Thứ sáu, 26/04/2024 19:02 (GMT+7)

Khí thải từ hoạt động giao thông tác động lớn đến sức khỏe con người

An Na -  Thứ hai, 26/12/2022 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giao thông vận tải đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí, làm gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, tác động lớn đến sức khỏe con người.

Giao thông đóng góp 70% tổng lượng bụi cùng với khí thải vào môi trường không khí

Thời gian gần đây, kết quả quan trắc từ các trạm và một số ứng dụng giám sát chất lượng không khí như IQAir cho thấy, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe. Theo đó, bản đồ chất lượng không khí cập nhật lúc 10 giờ ngày 23/11 hiển thị chỉ số AQI tại Hà Nội lên tới 158, ở mức không lành mạnh.

Cùng thời điểm, chỉ số nồng độ bụi mịn PM2.5 là 69 (μg/m3), theo quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình là 25 μg/m3. Có nghĩa là chỉ số PM2.5 đang vượt gấp hơn 2 lần ngưỡng tiêu chuẩn Việt Nam và cao gấp 13,6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Đáng ngại, dự báo cũng cho thấy mức độ không lành mạnh sẽ diễn ra trong những ngày tiếp theo.

Theo GS.TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mức độ ô nhiễm không khí cao một phần bởi ảnh hưởng của thời tiết, mùa Đông ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được. Bên cạnh đó, nguồn phát thải từ phương tiện giao thông xả ra ngoài môi trường một lượng lớn hạt sooty và oxit nitơ... Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong TP cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều.

Theo PGS. Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, hoạt động giao thông đóng góp 70% tổng lượng bụi cùng với khí thải vào môi trường không khí…

Đáng chú ý, nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu rất nhiều tới sức khoẻ cộng đồng. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm; trong đó có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

tm-img-alt
Giao thông đóng góp 70% tổng lượng bụi cùng với khí thải vào môi trường không khí - Ảnh minh hoạ

Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng tình hình vẫn diễn ra khá phức tạp.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông, theo ông Sơn, trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm và có cơ chế thu hồi xe máy cũ gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hướng tới việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài thành phố để giãn mật độ dân số trong nội đô....

Để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, BS. Lê Hoàn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyên mọi người cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày; Đeo khẩu trang khi ra đường; Hạn chế lưu thông lúc đường đông hay đi vào khu ô nhiễm như khu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng...

Người dân nên theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) để xem lúc nào ảnh hưởng đến sức khỏe. Những lúc chỉ số cao, người già và trẻ em không nên ra đường, đặc biệt vào buổi sáng, tránh gây hại cho sức khỏe.

Với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm. Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.

Thúc đẩy xe điện và phương tiện công cộng

Về nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông vận tải, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho biết, Hà Nội đã thí điểm giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm, giới hạn thời gian lưu hành xe máy và nghiên cứu cơ chế thu hồi xe cũ gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, giải pháp mang tính căn cơ hơn là cần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân. Bởi hiện nay, ngay cả khi di chuyển quãng ngắn, người dân vẫn thường sử dụng phương tiện cá nhân thay vì chọn xe buýt, tàu điện dẫn đến số xe hoạt động cùng một lúc là rất cao, đặc biệt tại các quận trung tâm.

Như vậy, TP cần tăng cường phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng kết nối thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, khiến người dân lựa chọn phương tiện công cộng. Từ đó, đặt mục tiêu từng bước giảm số xe đăng ký mới, giảm giờ hoạt động của phương tiện cá nhân đang lưu hành. Đồng thời, việc di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài TP để giãn mật độ dân số trong nội đô cũng cần sớm được thực hiện. Mặt khác, để khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện.

Nhằm khuyến khích phát triển phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, VCCI cho rằng phương tiện giao thông chạy bằng điện đang được Nhà nước khuyến khích nhờ giúp giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, cơ chế giá hiện nay chưa giúp khuyến khích sử dụng xe điện, cũng như chưa góp phần điều chỉnh hành vi của người dùng.

Qua tìm hiểu tại các quốc gia phát triển cho thấy, một số công ty điện lực đã bắt đầu cung cấp các gói giá dành riêng cho việc sạc ô tô điện. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án ưu tiên mức giá điện thấp hơn với nhóm khách hàng sử dụng điện cho phương tiện giao thông. Giá điện của nhóm khách hàng này, sẽ được chia theo giờ cao điểm, thấp điểm và trung bình. Biện pháp này nhằm khuyến khích người dân điều chỉnh giờ sạc pin vào những giờ thấp điểm, vừa giúp hạn chế những khách hàng yêu cầu mắc đường dây cho xe điện nhưng không sử dụng.

Đồng thời có tác dụng tuyên truyền, phổ biến để người dân làm quen với hình thức giá điện hai thành phần. Việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu tiên phát triển xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân theo các mục tiêu đã đề ra.

Tại một số quốc gia, khi chỉ số AQI cao, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, lưu thông nếu không có công việc thật sự cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ về sức khỏe vì hít phải lượng bụi lớn trong không khí. Tuy nhiên, việc hạn chế này phần nào sẽ gây ảnh hưởng đến công việc, phát triển kinh tế nếu thường xuyên xảy ra./.

Bạn đang đọc bài viết Khí thải từ hoạt động giao thông tác động lớn đến sức khỏe con người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới