Thứ hai, 29/04/2024 00:53 (GMT+7)

Quản lý chất thải trong ngành chăn nuôi: Chuyển đổi năng lượng xanh

MTĐT -  Thứ ba, 07/11/2023 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngành chăn nuôi được coi là một trong những phân ngành nông nghiệp chủ lực và phát triển nhanh nhất.

Khí sinh học - tiềm năng phát triển năng lượng

Ngành chăn nuôi ở Việt Nam đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng, và đứng thứ 6 về sản lượng thịt.

Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Trong một báo cáo mới đây cho biết, nếu chất thải chăn nuôi không được kiểm soát tốt sẽ phát thải hơn 15 triệu tấn CO2 tương đương hàng năm. Ngược lại, theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chất thải chăn nuôi là nguồn tài nguyên hữu cơ tái tạo, với số lượng gần 49.000 trang trại chăn nuôi trên cả nước, nếu được kiểm soát tốt, tiềm năng phát điện biogas từ các trang trại chăn nuôi là rất lớn.

Để hạn chế vấn đề ô nhiễm và phát thải khí nhà kính do chất thải chăn nuôi gây ra, Chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi cũng như sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải chăn nuôi, trong đó có áp dụng công nghệ khí sinh học (KSH) nhằm xử lý chất thải chăn nuôi để tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện chất lượng môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Mô hình này được đánh giá là có tiềm năng và cần được khuyến khích.

6a.jpg
Hầm biogas tại trang trại chăn nuôi heo

Công nghệ KSH ở Việt Nam đã được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1960, tuy nhiên mãi đến năm 2003, khi Dự án Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ đi vào triển khai, công nghệ này mới được nhiều người biết đến và phát triển rộng rãi như ngày nay.

Theo ông Tống Xuân Chinh, công nghệ KSH tại Việt Nam mang lại đa lợi ích, do đó nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân, thể hiện xu hướng rõ rệt về nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tại nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ KSH vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như chưa đáp ứng các yêu cầu về thông số phát thải nếu chỉ áp dụng công nghệ KSH, việc sử dụng khí mê-tan từ công trình không cạnh tranh được với khí ga công nghiệp vì tính tiện lợi. Cùng với đó là hệ thống phát điện KSH còn nhiều bất cập như chi phí cao, hiệu quả kinh tế không hấp dẫn nhà đầu tư, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ sẽ không có động lực trong việc xây dựng hệ thống công trình KSH để xử lý chất thải chăn nuôi.

Cần chính sách phá rào cản phát triển khí sinh học

Trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là 1 trong 5 đề án ưu tiên, theo đó, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, trong đó có việc vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Tuy được ưu tiên nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng chuyển đổi năng lượng xanh vẫn là một bài toán khó. Kết quả tính toán trong dự án "Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam" (BEM) cho thấy, sau khi trang trại đầu tư máy phát điện biogas, trang trại đã giảm được 46% lượng điện lưới sử dụng, song, rất nhiều trang trại chăn nuôi vẫn chưa đầu tư máy phát điện biogas mặc dù công nghệ này đã được giới thiệu và thương mại hóa ở nước ta nhiều năm nay. Việc sử dụng công nghệ KSH xử lý chất thải chăn nuôi đã mang đến lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi như phát triển kinh tế, thay đổi môi trường, giải phóng sức lao động phụ nữ từ việc sử dụng năng lượng sạch để đun nấu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng công nghệ này vẫn chưa phổ biến bởi nhiều yếu tố tác động khác nhau.

Cùng với vấn đề xuất phát điểm của ngành chăn nuôi nước ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực và những bất cập trong tổ chức triển khai các chính sách, chiến lược phát triển chăn nuôi thời gian qua mà việc khuyến khích phát triển công nghệ KSH còn gặp phải một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến phát triển thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Hạn chế xuất phát từ chính các hộ chăn nuôi, nhưng cũng có những nguyên nhân tác động từ bên ngoài (từ cơ chế, chính sách của Chính phủ...) ảnh hưởng tới việc áp dụng công nghệ KSH.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đã gây ra những khó khăn nhất định cho người chăn nuôi vì khu chăn nuôi chủ yếu nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường do không có đủ diện tích để đầu tư áp dụng công nghệ xử lý môi trường; Nhận thức của hộ chăn nuôi còn chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu ý thức tự giác bảo vệ môi trường; Dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là những dịch bệnh mới như tả lợn châu Phi, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đang tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi...

Chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức, do đó, cần xây dựng các chính sách cụ thể và trực tiếp hỗ trợ để khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng công nghệ KSH để xử lý chất thải chăn nuôi thông qua các biện pháp hỗ trợ chi phí đầu tư công trình KSH; Tiếp tục duy trì, thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế đối với hoạt động trong các lĩnh vực của ngành chăn nuôi nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi hiện đại, toàn diện, đồng bộ; Hỗ trợ nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi cho các quy mô khác nhau để đáp ứng nhu cầu sử dụng khí, tránh tình trạng quá tải và đáp ứng các yêu cầu về môi trường; Khuyến khích các công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ phát triển thị trường cung cấp công nghệ, dịch vụ liên quan đến việc xây dựng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cũng như các thiết bị sử dụng KSH...

Bạn đang đọc bài viết Quản lý chất thải trong ngành chăn nuôi: Chuyển đổi năng lượng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.