Thứ hai, 06/05/2024 14:21 (GMT+7)

Không gian xanh đô thị tại Hà Nội

MTĐT -  Thứ năm, 09/02/2023 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không gian xanh được coi như lá phổi của đô thị và là một trong những loại hình không gian công cộng có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của cư dân đô thị.

Không gian xanh được coi như lá phổi của đô thị và là một trong những loại hình không gian công cộng có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của cư dân đô thị. Chúng càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với thủ đô Hà Nội – TP có định hướng chiến lược trở thành TP “Xanh-Thông minh-Hiện đại” vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII.

Quá trình đô thị hoá nhanh và thiếu kiểm soát đã làm cho các không gian xanh đô thị bị thu hẹp nghiêm trọng. Mặc dù được gọi là “đô thị của sông hồ” nhưng thực tế cho thấy sự xâm lấn nghiêm trọng hệ thống hồ của Hà Nội. Cùng với việc bê tông hoá và cống hoá đã làm mất dần vai trò của hệ thống sông hồ Hà Nội cả về giá trị văn hoá lịch sử, cảnh quan đô thị lẫn hiệu quả về giải pháp thoát nước của TP. Trong khi đó, diện tích các mảng xanh lại chưa được đầu tư phát triển. Nhiều diện tích được quy hoạch làm vườn hoa – công viên chưa được khai thác đúng mục đích hoặc được triển khai đầu tư xây dựng ở mức độ khiêm tốn; thậm chí được sử dụng cho mục đích khác đã góp phần làm suy giảm quỹ đất phát triển, hạn chế vai trò và chức năng của không gian xanh đô thị.

Mức độ phân bố các không gian xanh tại Hà Nội chưa đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa khu vực nội đô lịch sử và khu vực phát triển mở rộng. Nhiều công viên lớn được đầu tư xây dựng chủ yếu nằm ở vùng ven đô bởi quỹ đất còn cho phép không chỉ không đáp ứng tốt nhu cầu của cộng đồng dân cư mà còn không thuận lợi cho sự tiếp cận của cư dân từ khu vực trung tâm của TP. Trong khi đó, tại những khu vực đô thị cũ lại không còn quỹ đất dành cho phát triển các không gian xanh. Bên cạnh đó, những công trình công nghiệp khu vực nội đô có kế hoạch di dời khỏi TP lại thường được chuyển đổi cho mục đích đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại và dịch vụ hoặc các khu đô thị mới. Điều này góp phần tăng quỹ nhà ở cho cư dân đô thị và tăng hiệu quả sử dụng và giá trị kinh tế cho khu vực được “giải phóng” nhưng lại làm mất đi cơ hội tạo lập những không gian xanh cho khu vực vốn đã có mật độ dân cư cao, đồng thời tăng sức ép về sức chịu tải môi trường cho chính khu vực đó và vùng lân cận.

Để tạo sự cân bằng giữa các khu vực và khả năng tiếp cận các không gian xanh đô thị cho cộng đồng cư dân, các đô thị trên thế giới tận dụng tối đa các không gian trống, nhà máy xí nghiệp cũ, quỹ đất xen kẹt… cho việc xây dựng các không gian xanh và đa dạng hoá chức năng hoạt động. Đây có thể là những bài học có giá trị cho các đô thị của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 1: Đất quy hoạch công viên trở thành bãi hoang và được tận dụng trồng đào phục vụ dịp tết Nguyên đán tại phường Văn Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội.(Nguồn: Phạm 12/2022)
Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 2. Không gian xanh tại Time City trở thành điểm đến dẫn cho cả cư dân khu đô thị và vùng ven bởi không gian thoáng, các tiện ích và sự kiện tổ chức có chủ đề. (Nguồn: Phạm 12/2022)

Thực trạng không gian xanh đô thị tại Hà Nội

Trong thời gian qua, mặc dù với rất nhiều nỗ lực trong việc mở rộng quy mô và tăng diện tích bằng việc xây dựng thêm các vườn hoa-công viên hay các khu cây xanh đặc thù, không gian xanh đô thị vẫn là yếu tố xa xỉ đối với TP Hà Nội. Hiện nay, không gian xanh đô thị Hà Nội chỉ đạt khoảng 2m2/người; đây là diện tích quá khiêm tốn và còn rất xa so với chính quy chuẩn Việt Nam là 7m2/người.

Khu vực nội đô

Không gian xanh khu vực nội đô có tỷ lệ vừa thấp vừa không phân bố đều; nhất là khu vực nội đô lịch sử. Một loạt các công viên và vườn hoa trên địa bàn toàn TP cả vùng đô thị và nông thôn đã được đầu tư xây dựng không thoả mãn nhu cầu và bán kính phục vụ cho cư dân đô thị. Nhiều khu đất được quy hoạch cho chức năng không gian xanh cấp TP, vẫn chưa được đầu tư xây dựng, bị bỏ hoang và thậm chí bị xâm lấn bởi hoạt động đổ rác thải xây dựng hoặc tận dụng cho kinh doanh tạm hay trồng cây cảnh.

Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 3. Không gian xanh gắn với công trình văn hoá dần bị lãng quên và xâm lấn bởi công trình nhà ở chia lô nhiều tầng trở nên phổ biến – Thủy đình của xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. (Nguồn: Phạm 4/2019)
Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 4. Không gian xanh đầu tư xây mới được bê tông hoá mạnh mẽ với chất lượng cảnh quan thấp tại các khu đất xen kẹt của xã – vườn hoa kết hợp tiện ích thể dục ngoài trời tại trung tâm xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội. (Nguồn: Phạm 8/2020)

Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, những dải đất ven sông dần biến mất để thay thế cho sự định cư của con người, dòng sông đóng vai trò không chỉ thoát nước mưa mà còn thoát nước thải sinh hoạt và tập kết rác thải. Hậu quả là biến các con sông trở thành những mương thoát nước thải cho đô thị, làm mất dần vai trò hành lang sinh thái, trở thành những không gian cảnh quan kém hấp dẫn và ô nhiễm nhất trong đô thị. Những khu vực có quỹ đất có khả năng trồng cây xanh và tổ chức các hoạt động cộng đồng đa phần đã được cư dân tận dụng vào các mục đích kinh doanh hoặc xây dựng các mảng xanh có chất lượng cảnh quan thấp và gần như không có hoạt động duy tu. Hiện tượng này cũng xảy ra đối với cảnh quan ven các hồ tại Hà Nội. Tuy nhiên, để hạn chế mức độ ô nhiễm của hệ thống hồ, nước thải sinh hoạt được thu gom vào cống hộp để thoát ra hệ thống sông; đồng thời bổ sung những giải pháp cải thiện môi trường nước bằng bè thực vật thủy sinh đã phần nào giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước của hệ thống mặt nước tĩnh này.

Tại các khu đô thị mới, không gian xanh có mức độ quan tâm, đầu tư về quy mô và chất lượng khác nhau. Chúng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn kinh phí, chức năng khu đô thị hay triết lý kinh doanh của mỗi chủ đầu tư. Tại các khu đô thị mới ở phân khúc trung bình, thấp hay khu nhà ở xã hội, không gian xanh được đầu tư đơn giản cả về chất lượng, tiện ích công cộng và hạn chế trong công tác duy tu. Trong khi đó, không gian xanh tại các khu đô thị mới ở phân khúc cao được đầu tư bài bản nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống và giá trị bất động sản cho chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư.

Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 5. Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên tại các đô thị nhằm cải thiện môi trường sống và bảo tồn tính đa dạng sinh học. (Nguồn: https://images.adsttc.com)

Khu vực ngoại thành

Phát triển không gian xanh tại khu vực ngoại thành càng là vấn đề nan giải tại Hà Nội. Mặc dù, đây đa phần là các khu vực nông thôn nhưng quy mô và chất lượng về không gian xanh lại vô cùng hạn chế. Chưa có sự coi trọng của địa phương trong công tác xây dựng và phát triển không gian xanh công cộng. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước của khu vực ngoại thành chủ yếu sử dụng cho mục đích nuôi thuỷ sản và không đóng vai trò không gian xanh công cộng. Những diện tích dành cho không gian xanh của các khu vực trung tâm các xã, huyện vốn đã vô cùng hiếm hoi nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm và chưa phát huy được vai trò và giá trị của chúng.

Ngoài ra, hệ thống các không gian xanh mới chưa được quan tâm đầu tư xây dựng mà chủ yếu là tận dụng các diện tích đất xen kẹt trong khu vực trung tâm của các xã. Chính vì vậy, khả năng tiếp cận của người dân gặp nhiều khó khăn và khó phát huy tốt vai trò không gian xanh cho kết nối cộng đồng. Những không gian này thường được bê tông hoá cao với mức độ đầu tư hạn chế và được kết hợp với các tiện ích phục vụ thể dục ngoài trời cho cộng đồng dân cư.

Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 6. Dự án cải tạo tuyến đường đi bộ Gubei, Thượng Hải, Trung Quốc – Từ tuyến đường bị bê tông hoá thành không gian sinh thái bền vững. Công trình trước (trái) và sau khi cải tạo cảnh quan (phải). (Nguồn: https://scenariojournal.com)

Một số giải pháp phát triển không gian xanh đô thị tại Hà Nội

Xanh hoá các không gian công cộng và phục hồi hệ sinh thái đô thị

Xanh hóa các không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh, mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên trong đô thị hiện đại. Giải pháp này cũng góp phần hạn chế chi phí duy trì cảnh quan nhưng bảo tồn và phát huy hiệu quả đa dạng sinh học, tạo lập môi trường sống cho các hệ động thực vật trong đô thị.

Nâng cấp không gian xanh hiện có

Đây là biện pháp có tính khả thi nhất hiện nay bởi sẵn quỹ đất dành cho chức năng này, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả và phát huy giá trị của các đồ án quy hoạch đã được duyệt. Bên cạnh đó, những không gian bị bê tông hóa nhiều có thể được hoán đổi công năng sử dụng nhằm tăng diện tích không gian xanh và tích hợp với những chức năng hạ tầng kỹ thuật khác như thu gom hay tuần hoàn tái sử dụng nước mưa. Giải pháp này hạn chế mạnh mẽ tác động của quá trình bê tông hóa; đồng thời góp phần không nhỏ vào cải thiện môi trường và gia tăng đáng kể không gian tương tác cho cộng đồng.

Chuyển đổi các không gian công nghiệp

Trong quá trình đô thị hoá, nhiều nhà máy và xí nghiệp nhanh chóng trở thành công trình công nghiệp nằm sâu trong không gian đô thị. Chúng trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của không gian đô thị, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sự an toàn của cộng đồng. Những khu chức năng này cần được chuyển đổi thành các không gian xanh mới nhằm tăng diện tích không gian công cộng, vừa có giá trị bảo tồn vừa cải thiện hiệu quả khả năng thích ứng của đô thị với những hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 7. Cải tạo cảnh quan ven sông Haute Deûle dựa vào nhận diện các giá trị của nhà máy dệt bỏ hoang thành không gian công cộng với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và hệ thống cảnh quan nước thích ứng nhịp điệu của mưa kết hợp vai trò lưu trữ và làm sạch nước chảy bề mặt. Công trình trước (trái) và sau chuyển đổi công năng (phải) (Nguồn: http://landezine.com)

Khai thác không gian trống và đa dạng chức năng cho không gian xanh đô thị

Những mảnh đất trống còn sót lại trong đô thị do nhà nước quản lý hoặc thu hồi hay hạn chế cấp phép xây dựng … cần được khai thác triệt để cho phát triển không gian xanh. Những không gian này được đa dạng hóa chức năng hoạt động, thích ứng với thay đổi thời tiết, đồng thời bổ sung chức năng như hồ điều hòa trong đô thị.

Khôi phục các dòng sông và hình thành các không gian xanh dạng tuyến

Giải pháp này không chỉ làm sống lại các dòng sông có giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội mà còn khôi phục vai trò của hệ sinh thái ven sông; góp phần đưa yếu tố tự nhiên trở lại với đô thị hiện đại bằng giải pháp xây dựng cảnh quan ven sông theo dạng công viên tuyến tính, tăng khả năng tiếp cận với không gian mặt nước và bổ sung các hoạt động vui chơi giải trí cho cộng đồng cư dân, nâng cao tính đa dạng sinh học, cải thiện điều kiện vi khí hậu và giảm thiểu úng ngập. Đây cũng là yếu tố hành lang quan trọng góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đô thị bền vững.

Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 8. Khai thác không gian trống theo hướng thích ứng với điều kiện tự nhiên và đa dạng hóa chức năng hoạt động và hình thái không gian đô thị tại Barcelona. (Nguồn: Phạm 2013)
Không gian xanh đô thị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 9. Cảnh quan dòng sông Mill trước (trái) và sau cải tạo (phải).(Nguồn: https://www.asla.org)

Kết luận

Không gian xanh đô thị đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với chất lượng cảnh quan và môi trường đô thị mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho cộng đồng cư dân. Sự thiếu hụt không gian xanh tại Hà Nội là trở ngại rất lớn cho chiến lược xây dựng thủ đô Xanh-Thông minh-Hiện đại. Do đó, việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng không gian xanh cho Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi có sự tham gia quyết liệt từ các cấp chính quyền tới sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức và cộng đồng xã hội.

Phát triển không gian xanh góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi và phát huy giá trị của hệ sinh thái đô thị; đưa yếu tố tự nhiên vào sâu trong không gian và trong mọi hoạt động của cộng đồng xã hội, cũng như khôi phục môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật tự nhiên. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và có khả năng thích ứng hiệu quả với sự thất thường và ngày càng khắc nghiệt của thời tiết. Những giải pháp phát triển không gian xanh đô thị cho Hà Nội còn có giá trị tham khảo cho các đô thị khác tại Việt Nam. Tùy từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, mỗi đô thị sẽ có những giải pháp thích ứng cho việc phát triển không gian xanh nhằm tạo lập những giá trị đặc thù, phù hợp với tính chất và chức năng tại mỗi địa phương.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn
Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng Hà Nội. 
Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1. American Society of Landscape Architects, 2015 ASLA Professional Awards: Mill River Park and Greenway;

2. Bộ Xây dựng, 2021, QCVN01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch Xây dựng;

3. Đảng bộ TP Hà Nội, 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu TP Hà Nội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2020-2025);

4. Fanhua Kong, Haiwei Yin, Nobukazu Nakagoshi, Yueguang Zong, 2010, “Urban Green Space Network Development for Biodiversity Conservation: Identification Based on Graph Theory and Gravity Modeling”, Landscape and Urban Planning 95, 16–27;

5. Lê Thu Trang và Tạ Anh Dũng, 2021, “Vai trò của không gian xanh trong việc hình thành gắn bó nơi chốn”, Tạp chí Kiến trúc số 01-2021;

6. Phạm Anh Tuấn và Lê Khánh Ly, 2020, Lịch sử vườn cảnh, Nhà xuất bản Xây dựng.

7. Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Thương hiệu, 2022, “Bảo vệ không gian xanh đô thị” góp phần phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ;

Bạn đang đọc bài viết Không gian xanh đô thị tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Em thương anh...
Em thương anh! Thương mọi điều anh ạ///Cả tiếng cười, cả giọng nói ấm êm//Cả những chuyện anh vẫn kể hàng đêm///Từng câu chữ nhát gừng nhưng mộc mạc