Quảng Ninh: Tăng lợi thế tại các khu kinh tế, khu công nghiệp
Quảng Ninh đang tập trung nghiên cứu về xu hướng, đối tác đầu tư; giới thiệu về môi trường, chính sách, hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư để gia tăng lợi thế tại các KKT, KCN.
“Đại bàng” đổ bộ
Cuối tháng 3 vừa qua, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đã tổ chức lễ khởi công dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN DEEPC Quảng Ninh 2, thuộc KKT ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến, dự án sau kho hoàn thành và bàn giao các nhà xưởng đầu tiên vào tháng 3/2024 sẽ cung cấp ra thị trường tổng cộng 69.000 m2 nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn quốc tế cho thuê. Mỗi nhà xưởng sẽ được trang bị khu vực văn phòng với vách cong đặc trưng, các tiện ích cần thiết, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong khu vực nhà máy, khoang chứa hàng khô, bãi đậu xe ô tô và xe máy.
Ông Keisuke Koshijima - Giám đốc đại diện kiêm Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Kajima cho biết, nhờ môi trường đầu tư luôn được cải thiện, thể hiện qua việc đứng đầu bảng xếp hạng về Chỉ số PCI trong 5 năm liên tiếp, Quảng Ninh đang là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI. Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023. Vì vậy, phía doanh nghiệp tin rằng dự án Core5 Quảng Ninh sẽ góp phần tích cực trong việc hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đạt được mục tiêu trên.
Không chỉ thu hút các tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đến đầu tư tại địa phương, từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua các buổi làm việc với nhà đầu tư quốc tế như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, không ít nhà đầu tư đã thông tin kế hoạch đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng trăm triệu USD.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 3/2023, BQL KKT tỉnh Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD gồm: Dự án sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong do Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group làm chủ đầu tư với số vốn 55 triệu USD; Dự án sản xuất dây đai an toàn ô tô tại KCN Sông Khoai, thuộc công ty TNHH Samsong Vina với vốn đầu tư trên 10 triệu USD; Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 tại KCN Đông Mai với số vốn đầu tư 15 triệu USD do Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây đều là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, một trong những lĩnh vực nằm trong danh mục ưu tiên thu hút đầu tư tại Quảng Ninh.
Theo đại diện Tập đoàn Yaskawa Electric (Nhật Bản) cho biết, trong kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam, phía tập đoàn đang dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 12ha tại KCN Sông Khoai với tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD. Nhà đầu tư đang phối hợp với Tập đoàn Amata triển khai các thủ tục đăng ký đầu tư, dự kiến xây dựng nhà máy vào tháng 6/2023.
Tăng sức hấp dẫn
Theo các chuyên gia nhận định, Quảng Ninh là động lực tăng trưởng cốt lõi của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với thế mạnh là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Tỉnh Quảng Ninh có nhiều tiềm năng to lớn trong việc phát triển thương mại xuyên biên giới, thương mại đường biển, dịch vụ thương mại và sẽ đóng vai trò trung tâm trung chuyển đa phương thức trọng điểm của khu vực, đáp ứng sự phát triển của ngành chế biến, sản xuất và logistics. Hiện, địa phương này đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao: như Jinko Solar, Boltun, Skoda, Stavian và Foxconn. Điều này cũng kéo theo sự hiện diện của các nhà cung ứng cho những doanh nghiệp này.
Đặc biệt, sức ép cạnh tranh về nguồn nhân lực và môi trường đầu tư ngày càng lớn; sự phát triển nhanh chóng từ các KKT, KCN trong khu vực vùng và xu hướng chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ đã buộc Quảng Ninh phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư.
Để thuyết phục các nhà đầu tư lớn, đồng thời tăng sức hấp dẫn cho các KKT, KCN trên địa bàn, theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban BQL KKT tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Trong đó, tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Cũng theo ông Kiên, Quảng Ninh sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ... Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư…
Được biết, hiện 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư tốt hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Tổng diện tích đất đã GPMB tại các KCN là 2.386,87ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 60,43%. Diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê khoảng 592ha...
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Paul Tonkes - Phó Giám đốc Bất động sản công nghiệp, Indochina Kajima Development cho biết: “Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cho thuê. Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng của Quảng Ninh, DEEP C trong việc thúc đẩy quá trình phát triển dự án với tốc độ cao thực sự là điều mà Core5 và Indochina Kajima mong muốn. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi dự án thứ 2 chúng tôi tiếp tục cộng tác cùng DEEP C tại KCN Bắc Tiên Phong, tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi một lần nữa chứng minh đó là quyết định đúng đắn, bởi chất lượng dịch vụ, thiết kế, sự hỗ trợ và phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng với mục tiêu thúc đẩy dòng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất và logistics”.
Hải Ngân/diendandoanhnghiep.vn