Thứ bảy, 27/04/2024 11:22 (GMT+7)

Hải Dương buông lỏng quản lý hay “bao che” cho bến bãi không phép?

Huy Tưởng -  Thứ tư, 24/07/2019 23:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt công văn, văn bản thông báo chỉ đạo, xử lý nghiêm việc bến bãi hoạt động không phép. Nhưng đến nay, việc chỉ đạo mới chỉ trên giấy tờ còn thực thi xử lý đến đâu thì vẫn còn bỏ ngỏ...

Sau khi tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có loạt bài phản ánh về tình trạng bến bãi không phép trên địa bàn thành phố Hải Dương như: “TP Hải Dương: Hàng chục bến, bãi không phép hoạt động ‘rầm rộ’; TP Hải Dương: Điểm danh bến bãi không phép vẫn ngang nhiên hoạt động”, đến nay, việc xử lý tình trạng trên vẫn chưa hề có động thái hay cách khắc phục nào từ chính quyền địa phương.

Liên tục ra công văn, thông báo kiên quyết xử lý nhưng thực hiện tới đâu?

Theo như tìm hiểu của PV, từ đầu năm 2018 trở lại đây, UBND TP Hải Dương đã ban hành rất nhiều văn bản, công văn chỉ đạo về việc khai thác cát trái phép, giải tỏa bến bãi, vật cản lũ trên bãi sông. Cụ thể như: Ngày 9/4/2018, UBND TP Hải Dương đã ra công văn số 274/UBND-VP về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh bến bãi trên địa bàn thành phố.

Ngày 26/4/2018, UBND TP Hải Dương tiếp tục ra công văn số 331/UBND-VP về việc thông báo dừng khai thác đất, cát và giải tỏa bến bãi, các vật cản lũ trên bãi sông. Tiếp đó, ngày 12/4/2018 UBND TP Hải Dương ban hành quyết định số 1063/QĐ-UBND về việc kiện toàn đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý các hành vi khai thác, kinh doanh và vận chuyển cát trái phép trên địa bàn thành phố do ông Trương Mạnh Long – PCT UBND làm trưởng đoàn.

Bến bãi tập kết vật liệu không phép vẫn hoạt động rầm rộ không hề bị xử lý.

Tiếp đó, ngày 8/5/2018 UBND TP Hải Dương ra quyết định số 1231/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra, xử lý các hành vi hoạt động bến bãi kinh doanh và vận chuyển cát trái phép trên địa bàn thành phố. Ngày 7/1/2019 UBND TP Hải Dương ra công văn số 15/UBND-VP về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm đối với hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng.

Ngày 17/5/2019, UBND thành phố ra công văn số 504/UBND-HQLĐ về việc kiểm tra khai thác đất, cát và giải tỏa bến bãi chứa vật liệu, các vật cản lũ trên bãi sông trong mùa lũ. Đặc biệt, trong công văn 504/UBND-HQLĐ có nêu rõ trách nhiệm của Hạt quản lý đê như sau:

“Kiểm tra, rà soát, thống kê các hoạt động khai thác đất, cát, sỏi, các hoạt động bến bãi và các hoạt động liên quan đến đê điều, phòng chống lụt bão; Lập danh sách các tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép hoạt động; các tổ chức, cá nhân đã có giấy phép hoạt động nhưng không chấp hành đúng quy định trong giấy phép và các quy định của pháp luật về đê điều. Đồng thời tham mưu UBND thành phố xử lý trước ngày 25/5/2019 để báo cảo UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh.

Tuy nhiên, Hạt quản lý Đê điều thành phố chưa tham mưu đầy đủ với UBND thành phố các biện pháp quản lý hoạt động bến bãi, bảo vệ đê điều nên để xảy ra tình trạng một số bến bãi hoạt động không nằm trong quy hoạch, chưa có giấy phép, không đúng giấy phép, hết hạn giấy phép, cho xe trở quá tải trọng qua đê; các bến bãi chưa di chuyển hết máy móc, trang thiết bị, giải tỏa toàn bộ vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, tháo dỡ các nhà tạm hoặc các tấm bưng nhà tạm, thanh thải tất cả các vật cản lũ trên bãi sông xong trước ngày 15/6/2019”.

Công văn chỉ đạo kiên quyết, nhưng việc xử lý thì chưa hề có động thái. Các bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động.

Với việc hàng loạt các công văn, văn bản thông báo từ đầu năm 2018 của UBND TP Hải Dương về việc kiên quyết xử lý về tình trạng các bến bãi không phép, không nằm trong quy hoạch trên địa bàn. Nhưng đến nay, việc bến bãi không phép vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ trong nhiều năm nay mà không hề bị xử lý, trách nhiệm thuộc về ai? Hướng xử lý về việc vi phạm hành lang đê đối với các chủ bến bãi như thế nào?

Bến bãi không phép ngang nhiên hoạt động, trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, ông Trương Mạnh Long – Phó chủ tịchUBND thành phố Hải Dương cho biết: Ngay sau khi có những bài báo phản ánh về tình trạng bến bãi không phép vẫn tồn tại, hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Dương. Chúng tôi đã yêu cầu bên Hạt quản lý đê tổng hợp danh sách các bến bãi trên địa bàn rồi gửi về thành phố.

Còn về việc trách nhiệm thì bên Hạt quản lý đê quản lý về mặt chuyên môn, sau khi thấy tình trạng như vậy thì Hạt phải báo cáo và xây dựng kế hoạch thì thành phố mới có văn bản chỉ đạo để vào cuộc xử lý. Doanh nghiệp hoạt động không phép hay sai phép gây ảnh hưởng tới công tác quản lý đê như nào thì Hạt là người nắm rõ, cần thiết dừng chỗ nào và cái nào hạn chế hoạt động thì Hạt là người rõ. Hạt quản lý đê quản lý toàn bộ các tuyến đê của thành phố thì phải có trách nhiệm lên kế hoạch và tham mưu hướng xử lý.

Theo như ông Long, việc Hạt quản lý đê chưa hề tổng hợp danh sách bến bãi trên địa bàn thành phố thì lại hoàn toàn đối lập với công văn số 274/UBND-VP, ngày 9/4/2018 do đích thân ông Trương Mạnh Long là người ký.

Công văn số 274/UBND-VP cũng nêu rõ, đơn vị nào không chấp hành và cố tình vi phạm sẽ dùng biện pháp cưỡng chế, tịch thu vật liệu. Nhưng đến nay UBND thành phố vẫn chưa thực hiện được.

Cụ thể trong công văn số 274/UBND-VP như sau: Các bến bãi không nằm trong quy hoạch, hoạt động sai phép, không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng đã hết hạn phải dừng ngay mọi hoạt động, tự di chuyển toàn bộ vật liệu, phương tiện, tháo dỡ công trình vi phạm ra khỏi bãi sông, khôi phục hiện trạng ban đầu trước ngày 30/4/2018.

Các bến bãi không chấp hành, cố tình tiếp tục vi phạm, UBND thành phố sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế tịch thu vật liệu, tháo dỡ công trình, cắt xóa dốc lên đê và kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động, quyết định thuê đất, loại bỏ không đưa vào quy hoạch.

Đặc biệt, trong công văn số 274/UBND-VP được kèm theo một bản thống kê bến bãi, sản xuất, kinh doanh vật liệu trên địa bàn thành phố Hải Dương từ năm 2018.

Dư luận đang thấy có sự quyết liệt xử lý hành vi vi phạm đê điều của UBND thành phố Hải Dương từ năm 2018 đến nay nhưng đó mới chỉ là trên lý thuyết, còn việc bến bãi không phép thì vẫn hoạt động rầm rộ. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu rằng đang có sự “bao che” hay bất lực của chính quyền địa phương trước những bến bãi “vua” không phép?

Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hải Dương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng trên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục cập nhật.

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương buông lỏng quản lý hay “bao che” cho bến bãi không phép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề