Thứ sáu, 26/04/2024 18:40 (GMT+7)

Đắk Lắk: Ai đang bức tử một dòng sông? (Bài 1)

Thái Tuấn -  Thứ tư, 02/05/2018 15:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ea Súp là một huyện miền núi của tỉnh Đắk Lắk cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 100 km theo đường tỉnh lộ 1 đi về phía Tây Bắc.

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn thư phản ánh, cũng như nhiều cuộc gọi qua đường dây nóng của người dân huyện Ea Súp, Đắk Lắk tố cáo Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, cá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất của nhân dân.

Nhận được thông tin, cuối tháng 4/2018, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trực tiếp về huyện Ea Súp, Đắk Lắk tìm hiểu về vấn đề này.

Ea Súp là một huyện miền núi của tỉnh Đắk Lắk cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 100 km theo đường tỉnh lộ 1 đi về phía Tây Bắc. Huyện thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, dân cư thưa thớt, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Người dân ở đây phần lớn sống nhờ nương rẫy như trồng cây công nghiệp, củ mì, xoài, đặc biệt là vùng đất này phù hợp với cây mía, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường trên địa bàn.

Nhà máy đường xả khói nghi ngút ngày đêm

Theo sự chỉ đường của người dân, chúng tôi đi dọc theo bờ sông Ea H’Leo thuộc địa bàn xã Ea Rvê, nơi bắt nguồn từ cống xả thải của Công ty Cổ Phần Mía đường Đắk Lắk. Trên sông nước chảy lờ lờ, đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, hai bên bờ sông ruồi nhặng bu đầy trên những xác cá thối rữa dưới cái nắng nóng 38 độ C của vùng giáp biên. Ông Vi Trọng Đại, một người dân sống tại đây cho biết: “Tôi sống ở đây trên 20 năm rồi, dòng sông này vốn trong xanh, nhiều cá lắm. Sông vừa là nơi cung cấp nước cho sản xuất vừa là nguồn thủy sản nuôi sống cho bà con. Tuy nhiên mấy tháng nay nhà máy đường xả nước thải, cá chết nhiều, hôi thối lắm”.

Đường ống xả thải đi qua hai xã Ia Tờ Mốt và Ea Rvê

Khi chúng tôi ngược lên địa bàn xóm 14, thuộc xã Ea Rvê, vượt qua nhiều bụi cây rậm rạp phát hiện cống xả nước thải đường kính khoảng trên 80cm. Nước đang xả ồ ạt từ trong cống. Cách đó khoảng 200m là một trạm bơm, lần theo đường ống bắt nguồn từ nhà máy mía đường đang xả khói nghi ngút, đen kịt một vùng. Phía trên cống xả thải, nơi không bị ảnh hưởng, nước xanh ngăn ngắt, trong vắt dưới cái nắng ban trưa.

Đây là nhà máy của Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, thuộc địa phận xã Ia Tờ Mốt, tuy nhiên ống xả thải lại chạy dài khoảng 3km song song với đường ống cấp nước từ trạm bơm sang địa bàn xã bên là Ea Rvê.

Anh Duy, người dẫn đường cho chúng tôi biết: Sông Ea H’Leo là một trong những chi lưu của sông Serepôk. Sông bắt nguồn trên địa phận xã Dliê Ya, huyện Krông Năng ở độ cao 800 m. Sông có chiều dài 143 km, chảy qua hai huyện Ea H'leo và Ea Súp trước khi hợp lưu vào sông Serepôk. Vì vậy, việc xả thải ảnh hưởng trực tiếp từ xã Ea Rvê sang vùng sông bên kia biên giới. Mấy ngày vừa rồi, dưới hạ lưu bà con bắt được nhiều cá chết, thậm chí, có con cá lăng - một loại đặc sản của vùng to bằng bắp đùi người lớn cũng phơi bụng dưới nắng nóng. Giờ đây dòng sông bị ảnh hưởng bởi chất thải của nhà máy đường đen đúa như một dòng sông chết.

Cá chết trắng dạt vào hai bờ sông Ea H'leo

Được biết xã Ea Rvê là địa bàn đóng quân và sản xuất của Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 trực thuộc Quân khu 5. Đoàn 737 vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị quân đội vừa sẵn sàng chiến đấu và làm nhiệm vụ của một đoàn kinh tế, quốc phòng, đơn vị có 8 đội sản xuất, 3 phòng, 2 ban chức năng và 1 trại giống. Đây là vùng đệm vô cùng trọng yếu nằm sát biên giới Việt Nam – Campuchia. Về việc nhà máy đường xả thải gây ô nhiễm nặng, đơn vị đã nhiều lần họp và đã có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắc đề nghị can thiệp, làm rõ mức độ thiệt hại đối với hoạt động sản xuất của đơn vị nhưng chưa nhận được trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

 Cống xả thải gây ô nhiễm môi trường

Việc nhà máy đường thuộc Công ty Cổ phần Mía Đường Đắk Lắk xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, gây nên nhiều bức xúc cho người dân và các cơ quan, đơn vị vùng bị ảnh hưởng đúng hay sai hiện đang chờ các cơ quan chức năng tiến hành làm rõ. Tuy nhiên, phía nhà máy, từng đoàn xe chở nguyên liệu vẫn ồ ạt tập kết và không hề có động thái nào xử lý để tránh tác hại về môi trường và dòng sông Ea H’Leo vẫn đêm ngày bị “bức tử” bởi con người./.

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Ai đang bức tử một dòng sông? (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới