Thứ sáu, 26/04/2024 16:45 (GMT+7)

Hà Nội: Đề xuất cho học sinh nghỉ học nếu ô nhiễm không khí nguy hại

MTĐT -  Thứ năm, 19/12/2019 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 18/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.

12 nguồn phát sinh ô nhiễm

Báo cáo tại hội nghị, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho hay có 12 nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội. Trong đó chủ yếu từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác rơm rạ.

Bên cạnh đó, chất lượng không khí thủ đô cũng suy giảm bởi nhiều nguyên nhân khách quan như địa hình đa dạng với núi thấp, khu vực nội thành là vùng trũng thấp dẫn đến tích tụ, khó khăn trong lưu thông không khí. Bên cạnh đó, tháng 12 đến tháng 1 là lúc lượng mưa ít, lặng gió nên chất lượng không khí đặc biệt xấu.

Ông Định đánh giá năm 2019 xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, tác động biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, trong khi đó nguồn thải vẫn giữ nguyên, gây khó khăn cho việc phát tán chất gây ô nhiễm.

Việc di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề và đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung chưa đạt yêu cầu" - ông Định nêu.

Cho học sinh nghỉ học trong những ngày ô nhiễm không khí nguy hại

Tại cuộc họp, một số quận, huyện cũng thừa nhận chưa kiểm soát nguồn thải từ các các công trình xây dựng, đặc biệt là hoạt động đào hè đường, quét hút bụi đường phố.

Đặc biệt về cơ chế phối hợp, đại diện Sở GD-ĐT TP Hà Nội đề nghị trong những ngày ô nhiễm không khí tới mức nguy hại, Sở Tài nguyên - môi trường cần chủ động thông tin sớm để ngành giáo dục kịp thời đưa ra các phương án, kể cả phương án cho học sinh nghỉ học.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố như việc thu gom, xử lý rác thải, vấn đề phối hợp xử lý chưa đồng bộ giữa các sở ngành và quận huyện, còn tình trạng buông lỏng quản lý…

Ông Chung cũng nhắc lại quan điểm, thành phố cần một thời gian dài, với các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng ô nhiễm như một số thành phố lớn trên thế giới từng trải qua. Trước mắt, ông Chung yêu cầu Sở TN&MT chuẩn bị địa điểm để lắp đặt khoảng 50 - 70 trạm quan trắc, cảm biến, hoàn thiện trong quý I/2020. Sở Y tế, Sở TN&MT phải phối hợp để xây dựng quy chế đến mức nào thì thông báo, cảnh báo cho người dân. Theo ông Chung, hiện thành phố mới có 14 trạm quan trắc, nếu dựa trên thông số đó để ra cảnh báo cho học sinh nghỉ học thì chưa đại diện cho tất cả thành phố. “Khi nào có tất cả các trạm theo đúng quy hoạch, xác định ảnh hưởng đến tất cả các trường thì mới nghỉ được”, ông Chung nói.

Đối với các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn thành phố, Chủ tịch thành phố Hà Nội lưu ý, phải có các biện pháp làm sạch đường, làm sạch dải phân cách, kể cả các ngõ, xóm vì thành phố đã đấu thầu theo địa bàn, và hiện nay, phương tiện cơ giới đã được thiết kế phù hợp với địa bàn của thành phố. Ông Chung cũng đồng ý với đề xuất tưới nước, rửa đường nhưng cần cải tiến đầu phun cho phù hợp.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, các quận huyện cần tiếp tục làm sạch ao hồ, vận động người dân cắt giảm sử dụng than tổ ong, đặc biệt là các quận nội thành. Các sở, ngành cần tạo điều kiện để các nhà máy rác công nghệ đốt phát điện sớm đi vào hoạt động. Theo ông Chung, từ năm 2021, thành phố sẽ đấu thầu lại việc thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng phù hợp với công nghệ mới. Các Cty không đủ năng lực sẽ không được tiếp tục tham gia.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đề xuất cho học sinh nghỉ học nếu ô nhiễm không khí nguy hại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới