Thứ năm, 02/05/2024 22:43 (GMT+7)

Mỹ: Rác vũ trụ từ trạm ISS rơi thủng nhà người dân ở bang Florida

MTĐT -  Thứ sáu, 05/04/2024 16:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vật thể chưa xác định đã xé toạc phần mái và cả 2 tầng căn nhà của ông Alejandro Otero tại Florida. Hiện tại, NASA đang điều tra nguồn gốc của sự việc này.

Hôm 2/4 vừa qua, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo rằng họ đang phân tích một vật thể từ trên trời rơi xuống trúng nhà dân ở Florida, nhiều khả năng là rác từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Theo Wired, ngày 8/3, một vật thể chưa xác định đã rơi từ trên trời xuống mái nhà của ông Alejandro Otero tại bang Florida. Tại thời điểm xảy ra sự việc, Otero không có nhà nhưng con trai ông đã chứng kiến sự việc. Camera an ninh của gia đình cũng ghi lại được âm thanh từ vụ tai nạn lúc 14h34 ngày 8/3 (giờ địa phương).

tm-img-alt
Vật thể rơi xuống nhà Alejandro Otero, một người dân ở Florida, Mỹ. Ảnh: X/Alejandro Otero

Đây là một thông tin quan trọng vì nó trùng khớp vào thời điểm Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ ghi lại quá trình di chuyển của một mảnh vụn không gian từ trạm vũ trụ. Lúc đó, vật thể đang di chuyển qua Vịnh Mexico, hướng về phía tây nam Florida.

Rác không gian bị nghi ngờ gây ra tai nạn ở Florida bao gồm các cục pin quá hạn từ ISS, được để vào một thùng hàng và thả về Trái Đất dưới sự giám sát từ các chuyên viên trên trạm nghiên cứu. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chậm trễ nên NASA đã vứt bỏ chúng khỏi trạm vũ trụ vào năm 2021 mà không có người theo dõi.

NASA đã tiến hành thu hồi các mảnh vỡ từ ngôi nhà để phân tích nguồn gốc của chúng. Thùng chứa rác không gian nêu trên bao gồm 9 cục pin không còn sử dụng từ hệ thống điện của trạm vũ trụ, có khối lượng hơn 2,6 tấn. Về kích thước, nó cao gấp đôi một chiếc tủ lạnh tiêu chuẩn.

tm-img-alt
Rác vũ trụ rơi thủng nhà dân. Ảnh: X/Alejandro Otero

Điều quan trọng cần lưu ý là các vật thể có khối lượng tương đương hoặc lớn hơn thường xuyên rơi xuống Trái Đất theo quỹ đạo được tính toán trước. Trong đó, chúng thường là các vệ tinh bị hỏng hoặc các tầng của tên lửa đẩy đã qua sử dụng.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 16/3, Otero cho biết ông đang chờ thông tin liên lạc từ “các cơ quan có thẩm quyền” để giải quyết chi phí thiệt hại cho ngôi nhà của mình.

Theo bà Michelle Hanlon, Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Hàng không và Vũ trụ tại Đại học Mississippi, ông Otero và công ty bảo hiểm phụ trách có thể đưa ra yêu cầu bồi thường nếu vật thể chưa xác định kể trên thuộc sở hữu của NASA.

Trước khi xảy ra sự việc trên, người phát ngôn của NASA tại Trung tâm Vũ trụ Johnson cho biết các cơ quan nghiên cứu “đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng mảnh vỡ trên tấm pallet và xác định rằng nó sẽ quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất một cách vô hại”.

Tuy nhiên, nghiên cứu từ các chuyên gia vũ trụ khác lại chứa nhiều thông tin không trùng khớp với tuyên bố của NASA. Tập đoàn Hàng không Vũ trụ, một trung tâm nghiên cứu và phát triển được liên bang tài trợ, cho biết “quy tắc chung” là 20-40% khối lượng của một vật thể lớn từ ngoài không gian sẽ chạm tới mặt đất.

Tỷ lệ phần trăm chính xác phụ thuộc vào thiết kế của vật thể, nhưng những cục pin niken-hydro được sử dụng trên ISS được làm bằng kim loại có mật độ khá cao.

Ngoài ra, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng thừa nhận rằng một số mảnh vỡ từ khối rác này có thể đã rơi xuống mặt đất.

Florida không phải là nơi duy nhất bị rác vũ trụ rơi trúng. 4 mảnh tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, Borneo và Ấn Độ Dương trong giai đoạn năm 2020 - 2022. Vào năm 2021 và 2022, các mảnh vỡ từ tên lửa SpaceX rơi xuống trang trại ở bang Washington và một trang trại khác ở Australia.

Các cơ quan vũ trụ trên thế giới đang nỗ lực theo dõi hơn 30.000 mảnh rác vũ trụ lớn nhất, nhưng nhiều mảnh khác quá nhỏ để có thể theo dõi. Các nhà khoa học đã đề xuất nhiều biện pháp dọn dẹp vùng không gian xung quanh Trái Đất như thu gom rác bằng lưới, cánh tay robot, hoặc phóng một sợi dây dài từ tàu vũ trụ khác để tóm lấy mảnh rác.

Thiên Bảo (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mỹ: Rác vũ trụ từ trạm ISS rơi thủng nhà người dân ở bang Florida. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.