Thứ bảy, 27/04/2024 12:23 (GMT+7)

Nhiều bất cập trong việc quản lý sử dụng đất nông lâm trường

Hoàng Mai -  Thứ sáu, 17/09/2021 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tiến tới thu hồi phần đất các công ty nông lâm nghiệp giữ lại diện tích đất đai quá lớn, sử dụng không hiệu quả.

Theo số liệu thống kê, sau gần 30 năm (từ năm 1991), từ con số 663 nông lâm trường quốc doanh, nếu tính cả nông lâm trường hoạt động thua lỗ đã giải thể qua quá trình sắp xếp lại, đến nay cả nước còn 252 công ty nông, lâm nghiệp.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, sau thời gian thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, các địa phương đã nỗ lực thực hiện việc rà soát, cắm mốc ranh giới, đo đạc, cấp Giấy chứng nhận, phê duyệt phương án sử dụng đất các nông, lâm trường. Tuy vậy, công tác này triển khai còn chậm.

tm-img-alt
Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tình trạng tranh chấp, mua bán, chuyển nhượng đất đai vẫn xảy ra. Thậm chí, một số công ty còn để mất đất, mất rừng với hơn một nửa diện tích từng được Nhà nước giao quản lý trước đó. Việc này dẫn đến thực trạng nhiều công ty lâm nghiệp “ôm” quá nhiều đất, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số tại các “vùng lõi nghèo của cả nước” vẫn thiếu đất sản xuất.

Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai còn phức tạp như: bị lấn chiếm; cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái phép; giao khoán không đúng đối tượng; để hoang hóa…; còn xảy ra việc sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả, bị bỏ hoang; còn có biểu hiện vi phạm pháp luật đất đai với nhiều hình thức khác nhau chưa được xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, còn hiện tượng lợi dụng kẽ hở do chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ, chưa tin cậy, không chính xác hồ sơ kỹ thuật và pháp lý, kẽ hở do ranh giới nhiệm vụ quản lý, ranh giới loại rừng giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng… để hợp thức hóa cho một số vi phạm đất đai trong quá trình rà soát sắp xếp... từ đó làm giảm hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Trong vòng 10 năm (giai đoạn từ 2010-2020), diện tích rừng trên cả nước đã bị mất khoảng hơn nửa triệu ha. Riêng năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 2.575 ha. Trong 8 tháng năm 2020, diện tích rừng bị thiệt hại 1.881,1 ha; trong đó thiệt hại do cháy là 1.362,9 ha.

Thông tin với các cơ quan báo chí, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, việc quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn tồn tại bất cập. Quá trình phát triển các nông lâm trường đã trải qua 60 năm. Tại thời điểm thành lập, nhiều nơi đã giao chồng lên diện tích đất của người dân, giấy tờ, hồ sơ lạc hậu không quản lý được trên thực địa, có nhiều trường hợp người dân góp đất. Trong một thời gian dài các nông, lâm trường quản lý không hiệu quả để tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích xen kẽ, dẫn tới khó kiểm soát trong ranh giới đất được giao.

Trong thời gian tới, cả nước sẽ phải tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý sử dụng không hiệu quả. “Cần thu hồi phần đất các công ty nông, lâm nghiệp đang khoán trắng, cho mượn trái pháp luật, bị lấn chiếm, tạo quỹ đất để ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có đất, thiếu đất sử dụng” .

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách quản lý.  Mặc dù, văn bản pháp luật của Nhà nước đã nêu rất cụ thể về trách nhiệm quản lý, sử dụng đất nông lâm trường cho nhiều ngành, cơ quan khác nhau, nhưng lại không giao cho một đơn vị nào chịu trách nhiệm chính để thi hành. Đây là “lỗ hổng” rất lớn dẫn tới tình trạng các bên đùn đẩy trách nhiệm, cũng như thiếu sự chủ động trong việc giải quyết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn thu từ đất để thực hiện việc đo đạc chi tiết đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để các địa phương triển khai đo đạc chi tiết làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận, giao đất, cho thuê đất. 

Đối những công ty nông, lâm nghiệp có diện tích đất quá lớn so với lực lượng lao động, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện việc điều tra, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau rà soát, sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Cần kiên quyết thu hồi bàn giao cho địa phương nếu công ty nông, lâm nghiệp giữ lại diện tích đất đai quá lớn, không sử dụng hiệu quả./.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều bất cập trong việc quản lý sử dụng đất nông lâm trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề