Thứ hai, 29/04/2024 22:50 (GMT+7)

‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị

MTĐT -  Thứ năm, 16/03/2023 08:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Wink cho thấy một cái nhìn thú vị ở mỗi địa danh nó hiện diện, bởi cùng với tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn, nó sẽ tạo ra một hình ảnh về bản sắc thành thị trong một cái nháy mắt...

Một sự kết hợp độc đáo giữa ký ức và nơi chốn, giữa nghệ thuật và lưu trú, giữa bản sắc truyền thống và dấu ấn tân kỳ, và tất nhiên không thể thiếu những câu chuyện đô thị riêng, đã được nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn trình hiện trong dự án nghệ thuật mới hợp tác với chuỗi khách sạn Wink Hotels.

Xuôi dòng ký ức đô thị

“Kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người” (thơ Trương Đăng Dung). Điều làm nên ý nghĩa của nơi chốn, chính là khi nó gắn với mỗi kỷ niệm, từng ký ức của con người đã gắn bó, lớn lên và song hành cùng nó. Một nơi chốn hay địa điểm nếu tồn tại độc lập và không có sự phát hiện, khám phá hay tạo nghĩa của con người, sẽ chỉ là một sự sắp đặt ngẫu nhiên, tự phát của tự nhiên.

tm-img-alt
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn thực hiện tác phẩm.

Đừng nghĩ ký ức chỉ là một thực thể trừu tượng, bởi ký ức có bản chất xã hội lẫn không gian, được bày tỏ qua nơi chốn. Ký ức và địa điểm kết hợp với nhau để tạo ra phần lớn bối cảnh cho các bản sắc đương đại, đặc biệt là bản sắc đô thị, nơi tập trung đại đa số sự cư trú hiện đại của con người.

Người ta đang lo sợ rằng các đô thị đang đánh mất dần bản sắc của chính mình, bởi sự quy hoạch mang tính chất “đồng phục” theo hướng đi đến một mẫu hình chung phi bản sắc cho mọi thành phố. Để ưu tiên cho phát triển nhanh, cập thời, đương nhiên sẽ phải đánh đổi bằng những giá trị môi trường tự nhiên và lịch sử văn hóa bị thu nhỏ rồi dần dần mai một.

Cây xanh cổ thụ phải di dời hoặc chặt phá để mở rộng đường sá giao thông, công trình di sản phải nhường chỗ cho nhà cao tầng. Biến mất cùng với chúng không chỉ là những thứ hữu hình, mà còn là cả ký ức. Lãng quên chính là sự cáo chung của bản sắc. Cá nhân lãng quên ký ức, cộng đồng lãng quên lịch sử, dân tộc lãng quên văn hóa.

Mặc dù là một giám tuyển và nghệ sĩ thực hành tham gia rất nhiều dự án nghệ thuật công cộng kết hợp giữa truyền thống và đương đại[1] nhưng trong hành trình sáng tạo của riêng mình, Nguyễn Thế Sơn chọn ký ức đô thị như một hướng đi riêng.

‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị
Chi tiết tác phẩm được thực hiện.

Trong sự phát triển đô thị ồ ạt, anh thấy có một dòng ký ức đô thị luôn tồn hiện trong tiềm thức mỗi cá nhân, mỗi công dân thành phố, mà bản thân chính anh là một trong số đó. Những biến đổi chóng mặt của đô thị có tác động sâu sắc đến diện mạo kiến trúc cũng như đời sống xã hội là điều không thể phủ nhận, nhưng trong chính bản sắc của từng đô thị và kỷ niệm của mỗi cá nhân chúng cũng tạo ra sự đứt gãy.

Những dấu vết ký ức đô thị đã được Nguyễn Thế Sơn trình bày trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, với nhiều sắc thái khác nhau. Một khoảng lặng bất biến trong Ốc đảo tĩnh lặng (2008), hỗn độn trong Nhà mặt phố (2012), những ngôi đình thành phố lọt thỏm và bị quên lãng trong Tôi đi tìm ngôi nhà chung (2015), sự biến đổi cảnh quan mặt tiền đô thị qua “Nhà Tây” biến hình (2013) và Thay hình đổi mặt (2016), câu hỏi về giá trị của ký ức đô thị qua Ký ức và đô thị (2018).

Và gần đây nhất, Nguyễn Thế Sơn đang bắt đầu một dự án nghệ thuật tham gia kiến tạo bản sắc đô thị với một sự kết hợp đầy độc đáo.

‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị
Chi tiết tác phẩm.

Đồng kiến tạo bản sắc

Đồng hành với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn trong dự án nghệ thuật mới này, là chuỗi khách sạn Wink Hotels. Dự án khách sạn, được phát triển bởi Indochina Kajima với tư cách là chủ đầu tư sở hữu và AW² của Pháp là đơn vị thiết kế, sẽ xuất hiện trên khắp 20 tỉnh thành Việt Nam.

Cái tên của khách sạn, Wink, đã cho thấy một cái nhìn thú vị ở mỗi địa danh nó hiện diện, bởi cùng với tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn, nó sẽ tạo ra một hình ảnh về bản sắc thành thị trong một cái nháy mắt.

Nếu hình dung về mặt chức năng thương mại thông thường, khách sạn chỉ thuần túy là cơ sở cung cấp các dịch vụ lưu trú ngắn ngày, đồng thời mang lại đầy đủ các tiện nghi, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu về nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho khách du lịch. Ở góc độ kinh tế, khách sạn và nghỉ dưỡng cũng là một kênh bất động sản sinh lời đối với các nhà đầu tư. Song, khi nhìn từ lăng kính văn hóa, sẽ thấy một số khách sạn đã cùng tham gia kiến tạo bản sắc cho mỗi thành phố, trở thành một phần của bộ nhận diện bản sắc đô thị.

‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị
Nguyễn Thế Sơn bên cạnh tác phẩm Wink Hotel Danang Riverside.

Trên thế giới có những khách sạn di sản (heritage hotel). Các khách sạn kiểu này mang đến trải nghiệm đích thực cho đối tượng khách coi trọng kiến trúc lịch sử vốn thể hiện văn hóa của điểm đến du lịch. Chúng đại diện cho văn hóa, tinh thần và truyền thống. Mỗi một trong số chúng đều độc nhất vô nhị và mang lại cho du khách một cảm giác vượt thời gian.

Việc bảo tồn di sản với tư cách là khách sạn, hầu hết được chuyển đổi từ các cung điện và lâu đài lâu đời, có thể dẫn đến sự bền vững về văn hóa, bằng cách mang lại việc làm và lợi ích kinh tế cho cộng đồng sở tại, đồng thời nâng cao ý thức về địa điểm, bản sắc địa phương và do đó, có thể là một thương hiệu quảng cáo cho điểm đến.

Ngoài ra, phong cách trang trí đặc biệt, khu vườn, sảnh lớn, kiến trúc mang tính biểu tượng và đầy âm hưởng của bầu không khí địa phương, có thể tác động đến thái độ của khách du lịch đối với văn hóa của điểm đến. Bởi vậy, các khách sạn di sản có thể đóng vai trò hiệu quả trong việc bảo tồn văn hóa điểm đến nhằm đạt được sự phát triển du lịch bền vững, thông qua các hoạt động sáng tạo của chúng.

Các khách sạn di sản nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến là lâu đài Glin (Scotland), Hotel du Château de Maulmont (Pháp)…

Một số khách sạn khác được xây mới với mục đích ban đầu là nhằm cung cấp dịch vụ lưu trú, và sau thời gian dài hoạt động thì trở thành địa điểm văn hóa cũng như biểu tượng của thành phố. Có thể kể đến Hôtel Riz ở Paris (khai trương năm 1898), Tal Mahaj Hotel (1903 ở Mumbai, Ấn Độ), The Ritz London (1906), Waldorf Astoria New York (1931).

‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và ông Peter Ryder, Chủ tịch Wink Hotels.

Hoặc không cần phải đi tìm đâu xa, khách sạn Metropole Hà Nội cũng là một khách sạn như vậy. Được xây dựng và khánh thành năm 1901 bởi hai nhà đầu tư Pháp Gustave-Émile Dumoutier và André Ducamp, nó đã trở thành một công trình biểu trưng cho kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội. Trong suốt hơn 120 năm tồn tại của mình, Metropole đã trở thành một địa điểm văn hóa, từ nơi gặp gỡ của giới thượng lưu Hà Thành đầu thế kỷ XX, đến nơi đón tiếp các chính trị gia, nhà ngoại giao và những nhân vật quốc tế nối tiếng.

Có thể thấy, dự án chuỗi khách sạn Wink Hotels, một mặt hướng đến việc khẳng định thương hiệu lẫn phong cách riêng trẻ trung của mình, mặt khác, hòa nhập để trở thành một phần của bản sắc thị thành, của văn hóa đô thị bản địa. Ngoài đem đến những sản phẩm lưu trú thiết yếu, thì Wink còn theo hướng xác lập mình như một không gian/hub văn hóa – sáng tạo, khi hợp tác với Toong nhằm cung cấp một không gian làm việc chung (coworking space), nhưng được gọi là không gian làm việc hợp tác (collaborative workspace).

Sự độc đáo của Wink được thể hiện rõ hơn trong việc ứng xử với nghệ thuật. Nếu như ở đa số các khách sạn truyền thống thì nghệ thuật, cụ thể là tranh, chủ yếu đóng vai trò trang trí, tô điểm cho không gian nội thất hoặc phô bày sự xa hoa, lộng lẫy, thì Wink chủ động tạo cho mình một bộ sưu tập các tác phẩm độc bản riêng, gắn liền với từng địa điểm đặt khách sạn, và thậm chí tác phẩm này trở thành thương hiệu nhận diện cho khách sạn tại địa điểm đó.

Ngoài trải nghiệm du lịch, thì Wink còn tặng cho du khách một sản phẩm văn hóa. Nghệ thuật, rõ ràng, đã có vai trò khác.

‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị
Phối cảnh bên ngoài Wink Hotel Saigon Centre.
‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị
Bên trong khách sạn Wink Hotel Saigon Centre.

Nháy mắt thấy Sài Gòn, Đà Nẵng…

Wink Hotels đã khai trương hai khách sạn đầu tiên trong chuỗi khách sạn của mình, đó là Wink Hotel Saigon Centre (2021) và Wink Hotel Danang Centre (2022). Ở mỗi địa điểm, Nguyễn Thế Sơn đồng thời trình làng tác phẩm mới dành riêng cho chúng.

Với quan điểm gắn bó chặt chẽ với nơi chốn và ký ức đô thị, mỗi tác phẩm của anh đều có hàm lượng văn hóa bản địa và tính đối thoại với không gian cao (ở đây là không gian xung quanh khách sạn).

Ngoài Nguyễn Thế Sơn, Wink Hotels còn có sự cộng tác của họa sĩ Richie Fawcett (The Studio Saigon). Nếu những tác phẩm ký họa bút sắt panorama của Richie trên rèm chắn sáng thể hiện khung cảnh địa phương, nhưng từ cái nhìn trên cao xuống, mà đôi khi những cái nhìn từ trên cao lại là cái nhìn “đôi chút” thượng lưu và xa cách, thì trái lại, những tác phẩm phù điêu nhiếp ảnh của Nguyễn Thế Sơn lại cho thấy một cái nhìn từ bên dưới, của đời thường và phố phường bình đẳng. Theo chính nghệ sĩ chia sẻ, tác phẩm như một tấm gương phản chiếu thành phố xung quanh, với những yếu tố cũ – mới đan xen giữa quá trình biến đổi của đô thị hóa.

tm-img-alt
Tác phẩm tại Wink Hotel Saigon Centre.

Tác phẩm của Thế Sơn tại Wink Hotel Saigon (TP.HCM) là một sự đối thoại xưa – nay trong chính nơi chốn sở tại. Ở trung tâm tác phẩm là đình Tân An, một ngôi đình hơn 100 năm tuổi nằm trên phố Nguyễn Bình Khiêm, phường Đa Kao, quận 1 (ngay đối diện Wink Saigon). Đình được xây dựng theo kiến trúc cổ, trong đó phối thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân và mẹ Ngũ Hành nhằm cầu quốc thái dân an. Trong sự tương phản của hình tượng trung tâm, là những “đặc sản” kiến trúc Việt hiện đại – mặt tiền nhà ống với những tấm biển quảng cáo sặc sỡ đủ loại sắc màu.

Và tinh ý hơn nữa, có thể phát hiện ra những hình tượng người đi đường là sự đồng hiện của con người và xe cộ đến từ quá khứ, từ một Sài Gòn trước 1975, được nghệ sĩ thông qua nghệ thuật chuyển dụng (appropriation) để lồng ghép vào tác phẩm. Việc đặt những hình tượng này vào một bối cảnh khác, thay đổi trải nghiệm và nhận thức của người xem về chúng hoàn toàn.

tm-img-alt
Tác phẩm phù điêu tại Wink Hotel Danang Centre.

Tác phẩm ở Wink Hotel Đà Nẵng của Nguyễn Thế Sơn cũng mang đến một câu chuyện đô thị tương tự, nhưng mang màu sắc giao lưu văn hóa. Cũng là một tác phẩm phù điêu nhiếp ảnh theo kiểu thất liên họa (heptaptych) gồm bảy tác phẩm nhỏ, với hình tượng trung tâm là Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng (lại nằm ngay cạnh khách sạn Wink nơi đây) được linh mục Louis Vallet thiết kế và khởi công tròn 100 năm trước vào năm 1923. Xung quanh là những hình thức nhà ống thể hiện sự xâm thực của văn hóa ngoại lai, với karaoke vốn xuất xứ đến từ Nhật Bản, thẩm mỹ viện Hàn Quốc và trà sữa Đài Loan.

Vậy là chỉ trong cái nháy mắt, một Sài Gòn, hay một Đà Nẵng sống động đã hiện ra với cả một vùng ký ức, không chỉ với những du khách, mà còn cả với cư dân thành phố. Với những dự án mới hứa hẹn của Wink tại Hà Nội, Hải Phòng, Tuy Hòa hay Cần Thơ, chúng ta lại trông đón những ý tưởng mới, những câu chuyện mới từ Nguyễn Thế Sơn.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

[1] Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Giúp truyền thống “thích nghi” trong nghệ thuật đương đại, Tạp chí Người Đô Thị, số 110 (7.2021), https://nguoidothi.net.vn/giup-truyen-thong-thich-nghi-trong-nghe-thuat-duong-dai-29440.html

Bạn đang đọc bài viết ‘Nháy mắt’ thấy bản sắc đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người đô thị

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...