Phụ nữ huyện Gia Bình (Bắc Ninh) quyết tâm làm nông nghiệp sạch
Với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất thuần nông quê mình, những năm gần đây, không ít phụ nữ Gia Bình thử sức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương thức mới.
Với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất thuần nông quê mình, những năm gần đây, không ít phụ nữ Gia Bình thử sức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương thức mới. Trong đó, mô hình nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ, an toàn đang được nhiều chị em lựa chọn để vừa nâng cao giá trị canh tác, vừa tạo điểm nhấn nông sản địa phương.
Là người phụ nữ của gia đình, rất quan tâm tới sức khỏe dinh dưỡng, chị Nguyễn Thị Lan, thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch ngày càng cao, nhất là khi điều kiện kinh tế của người dân tốt hơn. Vì vậy, năm 2018, chị cùng một số phụ nữ địa phương thành lập HTX nông nghiệp sạch Phú Thịnh để sản xuất cây rau màu an toàn, khép kín một cách chuyên nghiệp. Với thuận lợi ban đầu là thuê được diện tích đất rộng gần 3ha, các chị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và vay mượn nguồn vốn đầu tư hạ tầng khoảng 5 tỉ đồng. Chị chia sẻ: “Phụ nữ thuần nông thường chỉ quen trồng mấy sào rau để nhà ăn hoặc đem ra chợ bán, lãi lời chẳng được bao nhiêu. Vậy nên, chúng tôi nghĩ, nếu muốn làm giàu từ nông nghiệp, nhất thiết phải đầu tư hạ tầng, kỹ thuật hiện đại, với những giống cây trồng mới”. Hiện nay, HTX có 6 nhà màng diện tích hơn 6.000 m2 trồng các loại dưa chuột baby, dưa lưới, dưa lê và 1 nhà lưới trồng các loại rau cải, mồng tơi, muống... Các nhà màng được lắp đặt hệ thống điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ tự động, châm phân nhỏ giọt tại gốc.
Sau khi được tiếp cận vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, HTX đẩy mạnh sản xuất, bước đầu có đơn hàng cung ứng các loại rau, củ, quả sạch ổn định; đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/người/tháng. “Làm nông nghiệp sạch đòi hỏi sự kiên trì rất lớn, vì vốn đầu tư nhiều mà rủi ro cả về canh tác, thị trường. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được tiếp cận thêm nguồn vốn đầu tư khu sơ chế, chế biến nông sản để cung ứng tới các khách hàng, bếp ăn lớn. Đồng thời, được quan tâm kết nối, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nông sản, gắn với truy xuất nguồn gốc, để có cơ hội tiêu thụ nhiều sản phẩm hơn”- chị Lan bày tỏ. Trong khi đó, trên vùng trồng màu truyền thống thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, nhiều chị em đang tích cực chăm sóc cây màu theo các phương pháp hữu cơ đã được hướng dẫn.
Chị Nguyễn Thị Hợp có gần 1 mẫu trồng các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ… thành thạo trộn nguyên liệu gồm 20 lít chế phẩm IMO, bã cây chuối tiêu, vỏ trấu… để ủ phân chuồng. Theo chị, cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, lại tạo ra nguồn phân bón tốt cho cây, an toàn với sức khỏe mọi người. Những vụ trước khi sử dụng phân chuồng tự ủ, giá thành bán rau của chị thường cao hơn 10-20%, nhiều thương lái biết tới còn về thu mua tận ruộng. Ở bên cạnh, chị Nguyễn Thị Liễu cũng vừa được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Bình kết nối với cơ sở cung ứng và mạnh dạn đưa vào thử nghiệm hơn 1,5 ha tre lục trúc lấy măng, theo hướng hữu cơ, dự kiến cho thu hoạch từ 4-5 tấn củ/ha trong thời gian tới. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ do phụ nữ làm chủ được hình thành và phát triển tại Gia Bình đang góp phần mang lại thu nhập cao, cung ứng ra thị trường những sản phẩm nông sản an toàn, là một trong những nội dung cụ thể hóa phong trào “Năm không ba sạch”.
Theo bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Bình, với đa phần hội viên phụ nữ là nông dân, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị đã được các cấp Hội phát động rộng khắp trên địa bàn. Đồng hành các mô hình này, Hội LHPN huyện Gia Bình hỗ trợ 36 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền gần 40 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án có hướng khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn. Trong 5 năm thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội cũng hỗ trợ thành lập 5 HTX do phụ nữ làm chủ, đa số ở lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Gia Bình sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, bền vững. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và mở rộng hoạt động, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Qua đó, thêm động lực giúp nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, khẳng định sức mạnh của người phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Thanh Hằng (T/h)