Thứ năm, 02/05/2024 07:14 (GMT+7)

Mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương

An Hạ -  Thứ hai, 08/05/2023 12:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra trên địa bàn địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh... gây thiệt hại nhiều mái nhà, chìm tàu, quật gãy cột điện, cây lớn, nhiều cây lớn bị quật đổ...

tm-img-alt
Mái nhà dân ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị hư hỏng

Sau những ngày nắng nóng gay gắt, mưa đá, dông lốc đã xảy ra tại một số địa phương. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cảnh báo nguy cơ thiên tai do không khí lạnh có thể tiếp tục xảy ra tại Hà Nội và nhiều tỉnh, TP trong những ngày tới.

Hôm nay (8/5), bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Dự kiến, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2 - 3; vùng ven biển cấp 3 - 4.

Cơ quan chức năng cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm với không khí lạnh sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới. Theo đó, từ hôm nay (8/5), Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20 - 40mm/24 giờ, có nơi trên 60mm/24 giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cảnh báo mưa dông kèm theo các hiện tượng thời tiết như: lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Tại Hà Nội, từ chiều hôm qua (7/5), thời tiết đã chuyển dịu mát. Tại một số quận như Thanh Xuân, Hà Đông thậm chí đã có mưa. Dự kiến, trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ tại Hà Nội và các địa phương phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 21 - 24 độ C, vùng núi có nơi dưới 21 độ C.

Sau thời gian nắng nóng gay gắt, tại một số huyện thuộc tỉnh Cao Bằng như: Hà Quảng, Trùng Khánh... đã xuất hiện mưa đá. Mưa đá kéo dài 5 - 10 phút. Viên đá có kích cỡ trung bình từ 1,5 - 2,5cm, đã gây thiệt hại về nhà ở và nhiều diện tích cây trồng.

tm-img-alt
Ngôi nhà của người dân ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đổ sập sau trận dông lốc

Trong khi đó, tại tỉnh Nghệ An, địa bàn huyện Quỳ Châu đã ghi nhận mưa lớn kèm dông lốc, gió giật mạnh. Nhiều nhà dân tại địa phương này đã bị tốc mái. Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng để tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, chiều 7/5 trên địa bàn các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương của tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa, giông lốc, gió giật mạnh.

tm-img-alt
Cột điện tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu bị gãy sau trận lốc xoáy.

Có 81 ngôi nhà bị sập và tốc mái; 1 trường học tốc mái; 3 cột điện chiếu sáng bị gãy, đổ và 1 người bị thương. Trước đó, huyện Tương Dương là nơi vừa ghi nhận kỷ lục về nắng nóng với mức nhiệt độ 44,2 độ C.

Tại Quảng Bình, rạng sáng ngày 8/5, do thời tiết giông, lốc xảy ra trên địa bàn các xã Ngư Thủy Bắc và xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) có 9 thuyền nan với 10 ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản bị sóng đánh chìm.

Các thuyền nan bị nạn khi đang đánh bắt cách bờ biển khoảng 3 - 5 hải lý. Đã có 9 ngư dân vào bờ an toàn. Hiện vẫn còn ngư dân Nguyễn Văn Thoảng (52n tuổi, ở thôn Trung Thành, xã Ngư Thủy Bắc) chưa liên lạc được.

tm-img-alt
Quảng Bình chìm thuyền trên biển, một ngư dân mất tích

Ông Trần Kim Trung thông tin sau khi sự việc xảy ra, Đồn Biên phòng Ngư Thủy triển khai lực lượng gồm 3 tổ công tác với 15 đồng chí phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tổ chức tìm kiếm. Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình cũng đã có chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển triển khai lực lượng tuần tra bờ biển và thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển hỗ trợ tìm kiếm.

Cũng trong đêm qua và rạng sáng nay, mưa dông, lốc xoáy đã khiến lúa vụ Đông Xuân của nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình bị ngã đổ, ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ mùa. Tại các huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sau đợt mưa to, gió lớn, hàng trăm ha lúa của nông dân đã ngã rạp xuống đất trong thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là bà con thu hoạch. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã thống kê thiệt hại, vận động bà con ra đồng tìm hướng khắc phục nhằm giảm thiệt hại cho vụ Đông Xuân.

Trước diễn biến không khí lạnh có nguy cơ gây ra các loại hình thiên tai như: lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Từ đó, chủ động các biện pháp chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ngoài ra, từ ngày 8/5, ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to (thời gian xảy ra mưa giông tập trung vào chiều và tối) với lượng mưa 10 - 30 mm/24 giờ, có nơi trên 50 mm/24 giờ. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Bạn đang đọc bài viết Mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới