Khởi nghiệp từ sản phẩm xanh
Mạnh dạn từ bỏ công việc giảng viên đại học sau 10 năm gắn bó, chị Lê Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH EGREEN bắt đầu khởi nghiệp với việc phát triển các sản phẩm làm bằng tre thân thiện với môi trường
TỪ BỎ GIẢNG ÐƯỜNG VÌ MÊ ỐNG HÚT TRE
Năm 2018, khi hướng dẫn sinh viên khoa Hóa, Trường đại học Quy Nhơn tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Sở KH-CN Bình Ðịnh tổ chức, chị Lê Thị Trâm vô tình biết đến sản phẩm ống hút bằng tre thân thiện với môi trường. Khi đó, đề tài của nhóm chị đạt giải 3 cuộc thi này. Sau khi cuộc thi kết thúc, ý tưởng phát triển các sản phẩm bằng tre để thay thế các vật dụng bằng nhựa làm chị trăn trở. Ðầu năm 2019, chị Trâm quyết định xin nghỉ việc để chuyên tâm nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm từ cây tre.
Chị Trâm chia sẻ: Là một giảng viên chuyên ngành hóa học, tôi rất hiểu tác hại của các loại rác thải nhựa đối với môi trường sống. Chứng kiến mọi người hàng ngày sử dụng và thải ra các vật dụng bằng nhựa; đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, ly nhựa, chén nhựa, tô nhựa, tôi luôn trăn trở, lo lắng. Vì vậy, tôi quyết tâm định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh thân thiện với môi trường thông qua các sản phẩm làm bằng tre.
Thời điểm khởi đầu, chị Trâm tập trung chủ yếu vào các loại ống hút tre, nhưng đến nay chị đã phát triển thêm rất nhiều sản phẩm khác như bút, nĩa, muỗng, ly uống nước, hộp đựng bút, ống đũa, rổ, rá, sàng, lồng bàn, sọt rác… Ðặc điểm của các vật dụng từ tre của EGREEN là vừa mang tính mộc mạc, chân chất, vừa có tính thẩm mỹ cao, chắc và bền. Ðối với sản phẩm đựng thức ăn, nước uống sẽ được xử lý bằng cách luộc, phơi, phủ bóng bằng dầu dừa để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Sau gần 1 năm tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, sản phẩm tre EGREEN nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác là đơn vị phân phối, bán lẻ cũng như các nhà hàng, khách sạn hướng đến phong cách cổ điển, truyền thống.
QUY TỤ NHỮNG NGƯỜI YÊU “HỒN VIỆT”
Hiện nay, ngoài một số công nhân làm việc tại xưởng, chị Trâm còn hợp tác với một số hộ dân ở trong vùng cùng sản xuất ra các đồ dùng từ cây tre. Tuy nhiên, sản phẩm khách yêu cầu thường có tính thẩm mỹ cao nên chỉ những người có tay nghề và thực sự yêu nghề đan đát truyền thống mới đáp ứng được.
Ông Lưu Mạnh Hùng, một hộ dân ở thôn Ðịnh Trung 2, xã An Ðịnh, huyện Tuy An, bày tỏ: Với tôi, các sản phẩm từ tre nứa luôn có một sức hút mãnh liệt. Do vậy, khi chị Trâm yêu cầu hợp tác làm các sản phẩm từ tre, tôi rất phấn khởi. Mặc dù lớn tuổi nhưng tôi không ngại học tập để làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng theo yêu cầu của khách. Ðặc biệt, khi đặt hàng, chị Trâm luôn yêu cầu không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào nên tôi cũng chỉ làm thủ công; sản phẩm đan xong tôi mang phơi nắng hoặc hong gác bếp để không bị mốc hay mối mọt.
Bà Võ Thị Ðiệp cũng là một người có tay nghề cao trong nghề đan đát. Sản phẩm của bà Ðiệp làm ra nổi tiếng sắc sảo, trau chuốt và chắc bền. Bà được chị Trâm đặt hàng làm những dòng sản phẩm có độ khó cao như lồng bàn, sàng, rổ rá, thúng mẹt. Bà Ðiệp cho hay: “Sản phẩm được các nhà hàng, khách sạn lớn đặt hàng nên yêu cầu tính thẩm mỹ cao. Tôi phải chọn tre có đốt dài, già để cho ra được những sợi nan nhỏ, chắc và lên màu vàng óng. Quá trình làm hoàn toàn thủ công, từ khâu chặt, vót nan cho đến xử lý, đan đát. Vất vả, công kỷ nhất là khâu chẻ, chuốt nan. Bình quân, tôi phải mất từ 3-5 ngày mới đan xong một cái lồng bàn. Nhiều lúc nản, tôi cũng muốn bỏ dở. Thế nhưng, khi sản phẩm truyền thống của quê mình được mọi người trân quý, tôi lại có động lực để cố gắng hơn”.
Chị Lê Thị Trâm chia sẻ: Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm công nghiệp ngập tràn thì vẫn còn rất nhiều người hướng đến những sản phẩm truyền thống, mộc mạc, mang đậm “hồn Việt”. Ðây là lý do tôi muốn lưu giữ và phát triển các dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, do các công đoạn hoàn toàn thủ công nên giá thành phẩm còn khá cao. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm và giảm giá thành, để sản phẩm tre Việt đến gần với người tiêu dùng hơn.
Theo Khoinghiepsangtao