Thứ sáu, 26/04/2024 21:03 (GMT+7)

Ngày Nước thế giới và hạn mặn khốc liệt ở miền Tây

MTĐT -  Chủ nhật, 22/03/2020 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước đối với toàn nhân loại.

Nguồn gốc Ngày Nước thế giới

Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil), Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 22/3 hằng năm là ngày Nước thế giới và ngày 22/3/1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Từ đó đến nay ngày này được tổ chức hằng năm.

Mỗi năm, Ngày Nước Thế giới có một chủ đề. Ví dụ: Năm 2015 - Nước và phát triển bền vững, 2014 - Nước và Năng lượng, 2013 - Hợp tác vì nước, 2012 - Nước và an ninh lương thực, 2011 - Nước cho phát triển đô thị, 2010 - Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh….

Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu" hướng đến nghiên cứu những cách thức và những thay đổi của tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng như mối liên kết chặt chẽ của hai yếu tố này với nhau.

Tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm.

Theo số liệu của UNICEF (năm 2019) thì hiện nay có khoảng gần 1/3 tổng dân số thế giới không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn. Vì vậy, Liên hợp quốc chọn chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là “Nước và Biến đổi khí hậu” và chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2020 cũng là "Khí hậu và Nước" với khẩu hiệu "Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước".

Theo đó, các giải pháp về bảo vệ các nguồn tài nguyên nước, bảo vệ vùng đất ngập nước cũng như áp dụng các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thông minh, tăng cường tái sử dụng nước thải an toàn để ứng phó với biến đổi khí hậu là những giải pháp mà chủ đề Ngày Nước năm 2020 hướng tới.

“Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn; chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau” chính là thông điệp mà Ủy ban Nước Liên hiệp quốc (UN-Water) công bố trong ngày nước thế giới 2020.

Một số thông điệp Ngày Nước Thế giới 2020

- Chúng ta không thể chờ đợi! Các nhà hoạch định chính sách khí hậu phải đặt NƯỚC là trung tâm của các kế hoạch hành động.

- Nước có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu! Chúng ta cần có các giải pháp về vệ sinh và nước một cách bền vững với chi phí hợp lý.

- Tất cả mọi người đều có vai trò trong vấn đề Nước và biến đổi khí hậu. Ngay cả từ các hộ gia đình cũng cần phải có phương án sử dụng nước hiệu quả hơn.

Ngày Nước thế giới và hạn hán ở ĐBSCL

Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhưng biến đổi khí hậu và tác động đến các điều kiện tự nhiên làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn”, điều này đã làm ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước.

Những ngày này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với đợt hạn mặn chưa từng có trong lịch sử. Hạn mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. Và 5 tỉnh miền Tây đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn bao gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.

Người dân miền Tây đang trải qua đợt hạn mặn lịch sử.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống khoảng 1,54 triệu ha, hiện hơn 1,2 triệu ha đã thu hoạch. Đến nay, hạn mặn gây thiệt hại 43.500 ha, bằng khoảng 11% so với tổng diện tích thiệt hại đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (khoảng 405.000 ha).

Tình trạng hạn mặn cũng làm khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng bị nặng nhất với khoảng 24.400 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu khoảng 3.300 hộ.

Người dân xếp hàng lấy nước sinh hoạt. Ảnh: VNE.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và nhiều hiện tượng cực đoan như thiên tai, lũ lụt khác trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay.

Tác động rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy trên hầu hết các sông, suối, làm cho nhiều sông, suối bị suy giảm dòng chảy nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục và gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối ở nhiều địa phương trên cả nước.

Hệ quả của nó là kéo theo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt là thiếu nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt...

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ngày Nước thế giới và hạn mặn khốc liệt ở miền Tây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới