Thứ bảy, 27/04/2024 03:48 (GMT+7)

Làng nghề lên cụm công nghiệp: Bỏ qua khâu xử lý chất thải

MTĐT -  Thứ tư, 21/12/2022 09:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo quy định, cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải được đầu tư đồng bộ các công trình bảo vệ môi trường gồm hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Tuy vậy, thực tế nhiều cụm công nghiệp làng nghề hiện đang bỏ quên vấn đề này.

Theo quy định, cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải được đầu tư đồng bộ các công trình bảo vệ môi trường gồm hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Tuy vậy, thực tế nhiều cụm công nghiệp làng nghề hiện đang bỏ quên vấn đề này.

Trong bài viết trước Báo Lao Động đã phản ánh tại một số cụm công nghiệp làng nghề trên cả nước hiện nay xảy ra tràn lan các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, có dấu hiệu thờ ơ, tiếp tay cho sai phạm của chính quyền địa phương khiến đất sản xuất ngày một thu hẹp, trong khi nhà lầu, biệt thự đua nhau mọc lên.

Nhiều hộ sản xuất làng nghề truyền thống đã không thể tham gia sản xuất tại các cụm công nghiệp này do giá đất bị đẩy lên cao.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi thấy, ngoài các vi phạm về trật tự xây dựng, nhiều cụm công nghiệp còn chưa hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo quy định của pháp luật, đi ngược với chủ trương xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.

Dự án nước thải 10 năm chưa hoạt động

Toàn xã Tề Lỗ (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện có hơn 540 hộ kinh doanh, tháo dỡ máy xúc, máy ủi, xe cơ giới, trong đó có hơn 300 hộ đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ. Tại đây, luôn có hàng chục ngàn xe cơ giới cũ, hỏng xếp tràn lan khắp thôn xóm, ven ao hồ, đồng ruộng chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng, linh kiện.

Hoạt động này hàng ngày thải ra môi trường nước thải chưa qua xử lý, trong đó có nhiều loại độc hại như dầu nhờn, a xít.

 
 
Chất thải độc hại ở cụm công nghiệp Tề Lỗ đổ thẳng ra môi trường. 

Nghịch lý ở chỗ, trong khi nước thải độc hại hàng ngày đổ trực tiếp ra môi trường thì khu xử lý nước thải trị giá hơn 10 tỉ đồng do UBND huyện Yên Lạc đầu tư, nằm ngay trong cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ, 10 năm nay bỏ hoang, chưa một lần hoạt động.

Người dân cho biết, nguyên nhân là bởi năm 2005, khi quy hoạch thì vị trí đặt trạm xử lý nước thải là ở dưới thấp trong làng nghề. Nhưng sau đó, trạm xử lý nước thải lại được xây ở khu vực trên cao khiến nước thải không thể chảy vào được.

“Trước đây, khi công bố dự án quy hoạch khu đầu mối kỹ thuật là ở khu vực thấp nhất trong làng, nhưng do đất đắt nên họ đã bán hết. Đất ở khe sông giá rẻ họ đẩy nhà máy nước thải lên đó. Do vậy, nhà máy không hoạt động được vì nằm ở vị trí quá cao, nước không chảy vào được'', ông Nguyễn Văn Thành (khu 1, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc) cho biết.

 
Người dân địa phương bức xúc bên khu xử lý nước thải bỏ hoang 10 năm qua. 

Theo ghi nhận của phóng viên, tại vị trí trũng thấp nhất trong làng nghề Tề Lỗ, lượng lớn dầu mỡ, sơn thải từ hoạt động tháo dỡ ôtô hay tái chế phế thải tụ đọng hết ở khu vực hệ thống cống. Nhiều diện tích ruộng đã phải bỏ hoang không thể canh tác do nước thải từ làng nghề tràn hết ra ruộng.

Bà Nguyễn Thị Mơ, người dân xã Tề Lỗ cho biết, việc nước thải đổ trực tiếp ra môi trường khiến ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.

“Nhiều người dân quê tôi đã mất vì ung thư, chúng tôi đã kiến nghị đến các cấp chính quyền địa phương và trung ương tìm cách đưa khu xử lý nước thải vào hoạt động, giảm bớt ô nhiễm nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả”, bà Mơ nói.

 
Một cánh đồng ở xã Tề Lỗ bị đặt biệt danh là cánh đồng chết do ô nhiễm gây ra. 

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Tề Lỗ thừa nhận, tình trạng các cơ sở trong cụm công nghiệp làng nghề thải ra môi trường một lượng nước thải chưa qua xử lý, đã tồn tại nhiều năm. Nếu trạm xử lý nước thải đầu tư hàng chục tỉ đồng không đắp chiếu thì đã không xảy ra tình trạng này.

“Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động cho người dân. Ví dụ khi tháo dỡ máy móc, dầu máy thì thu lại vào các thùng, để giảm bớt ô nhiễm môi trường”, ông Tạ Quang Hiếu, chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cho biết.

Còn về khu xử lý nước thải trị giá hơn 10 tỉ đồng của cụm công nghiệp Tề Lỗ nhiều năm chưa hoạt động, ông Tạ Quang Hiếu cho biết sẽ báo cáo với Ban quản lý dự án để có thông tin trả lời cơ quan báo chí.

Rác thải chất cao như núi

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại cụm công nghiệp Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

10 năm từ khi lên cụm công nghiệp, làng nghề tái chế nhựa Minh Khai giờ đây thay da đổi thịt. Hàng loạt nhà xưởng quy mô lớn mọc lên. Nhưng quy mô nâng lên bao nhiêu, rác thải lại gia tăng bấy nhiêu. Phía sau cụm công nghiệp làng nghề, rác thải giờ đây chất cao như núi.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng trên là do khi quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, địa phương đã bỏ quên không bố trí xây dựng khu lưu chứa để xử lý chất thải rắn phát sinh.

 
Núi rác thải ở cụm công nghiệp Minh Khai. 

Trong núi rác thải này, phần lớn đều là rác thải công nghiệp lẫn trong các container rác mà các cơ sở tái chế nhập khẩu về. Những loại rác thải nhựa không thể tái chế hay không thể tận dụng để bán đều sẽ được đưa ra bãi rác. Để giảm bớt chiều cao bãi rác, đốt rác là cách hàng ngày mà địa phương sử dụng để xử lý chất thải.

Núi chất thải khổng lồ này là một minh chứng rõ ràng nhất cho những hệ lụy về môi trường đang để lại tại ngôi làng tái chế rác thải nhựa lớn nhất miền Bắc này.

 
Việc đốt rác thải gây ngày đêm khiến ô nhiễm không khí càng thêm trầm trọng. 

Ngày đổ, đêm đốt - vòng tròn khép kín ấy khiến môi trường ở khu vực cụm công nghiệp làng nghề đang hàng ngày bị hủy hoại.

"Đây là vấn đề đã tồn tại lâu ở địa phương. Cũng mong các nhà khoa học nghiên cứu giúp cho địa phương có cách nào để xử lý, hiện tại chúng tôi cũng chưa có phương án xử lý vấn đề này", ông Nguyễn Hùng Vương, phó chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết.

Bạn đang đọc bài viết Làng nghề lên cụm công nghiệp: Bỏ qua khâu xử lý chất thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Lao động

Cùng chuyên mục

Tin mới