/m2. Với diện tích dự án là 17,963m2 thì Công ty Công Thanh sẽ phải chi thêm gần 18 tỷ để hoàn thành nghĩa vụ về tiền sử dụng đất", ông Lý cho biết.  

Vị này bức xúc nói thêm: “Dự án là đất thuê 50 năm. Chúng tôi đã mất 11 năm mà vẫn chưa thể hoàn thiện để triển khai thực hiện dự án. Với tình hình như hiện tại, chúng tôi không biết đến bao giờ dự án mới có thể thực hiện được. Cần lưu ý là dự án thuê đất 50 năm, nghĩa là dự án càng kéo dài thì giá đất càng giảm nhưng hội đồng thẩm định giá đất đã tính toán dựa trên cơ sở giá đất trên thị trường là không hợp lý. Đây có phải dự án bất động sản phân lô bán nền đâu”.

Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp còn ngỡ ngàng và bức xúc khi ngày 2/12/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 5101/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất. Theo đó, tổng giá trị quyền sử dụng đất tại dự án nói trên là hơn 164 tỷ đồng. Tức là mức giá này được tính trên cơ sở của Hội đồng thống nhất hệ số giá đất khu vực dự án bằng 1,65 lần so với bảng giá đất do nhà nước quy định.

Sau đó, ngày 18/12/2019, Sở Tài nguyên Môi Trường Thanh Hóa đã có công văn tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết đề nghị của Công ty Công Thanh về giá đất nộp cho ngân sách nhà nước cho dự án nói trên. Theo Sở Tài nguyên Môi Trường Thanh Hóa nội dung xem xét lại giá đất của dự án là không có cơ sở xem xét.

‘Ngã ngửa’ với văn bản của UBND tỉnh

“Bất ngờ, ngày 15/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra một văn bản lệnh doanh nghiệp trong 6 ngày (15/6 đến 20/6) nếu không đóng trước 82 tỷ đồng tiền sử dụng đất sẽ thu hồi dự án, trong khi doanh nghiệp đã đóng 13 tỷ đồng quỹ đảm bảo ký quỹ. Chúng tôi đặt câu hỏi văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 15/6 có đúng quy định của pháp luật. Bởi theo nghị định số 45 của Chính phủ quy định về việc thu tiền sử dụng đất, thì cơ quan có thẩm quyền ra thông báo là cơ quan thuế và thời hạn là 30 ngày”, văn bản của Chủ tịch HĐQT Xi măng Xuân Thanh nhấn mạnh.

Ngày 15/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra một văn bản lệnh doanh nghiệp trong 6 ngày (15/6 đến 20/6) nếu không đóng trước 82 tỷ đồng tiền sử dụng đất sẽ thu hồi dự án.

Bức xúc, ngày 17/6/2020, Công ty Công Thanh đã có công văn gửi các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa, nêu ra những bất cập trong thủ tục cấp dự án trong việc Công ty Công Thanh đã hết sức bất ngờ vì 2 văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo khác nhau.

Từ đó, Công ty Công Thanh  đề nghị việc sớm phê duyệt quy hoạch phương án điều chỉnh tổng thể mặt bằng quy hoạch dự án tại khu đô thị mới Đồng Hương như đề nghị của Sở Xây dựng tại văn bản ngày 9/6/2020 để Công ty triển khai công việc tiếp theo triển khai dự án và thực hiện nghĩa vụ tài chính với khu đất trên.

Doanh nghiệp đề nghị làm rõ 5 vấn đề

Theo ông Lý, để thể hiện quan điểm quyết tâm thực hiện dự án, mới đây, mặc dù hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19 nhưng Xi măng Công Thanh đã đóng số tiền 1 tỷ đồng và tài khoản của Chi cục thuế Thanh Hóa để thực hiện việc: Tạm ứng tiền thuế.

Việc này thể hiện Công Thanh đã hết sức cầu thị trong hoàn cảnh khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp và đặc biệt với tình trạng pháp lý dự án mà Công Thanh đang gặp vướng mắc.

Bên cạnh đó, phía Công Thanh cho hay, số tiền 164 tỷ đồng là một số tiền lớn nên Công Thanh có văn gửi tỉnh Thanh Hóa làm rõ và đề nghị làm rõ 5 vấn đề.

Thứ nhất, các văn bản của tỉnh Thanh Hóa có sự sai lệch với nhau, vậy Công ty Công Thanh phải làm theo văn bản nào, của Tỉnh hay của Cục thuế?

Thứ hai, để tránh hiểu lầm đáng tiếc, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản hướng dẫn cuối cùng để doanh nghiệp triển khai các bước để hoàn tất việc điều chỉnh, thực hiện dự án và nộp thuế cho nhà nước.

Thứ ba, nếu Công ty Công Thanh đóng tiền thuế đất thì sao bao lâu dự án sẽ được phê duyệt điều chỉnh và đi vào hoạt động?

Thứ tư, nếu sau đó dự án vẫn không được triển khai do thủ tục thì ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Thứ năm, Xi măng Công Thanh đề nghị được gia hạn tiền nộp thuế do khó khăn của dịch Covid 19 tác động theo Công văn của Tổng cục Thuế và Công văn 897 ngày 3/3/2020 về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Vì sao Thanh Hóa vội vã ‘ép’ doanh nghiệp nộp thuế?

Ngày 24/6/2020, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi đến Công ty Công Thanh, yêu cầu nộp tiền sử dụng đất tại dự án trên với số tiền là hơn 164 tỷ đồng.

Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký Thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo Thông báo. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo Thông báo.

Trong trường hợp Công ty Công Thanh không chấp hành thì Cục thuế tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với Sở TNMT báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi theo quy định của pháp luật.

 Tuy nhiên, theo văn bản trước đó Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng, sau khi phương án điều chỉnh quy hoạch được chấp thuận mới thực hiện các thủ tục thực hiện chủ trương đầu tư, đất đai, tài chính.

Đến ngày 7/7/2020 Chi cục Thuế khu vực TP.Thanh Hóa - Đông Sơn đã ra văn bản thông báo về việc: Tiền nợ, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất.

Trước đó, ngày 16/6/2020, Chi cục Thuế khu vực TP.Thanh Hóa - Đông Sơn cũng đã ra văn bản thông báo về việc: Tiền nợ, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất.

Như vậy, cùng một nội dung văn bản, nhưng chưa hết thời hạn thực hiện là 30 ngày theo quy định của pháp luật, Chi cục Thuế khu vực TP.Thanh Hóa - Đông Sơn tiếp tục ra văn bản thúc việc đóng thuế của Công ty Công Thanh.

Bạn đang đọc bài viết KĐT mới Đông Hương 11 năm chưa thể triển khai: DN cầu cứu Thủ tướng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Đầu tư 500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có Công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Nam Định sắp đấu giá hơn 300 lô đất trong tháng 5
Trong tháng 5, 311 lô đất tại các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Thịnh và thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) sẽ được tổ chức đấu giá quyền sử dụng. Giá khởi điểm cao nhất hơn 4,7 tỷ đồng/lô.

Tin mới