Thứ sáu, 26/04/2024 16:43 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/2/2020

MTĐT -  Thứ năm, 06/02/2020 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/2/2020.

Số người thiệt mạng trong hai vụ lở tuyết liên tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên 38

Ngày 5/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tổng cộng 38 người thiệt mạng trong hai trận lở tuyết liên tiếp tại huyện Bahcesaray, tỉnh Van, miền Đông quốc gia này.

Theo Cơ quan Thảm họa và khẩn cấp quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), 33 nạn nhân thiệt mạng trong trận lở tuyết thứ 2 xảy ra khi các đội cứu hộ đang tìm cách cứu 2 người mắc kẹt trong trận lở tuyết đầu tiên xảy ra trước đó một ngày. Ít nhất 5 người thiệt mạng và 7 người khác được cứu khi trận lở tuyết đầu tiên vùi lấp một chiếc xe buýt cỡ nhỏ và một xe dọn tuyết tại địa điểm này vào chiều 4/2.

AFAD cho biết có tổng cộng 35 người bị thương trong trận lở tuyết thứ 2. Giám đốc Văn phòng AFAD Osman Ucar cũng là một trong những người được cứu từ lớp tuyết dày và đã được đưa tới bệnh viện. Theo ông Ucar, có khoảng 200 nhân viên cứu hộ đang làm việc tại hiện trường khi trận lở tuyết thứ 2 xảy ra nhưng nhiều người đã kịp chạy thoát.

Xâm nhập mặn ở Nam Bộ tiếp tục diễn biến phức tạp

Ngày 5/2, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thông tin đợt xâm nhập mặn từ ngày 8 đến 16/2 ở nhiều địa phương Nam bộ có thể đạt mức độ chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất so với cùng kỳ.

Theo đó, dự báo của Viện khoa học Thủy lợi miền Nam, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu hơn cùng kỳ từ 4 – 7km. Khảo sát độ mặn tại các cửa sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có phạm vi ảnh hưởng từ 95 - 100km. Do đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo, các địa phương ven biển cần tranh thủ lấy nước ngọt từ thời điểm hiện tại để đưa vào hệ thống công trình tưới tiêu hợp lý. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể và hạn chế tiêu thoát và kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.

Cũng theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cùng với diễn biến xâm nhập mặn thì khảo sát diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng cũng được dự báo khả năng gây ra hạn mặn lịch sử. Riêng trong tuần qua, nước mặn 4‰ xâm nhập vào các cửa sông từ 34km(tại sông Cái Lớn) đến 77km (sông Vàm Cỏ Tây).

Bên cạnh đó, dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia trong tháng 2/2020, dòng chảy trên sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long rất hạn chế, khiến khả năng thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Sự tan chảy của các tầng đất đóng băng vĩnh cửu đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu

Tình trạng tan chảy đột ngột của các tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Canada, Alaska và Siberia hiện nay có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tình trạng tan chảy đột ngột của các tầng đất đóng băng vĩnh cửu còn có thể làm sản sinh một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhanh hơn so với dự đoán. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Bắc Cực và Alpes, bang Colorado, Mỹ trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Geoscience mới đây.

Theo bà Merritt Turetsky - Chủ nghiệm nghiên cứu này và cũng là người đứng đầu Viện nghiên cứu Bắc cực và Alpes, mặc dù tình trạng tan chảy của tầng đất băng vĩnh cữu sẽ xảy ra ở dưới 20% bề mặt đất đóng băng, song quá trình này lại làm tăng lượng khí thải carbon sản sinh lên tới 50% bởi thực tế các tầng đất này chứa vô số vật chất hữu cơ đông lạnh. Chính tình trạng ấm lên của Trái đất đã khiến tầng băng liên kết đất, đá và cát trong lòng đất bị phân rã, làm phân hủy vật chất hữu cơ đông lạnh nói trên, qua đó tạo ra khí carbon dioxide cùng metan thải ra trong khí quyển.

Các tầng đất đóng băng vĩnh cửu trải rộng một khu vực gần bằng tổng diện tích của Canada và Mỹ, lưu giữ khoảng 1.500 tỷ tấn carbon, gấp 2 lần lượng carbon trong khí quyển và gấp 3 lần khí thải carbon mà các hoạt động của con người thải ra trong không khí kể từ giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp.

Một báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 9 đã đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản đầu tiên nếu thế giới thành công hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, diện tích tầng đất đóng băng vĩnh cửu đến năm 2100 sẽ giảm 24%. Ở kịch bản thứ 2, nếu lượng khí thải từ các hoạt động sử nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục gia tăng trong 50 năm mới, 70% diện tích tầng đất đóng băng vĩnh cửu này sẽ có thể biến mất và điều này đồng nghĩa với việc lượng lớn khí hiệu ứng nhà kính thoát ra không khí.

Bà Turetsky ước tính tình trạng tan chảy của các tầng đất đóng băng vĩnh cữu ở các vùng hồ đất thấp và đất ngập nước hay vùng đồi nú, có thể giải phóng từ 60 - 100 tỷ tấn carbon vào năm 2300. 1 tấn carbon tương đương 3,67 tấn carbon dioxide, tương đương lượng khí phát thải toàn cầu ở mức hiện tại trong 8 năm. Những con số mà bà Turetsky đưa ra phủ bóng đen lên những lý luận tích cực lâu nay cho rằng nhân loại có đủ thời gian để kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng, qua đó tiếp tục "giam giữ an toàn" lượng khí thải trong các tầng đất đóng băng vĩnh cửu hàng thiên niên kỷ.

Chính phủ Anh sẽ cấm bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035

Ngày 4/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo chính phủ nước này có kế hoạch cấm bán các dòng ô tô có động cơ xăng và dầu diesel vào năm 2035, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu đề ra trước đó, nhằm đẩy nhanh nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu.

Kế hoạch tham vọng trên được công bố tại một buổi lễ khởi động Năm Hành động vì biến đổi khí hậu cùng với các sự kiện hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11 tới tại nước Anh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Johnson nêu rõ nhằm giảm lượng khí thải ra môi trường, Chính phủ Anh sẽ cấm bán các dòng ô tô và xe tải chạy bằng xăng, dầu diesel và cả dòng xe hybrid (chạy bằng điện và xăng) vào năm 2035 hoặc sớm hơn nếu có thể.

Khi lệnh cấm có hiệu lực, người dân sẽ chỉ có thể mua các dòng xe chạy bằng điện hoặc hydro. Chính phủ Anh thay đổi kế hoạch sau khi giới chuyên gia cảnh báo thời điểm năm 2040 là quá muộn để đạt được mục tiêu xóa sổ hoàn toàn các dòng ô tô đời cũ vào năm 2050.

Trước đó, nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới cũng công bố kế hoạch tương tự. Pháp dự kiến cấm bán các dòng ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.

Các chính quyền thành phố Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Mexico City (Mexico) và Athens (Hy Lạp) tuyên bố đến năm 2025 sẽ cấm các phương tiện chạy bằng động cơ diesel hoạt động trong trung tâm thành phố.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới