Thứ bảy, 27/04/2024 22:42 (GMT+7)

Quảng Ngãi: Cảnh nhếch nhác ven sông Trà (Bài 2)

Thiên Bút – Anh Kiệt -  Chủ nhật, 28/08/2022 18:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng trăm hộ dân đang sinh sống ven sông Trà Khúc đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Không những đường đi, nơi ở nhếch nhác, đời sống của cả khu dân cư với hàng trăm hộ dân cùng nhiều ngôi nhà “ổ chuột” ven sông Trà, phường Lê Hồng Phong, Tp. Quảng Ngãi, cũng khá vất vả.

Được biết, từ năm 1997 đến nay, khu vực tổ 14 nằm ven sông thuộc vùng quy hoạch thực hiện nhiều dự án như: Đê bao Tp. Quảng Ngãi, đường kè sông Trà Khúc, đường Hai Bà Trưng… Có dự án đã thực hiện, cái chưa, diện tích đất nông nghiệp của bà con đã bị thu hồi gần hết, mà tái định cư thì vẫn dở dang.

Riêng dự án điểm “Khu Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi” bị treo hơn 15 năm qua đã làm cho hàng chục ha đất nơi đây bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và biến thành nơi vứt rác thải bừa bãi, nguy cơ gây ô nghiễm môi trường nghiêm trọng.  

Hiện nay, hàng trăm hộ dân ở khu vực bị quy hoạch treo này nên không được xem xét cấp giấy tờ pháp lý về đất. Phần lớn người dân không còn đất sản xuất, nhiều người phải bỏ đi nơi khác kiếm sống. Đa số nhà ở tại đây cũng đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí đổ sập, vì quá lâu không được sửa chữa.

tm-img-alt
Đất bỏ hoang, cỏ mọc tại dự án Khu Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi.
tm-img-alt
Khu nhà ổ chuột ven sông Trà Khúc.

Nhiều hộ dân bức xúc: “Do quy hoạch treo nên hàng chục năm qua bà con không được sửa chữa lại nhà. Có gia đình con cái đã lớn, lập gia đình nhưng đành sống chung trong ngôi nhà lụp xụp, nhếch nhác. Cả khu dân cư với hàng chục hộ đang sống trong những căn nhà ổ chuột, có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường. Nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ cần gió thổi qua là muốn đổ. Giờ mùa mưa, bão sắp tới rồi, không biết chúng tôi có trụ nổi không…”.

Ông Nguyễn Văn Tấn, một hộ dân ngụ tại đây, than thở: “Chúng tôi là dân của một trong 4 phường đầu tiên được thành lập, nhưng đến bây giờ sống ở khu nhếch nhác như ổ chuột như thế này đây. Đường đất chật hẹp, lầy lội. Dây diện chằng chịt trên đầu… Các dự án xung quanh đã biến vùng này trở thành nơi trũng thấp, ẩm ướt và thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Cuộc sống của người dân đã vất vả, nay càng khốn khó hơn. Bà con đã nhiều lần tiếp xúc cử tri, làm đơn kiến nghị gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi và chính quyền các cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết…”.

tm-img-alt
Đường sá nhếch nhác ở trong khu dân cư có dự án treo lâu năm.
tm-img-alt
Nhà dân hư hỏng, xuống cấp trong vùng dự án treo ở phường Lê Hồng Phong, Tp. Quảng Ngãi.

Theo UBND phường Lê Hồng Phong, để tái định cư cho người dân tổ 14, vào năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đầu tư dự án Khu đô thị mới phục vụ tái định cư Khu II Đê bao, Tp. Quảng Ngãi. Dự án được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 273 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi trên 15 ha; gồm 560 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng. Hiện nay, có một số hộ đã được bố trí tái định cư và còn khoảng hơn 200 hộ thuộc giai đoạn 2 của dự án phải tiếp tục chờ, nhưng chờ lâu quá nên bà con bức xúc.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong Phạm Viết Ất cho biết: “Phản ánh của người dân trong phường là chính xác. Quan điểm của chính quyền địa phương là tỉnh cần bố trí kinh phí, xây dựng hoàn thành sớm Khu II Đê bao giai đoạn 2 để tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân, vì bà con đã chịu cảnh quy hoạch “treo” quá lâu”.

tm-img-alt
Những ngôi nhà ổ chuột ven sông ở tổ 14, phường Lê Hồng Phong, Tp. Quảng Ngãi.
tm-img-alt
Rác vứt bừa bãi trong KDC quy hoạch treo, phường Lê Hồng Phong, Tp. Quảng Ngãi.

“Nếu tỉnh không thực hiện phương án I thì có văn bản chỉ đạo Tp. Quảng Ngãi đầu tư kinh phí thực hiện chỉnh trang đô thị, sau đó cấp sổ đỏ cho người dân để có cơ sở đầu tư phát triển nhà ở và làm ăn lâu dài. Mới đây, có khoảng 60 hộ dân trong số 262 hộ chưa được giải quyết ở tổ 14, phường Lê Hồng Phong đã gửi đơn đến các cấp, đề nghị Tp. Quảng Ngãi tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để nhân dân ổn định cuộc sống”, ông Ất cho hay.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ngãi: Cảnh nhếch nhác ven sông Trà (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề