Thứ ba, 19/03/2024 12:28 (GMT+7)

Sử dụng vỉa hè và quyền không gian

MTĐT -  Thứ tư, 19/01/2022 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sử dụng vỉa hè, dù là tạm thời, cũng là một hoạt động sử dụng đất. Các vật thể lắp dựng lên để kinh doanh vỉa hè sẽ làm thay đổi môi trường cảnh quan phố.

Quyền không gian

Quyền bề mặt (có nơi gọi là quyền phát triển, quyền không gian) là những khái niệm đã xuất hiện trong luật pháp của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hàm nghĩa của nó là mỗi đối tượng (con người) được trao cho các quyền và nghĩa vụ đối với hoạt động trên một giới hạn không gian nhất định mà đối tượng đó được trao quyền.

Ví dụ một người khi được trao sổ đỏ một lô đất thì có quyền xây dựng trên lô đất đó trong những giới hạn không gian mà quy hoạch cho phép. Họ cũng được quyền sống, làm các sinh kế trên lô đất đó, trong phạm vi được pháp luật cho phép.

Sử dụng vỉa hè và quyền không gian
Ông Đoàn Ngọc Hải (áo trắng), thời điểm còn là Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), trong một lần xử phạt xe biển xanh 80B đậu trên vỉa hè. Từ năm 2017, ông Hải nổi lên là một lãnh đạo quyết liệt và mạnh tay với "chiến dịch" lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, tạo bộ mặt thông thoáng, văn minh trật tự đô thị. Tuy nhiên, ngày 6.12.2019, ông Hải đã được cho thôi việc theo nguyện vọng cá nhân. Ảnh tư liệu: Người Lao Động

Quyền không gian có quyền trực tiếp và gián tiếp. Một công trình hạ tầng đặc biệt như điểm lấy nước của nhà máy nước chẳng hạn, có yêu cầu phạm vi cách ly xung quanh với những hoạt động không được phép để đảm bảo giữ sạch nguồn nước. Đó là quyền gián tiếp nằm ngoài phạm vi không gian của nhà máy nước.

Quyền không gian có thứ bậc ưu tiên. Những không gian phục vụ lợi ích của nhiều người hơn thì được ưu tiên nhiều hơn các không gian dành cho tập thể nhỏ hoặc cá thể. Quyền không gian gián tiếp của các thứ bậc ưu tiên cao sẽ phủ bóng lên quyền của các thứ bậc thấp hơn. Ví dụ để đảm bảo mỹ quan tuyến phố, người ta quy định khoảng lùi, tầng cao, chiều cao ban công, khoảng hở công trình, và rất nhiều thể thức khác như bậc tam cấp, mái hiên mái vẩy, cây trong công trình… đối với mọi lô đất trên tuyến phố. Có nghĩa là quyền không gian (gián tiếp) của các cá thể phải chịu nhường bước trước quyền không gian công cộng.

Song cũng có trường hợp quyền công cộng được trao cho, hoặc chuyển nhượng cho khối tư nhân một cách có điều kiện. Đó là trong trường hợp người ta cần khuyến khích một số hoạt động tư nhân nhằm tạo sức sống cho thành phố. Ví dụ khuyến khích tăng chiều cao xây dựng ở một vài góc phố nhằm tạo điểm nhấn cảnh quan phố.

Áp dụng quyền không gian trong chính sách sử dụng vỉa hè

Vỉa hè là không gian công cộng, tức là nó là không gian phục vụ cho lợi ích công cộng. Nó dành mọi người, không phân biệt đối tượng đó là ai. Nó dùng để đi lại (chủ yếu là đi bộ), dừng đỗ, gặp gỡ công cộng, cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị, khoảng không cho ánh sáng và gió, cung cấp mặt tiền kinh doanh cho các công trình xung quanh.

Các mục đích công cộng đó có thể được phân thứ bậc ưu tiên, trong đó thứ bậc quan trọng nhất là dành cho chuyển động đi bộ, thứ bậc ưu tiên sau cùng có lẽ là phục vụ kinh doanh bán lẻ. Tuy nhiên chính mục đích sử dụng này tạo nên nguồn thu cho đô thị, còn các lợi ích công cộng khác có thể xem là phi lợi nhuận. Như vậy “quyền không gian” vỉa hè thuộc về toàn dân.

Trường hợp sử dụng vỉa hè để các cửa hàng kinh doanh mặt phố mở rộng hoạt động cũng là điều thường thấy ở mọi nước trên thế giới. Thường khi các chính quyền thành phố xác định một số tuyến phố cần khuyến khích hoạt động bán lẻ, họ cho phép các cửa hàng trên phố mở rộng không gian kinh doanh ra phần vỉa hè liền kề mặt cửa hàng, với những điều kiện nhất định.

Sử dụng vỉa hè và quyền không gian
Vỉa hè bị lấn chiếm nhưng việc xử lý chỉ như bắt cóc bỏ dĩa. Trong ảnh: Tổ công tác lập biên bản đối với quán lấn chiếm vỉa hè gây cản trở giao thông ở TP.HCM. Nguồn ảnh tư liệu báo Dân Trí

Hiểu từ góc độ quyền không gian, có thể giải thích điều này là: chính quyền thành phố (đại diện của nhân dân) cho thuê một phần quyền công cộng trên vỉa hè, trao cho tư nhân (các cửa hàng mặt phố) với các điều kiện nhất định. Với bản chất là một giao dịch, nó luôn phải đi kèm một bản hợp đồng với đủ các điều kiện.

Trong đó chính quyền luôn lưu ý:

Đoạn vỉa hè được cho thuê đủ rộng để đáp ứng tất cả các quyền công cộng cơ bản như đã nêu trên, song vẫn còn dư thừa diện tích để cho thuê làm chỗ mở rộng kinh doanh cửa hàng mặt phố.

Đoạn vỉa hè nằm trong ưu tiên phát triển không gian bán lẻ của thành phố.

Quyền được thuê vỉa hè chỉ trao cho đối tượng là cửa hàng kinh doanh đã đăng ký môn bài và đang hoạt động, có mặt tiền trên vỉa hè đó, và chỉ giao cho phần không gian trực tiếp trước mặt cửa hàng. Thường thì đây là khoảng vỉa hè rộng chừng 2m liền kề mặt cửa hàng, để họ có thể kê thêm bàn ghế cho khách ngoài trời. Không gian trực tiếp tiếp xúc mặt tiền này không cản trở hay xung đột các quyền mặc nhiên của các đối tượng khác, ví dụ lối đi vào nhà trong ngõ, điểm chờ xe buýt…

Hoạt động tại không gian cho thuê được chỉ định trong khuôn khổ quy định thành phố. Đó chỉ là một số hoạt động nhất định chứ không phải tùy ý người thuê muốn làm gì thì làm. Ví dụ họ chỉ được kê bàn ghế cho khách ngồi ăn uống, không được tạo vật cản tầm nhìn cao trên 1,2m, không được tạo mái che… Những quy định này tùy nơi cụ thể mà người ta đặt ra. Thậm chí người ta còn yêu cầu bàn ghế, vật dụng để trên phần được thuê phải theo các khuôn mẫu nhất định, đảm bảo vệ sinh, tiếng ồn, an toàn cháy nổ… và nhiều quy định khác.

Về tài chính, phí thu cần được tính toán như một loại phí sử dụng đất. Phí thu cần được nhân dân chấp nhận, tức là ở Việt Nam thì phải được thông qua bởi nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Phí thu phải được đưa về một quỹ công khai. Và quỹ đó phải chi tiêu trực tiếp vào chỉnh trang không gian công cộng của cùng địa bàn.

Sử dụng vỉa hè và quyền không gian
Hàng loạt tuyến đường, vỉa hè ở Hà Nội tái diễn tình trạng lấn chiếm gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh tư liệu: PV/Giadinh.net.vn

Về chính sách thí điểm cho thuê vỉa hè tại Hà Nội hiện nay

Hà Nội hiện đang xét đến việc cho thuê không gian vỉa hè cho hoạt động bán lẻ. Gần đây, Công văn 2004/UBND-VP ngày 31.12.2021 của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm về việc “Thông tin sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh phục vụ du lịch” đã thông báo một số nét của chính sách này bao gồm:

Nằm trong đề án “Thí điểm sử dụng tạm thời một phần vỉa hè của một số tuyến phố có vỉa hè có mặt cắt hè rộng 5-7,5m cho phép kinh doanh nhằm phục vụ phát triển du lịch”. Đề án này đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện nội dung.

Dự định cho 03 công ty (bất động sản) thí điểm thuê sử dụng vỉa hè để kinh doanh dịch vụ bán lẻ. Vị trí cho thuê là có giới hạn, đảm bảo không cản trở đi bộ và đảm bảo cảnh quan phố. Loại hình kinh doanh được kiểm soát để đảm bảo mỹ quan, trật tự và môi trường.

Nếu đối chiếu theo những nguyên tắc về quyền không gian nêu trên để đánh giá tác động của đề xuất này, sẽ có một số điểm cần lưu ý như sau:

Là ki-ốt hay là thềm hiên?

Có hai kiểu cho thuê vỉa hè nhằm phát triển hoạt động bán lẻ. Kiểu thứ nhất có nguyên tắc căn bản là cho thuê vỉa hè để mở rộng không gian kinh doanh bán lẻ của các cửa hàng hiện hữu, nhằm khuyến khích hoạt động bán lẻ trên một số tuyến phố có đủ điều kiện làm việc đó tại một số giờ nhất định trong ngày. Khi đó không gian được cho thuê thường là hiên trước các cửa hàng. Kiểu cho thuê này dựa trên nền tảng có sẵn của tuyến phố bán lẻ, điều thường thấy ở các thành phố phương Tây.

Nó hoàn toàn khác với kiểu thứ hai: cho thuê không gian kinh doanh dạng đảo trên vỉa hè, thường được gọi là ki-ốt bán lẻ. Khi đó, những nhà bán lẻ bên ngoài được phép “nhảy dù” vào vỉa hè để kinh doanh mặt hàng của riêng họ, cũng trong những giới hạn nhất định về thời gian và hình thức, song các ki-ốt bán lẻ không nhất thiết phải liên quan gì với truyền thống bán lẻ hiện có trên phố đó.

Trường hợp chuỗi ki-ốt cũng đã có ở Hà Nội như ở tuyến phố đi bộ cuối tuần Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân, hoặc chuỗi ki-ốt trong các kỳ cuộc tổ chức quanh quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ. Khác biệt của kiểu cho thuê này là các ki-ốt sẽ đứng như các đảo trên không gian vỉa hè chứ không bám rễ vào các cửa hàng hiện có. Sự xung đột về quyền không gian dễ xảy ra, nên thường kiểu cho thuê ki-ốt (dù có mái che hay không) chỉ phù hợp với các tuyến phố đi bộ hoặc các vỉa hề cực rộng (8m trở lên) để đảm bảo khoảng cách giữa chuỗi ki-ốt với các nhà mặt tiền hiện hữu đủ để họ không phải xung đột khắc nghiệt với nhau. Loại vỉa hè 5-7,5m chắc chắn là không đủ để xen cấy chuỗi ki-ốt.

Nay, nếu như có ba công ty nào đó đột nhiên có quyền tài phán với không gian vỉa hè của các đoạn phố vốn đã có nhiều cửa hàng bán lẻ lâu đời, thì đây là thuộc thể loại thứ 2: cho thuê chuỗi ki-ốt, là kiểu mà bất công và xung đột lợi ích có thể xảy ra theo cách khó lường.

Sử dụng vỉa hè và quyền không gian
Ảnh trái: Cho thuê vỉa hè sát cửa hàng ở New York – Mỹ (Ảnh: The New York Times); Phải: Cho thuê dựng kios ở thành phố Catania – Ý (Ảnh: wikipedia).

Có cần sự tham gia của cộng đồng?

Sử dụng vỉa hè, dù là tạm thời, cũng là một hoạt động sử dụng đất. Các vật thể lắp dựng lên để kinh doanh vỉa hè sẽ làm thay đổi môi trường cảnh quan phố. Việc hoạch định các chức năng như điểm kinh doanh, đi bộ, dừng đỗ, tiện ích công cộng, cây xanh cảnh quan… trên không gian vỉa hè hữu hạn phải được trù tính trước và phải được đồng thuận bởi cộng đồng liên quan. Do đó không thể thay đổi cảnh quan một tuyến phố bằng hành động đơn phương từ phía chính quyền hoặc một số nhà đầu tư, mà cần thông qua quy trình thiết kế đô thị có sự tham gia của cộng đồng.

Các điều kiện để thay đổi hiện trạng vỉa hè nhằm khuyến khích hoạt động bán lẻ cần được thể hiện trong một đồ án thiết kế đô thị thường bao gồm:

+ Chứng minh sự cần thiết: đó là đoạn phố có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển không gian thương mại dịch vụ hoặc du lịch của thành phố.

+ Chứng minh khả năng đáp ứng: không gian vỉa hè hiện có đủ để phục vụ các chức năng cơ bản, song vẫn còn dư thừa để có thể cho thuê một phần.

+ Chứng minh khả năng hoạt động bền vững: thiết kế đô thị để hình dung trước các tác động nhằm xác định chính xác, hợp lý không gian có thể cho thuê, hình thức lắp dựng có thể chấp nhận.

+ Chứng minh cơ chế hoạt động công bằng: cơ chế thu phí, giữ quỹ và tái đầu tư từ quỹ vào việc tăng giá trị công cộng, tạo lợi ích cho cộng đồng liên quan.

Cộng đồng dân cư, dựa trên quyền hợp pháp của mình về sử dụng không gian công cộng sẽ đưa ra ý kiến chung về việc có đồng ý với đề xuất của chính quyền hay không. Trên cơ sở dành được đa số đồng thuận, đồ án được phê duyệt, làm nền tảng cho triển khai các hoạt động tiếp theo.

Sử dụng vỉa hè và quyền không gian

Một cách tổng quát, chính sách cho thuê vỉa hè là kiểu chính sách khá phổ thông, đã được áp dụng và thành công ở nhiều nước, song nó là tiến bộ chỉ khi được sử dụng một cách chặt chẽ, khoa học và công khai minh bạch. Các đề xuất hiện nay tại quận Hoàn Kiếm cần làm rõ thêm nhiều điểm để đảm bảo những điều kiện bền vững.

THS-KTS Nguyễn Xuân Anh
Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng vỉa hè và quyền không gian. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục

Không để phát sinh, hình thành “điểm nóng” về TTATXH
Năm 2024, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Bình tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng đến công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, không để phát sinh, hình thành “điểm nóng”, phức tạp về TTATXH ở cơ sở.

Tin mới