Thứ sáu, 26/04/2024 09:34 (GMT+7)

Trung tâm Y tế Văn Giang: Vi phạm công tác phòng chống dịch và quản lý chất thải y tế lây nhiễm

Lan - Thủy -  Thứ hai, 21/03/2022 17:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải y tế lây nhiễm được tập kết, vứt bỏ ngay trên mặt sàn sân, lẫn trong xe tập kết rác thải sinh hoạt để trong, ngoài khuôn viên TTYT huyện Văn Giang, không nắp đậy kín, không mái che chắn..., nhưng không được ai kiểm tra chấn chỉnh, xử lý.

tm-img-alt
Nhiều rác thải y tế của TTYT huyện Văn Giang được tập kết cùng rác thải sinh hoạt ngay trước Trung tâm.

Quá trình thực hiện tuyến bài viết về công tác đảm bảo môi trường khi thu gom, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã chứng kiến những vi phạm trong công tác quản lý chất thải y tế tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, ngày 3/3/2022, trong quá trình thực tế, PV đã ghi nhận hình ảnh: Bên ngoài tại lối đi riêng để vào khu tập kết rác thải y tế (điểm ngay sát khu dân cư) của TTYT huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có nhiều xe đẩy thu gom rác sinh hoạt đang được tập kết thông thiên, không mái che chắn và cũng không được đậy kín...

Điều làm PV bất ngờ là trong những xe rác thải sinh hoạt này lại được bỏ lẫn nhiều túi bóng màu vàng, đựng chất thải y tế lây nhiễm như: quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn... đã qua sử dụng. Một số túi bóng màu xanh theo quy định để đựng chất thải y tế thông thường, cũng lại được dùng để chứa bơm kim tiêm, bông băng dính máu, găng tay, vỏ thuốc...đã qua sử dụng đều được tập kết chờ xe ô tô thu gom rác thải sinh hoạt đến mang đi xử lý. Đặc biệt, những rác này có nguy cơ bị xử lý theo quy trình của rác thải sinh hoạt thông thường.

tm-img-alt
Chất thải y tế lây nhiễm như: bơm kim tiêm, bông băng dính máu... được bỏ vào túi bóng màu xanh để lẫn trong xe rác thải sinh hoạt tập kết ngay bên hông của TTYT Văn Giang.

Bên cạnh đó, còn có những túi rác thải y tế lây nhiễm màu vàng bị để ngay xuống mặt đất, rồi cả găng tay, khẩu trang cũng bị vứt xuống mặt đường...

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, nếu số rác thải y tế này được đưa ra môi trường và xử lý theo đường rác thải sinh hoạt, sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng công tác phòng chống dịch bệnh Covid, cũng như luật bảo vệ môi trường, PV đã liên hệ để cung cấp hình ảnh và tiếp nhận thông tin trực tiếp từ Giám đốc TTYT huyện Văn Giang.

tm-img-alt
Những túi bóng đựng đầy chất thải y tế lây nhiễm màu vàng được để lẫn trên các xe rác thải sinh hoạt

Tại buổi làm việc ngày 4/3/2020, khi nghe PV cung cấp thông tin, hình ảnh về những tồn tại trên và quy trình phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật thì ông Vũ Trường Sơn – Giám đốc TTYT huyện Văn Giang Cho biết: “Quy trình thì đúng là như thế. Nhưng mà lực lượng bây giờ thì mỏng lắm”.

Khi PV chia sẻ thêm về những hiểm họa từ việc phân loại, thu gom lưu trữ và xử lý chất thải không đúng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính cán bộ nhân viên y tế tại Trung tâm và người nhà, người bệnh điều trị tại đây. Đặc biệt, nó có thể phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường, và lây nhiễm trực tiếp cho người thu gom (cán bộ y tế, công nhân vệ sinh môi trường)... và cộng đồng.

Ông Sơn liền cho rằng: “Có thể là có những sơ xuất đấy. Không tránh khỏi được”.

"Trước đây Trung tâm đã từng bị xử phạt nhiều. Vì hệ thống xử lý nước thải không có..." Ông Sơn cho biết thêm.

Cuối buổi trao đổi, vị Giám đốc TTYT huyện Văn Giang kết luận lại rằng: Trung tâm sẽ tiếp thu để làm tốt hơn. Về mặt tồn tại, sẽ cho kiểm tra, xử lý vi phạm và gửi kết quả đến PV.

tm-img-alt
Đại diện PV Môi trường và Đô thị Việt Nam làm việc với lãnh đạo TTYT huyện Văn Giang

Sau đó, ông Sơn cử Bà Đỗ Thị Yến – cán bộ Phòng Hành chính, đưa PV đi thực tế, ghi nhận một số hình ảnh về quy trình phân loại, thu gom rác thải y tế tại đây.

Trái lại với câu nói của ông Sơn – Giám đốc TTYT huyện Văn Giang “Có thể là có những sơ suất đấy”, PV đã thực sự “sốc” khi trực tiếp ghi nhận quy trình thu gom, vận chuyển và tập kết rác thải y tế nơi đây.

Đó là hình ảnh những túi đựng rác thải y tế lây nhiễm màu vàng không được buộc kín, không biểu tượng cảnh báo; dây truyền dịch dính máu đã qua sử dụng được vứt chỏng chơ ra giữa đường đi lối lại mà không được ai kiểm tra xử lý.

tm-img-alt
tm-img-alt
Dây truyền dịch dính máu, rác y tế lây nhiễm đã qua sử dụng bị vứt chỏng chơ ngay trong khuôn viên TTYT huyện Văn Giang

Nghiêm trọng hơn, trong khu cách ly và điều trị bệnh nhân F0, cán bộ thu gom các túi rác với đủ các loại màu sắc trắng, xanh, vàng được để lẫn lộn, buộc qua loa, hở đầu và vứt chỏng chơ trên nền đất ngay lối đi chung sang nhà E mới xây của Trung tâm.

tm-img-alt
Rác thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 không được xử lý đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và chính cán bộ công nhân viên, cùng người bệnh tại Trung tâm y tế huyện Văn Giang

Trong các xe đẩy tập kết rác thải sinh hoạt thì rác thải y tế lây nhiễm (găng tay, khẩu trang, bơm kim tiêm... đã qua sử dụng) được để lẫn rác thải sinh hoạt không nắp đậy kín, để lộ thiên ngay trong khuân viên Trung tâm.

tm-img-alt
 Rác thải y tế lây nhiễm ngang nhiên để lẫn trong xe tập kết rác thải sinh hoạt, nằm chềnh ềnh ngay giữ sân TTYT huyện Văn Giang, không hề che chắn hay đậy nắp, nhưng không được ai kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, rác thải, nước thải từ buồng bệnh được trực tiếp xả và chảy tràn ra cống rãnh ngay đó, gây ứ đọng bốc mùi hôi thối, nhưng không được kiểm tra khắc phục sửa chữa.

tm-img-alt
Nước thải tại TTYT huyện Văn Giang chảy tràn ra các cống rãnh lộ thiên lẫn vô số rác thải gây hôi thối, nhếch nhác.

Đặc biệt, dù TTYT huyện Văn Giang đã có nhà lưu rác được lợp mái che chắn cẩn thật, nhưng không hiểu sao rác thải y tế lây nhiễm, rác thải nguy hại không lây nhiễm và rác thải sinh hoạt... lại được tập kết và để ngoài trời, không mái che chắn và không được đậy kín.

Các thùng màu xanh theo quy định là để lưu chứa rác thải sinh hoạt và phải được phân tách, lưu giữ và xử lý theo quy trình riêng. Thế nhưng, Trung tâm này lại sử dụng thùng màu xanh, để lưu giữ cả chất thải sinh hoạt lẫn chất thải y tế lây nhiễm và tập kết lẫn cùng thùng màu vàng chứa chất thải y tế nguy hại, lây nhiễm như: quần áo bảo hộ, găng tay, kính chắn giọt bắn, bơm kim tiêm... đã qua sử dụng, đều được tống tất vào đó.

tm-img-alt
Dù có nhà lưu trữ, nhưng các loại chất thải y tế lây nhiễm và có yếu tố Covid lại được TTYT huyện Văn Giang để lẫn lộn nhau và tràn lan bên ngoài mà không cần biển cảnh báo hay che chắn...

Bóng đèn huỳnh quang thải bỏ, cũng bị vứt đống ngay dưới mặt đất mà không cần thùng đựng hay nơi bảo quản.

tm-img-alt
Chất thải nguy hại không lây nhiễm là bóng đèn huỳnh quang bị vứt bừa bãi.

Mặt khác, khuôn viên nhà E, 5 tầng đang trong quá trình thi công dở dang, bên ngoài còn nhếch nhác, chưa hoàn thiện hẳn, nhưng TTYT huyện Văn Giang đã đưa vào sử dụng. Khi PV thắc mắc vì sao chưa được cơ quan chuyên môn nghiệm thu mà đã đưa vào sử dụng, thì bà Yến nói rằng: Chưa được nghiệm thu nhưng đưa vào sử dụng vì không có phòng.

tm-img-alt
Theo bà Đỗ Thị Yến – cán bộ Phòng Hành chính thì tòa nhà 5 tầng này chưa được nghiệm thu, nhưng đã đưa vào sử dụng, tiềm ẩm nguy cơ mất an toàn cho cán bộ nhân viên y tế và người nhà, người bệnh.

Nhận thấy còn quá nhiều tồn tại trong công tác phân loại, thu gom, lưu giữ rác thải y tế tại TTYT huyện Văn Giang, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn cho chính cán bộ y tế và người người nhà, người bệnh, lẫn môi trường chung của xã hội, PV đã không chút do dự, bấm điện thoại gọi luôn cho ông Vũ Trường Sơn – Giám đốc TTYT huyện Văn Giang, mong muốn vị Giám đốc này sẽ xuống thị sát, nắm tình hình và ghi nhận những tồn tại, để có những chỉ đạo khắc phục kịp thời.

Trái với mong đợi, khi nghe PV trao đổi qua điện thoại, ông Sơn nói rằng: “Anh biết rồi, anh sẽ chỉ đạo...”, rồi tắt máy.

Cũng từ đó trở đi, đến nay đã gần 20 ngày trôi qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào từ TTYT huyện Văn Giang, phản hồi về sự vào cuộc để kiểm tra, xử lý, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý chất thải y tế tại Trung tâm.

Qua thực tế ghi nhận hiện trường của PV và những câu trả lời từ ông Vũ Trường Sơn – Giám đốc TTYT huyện Văn Giang, có thể thấy rõ: người đứng đầu đơn vị này đều biết và nắm được những tồn tại trong công tác quản lý rác thải y tế tại Trung tâm mình. Thế nhưng không hiểu sao, với cương vị và trách nhiệm người đứng đầu, ông Sơn lại không chỉ đạo để khắc phục, mà vẫn để cho vi phạm ngang nhiên tồn tại?

Phải chăng đây là thái độ thờ ơ, coi thường chỉ đạo của ngành Y tế và cố tình làm trái quy định của pháp luật từ chính ông Vũ Trường Sơn?

Báo chí và người dân không khỏi bức xúc và đặt dấu "?" về vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Sở Ngành tỉnh Hưng Yên; huyện Văn Giang và Trung Tâm y tế Văn Giang ở đâu, khi để hàng loạt những sai phạm về quản lý chất thải y tế ngang nhiên tồn tại, ngay trong lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội? Trách nhiệm thuộc về ai?

Những câu hỏi này xin được gửi đến quý Sở Y tế và các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về kết quả của sự việc!

Những tồn tại của TTYT huyện Văn Giang đang đi ngược với những quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ y tế quy định về việc quản lý, phân định, phân loại, thu gom, lưu trữ,  giảm thiểu, tái chế chất thải y tế nguy hại và thông thường;  Thông tư 36/2015/TT- BTNMT về việc quản lý chất thải nguy hại.

Đặc biệt, Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ban hành về việc “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”, chỉ đạo rõ: “Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải có màu vàng, bên ngoài thùng có biểu tượng cảnh báo chất gây bệnh, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2 .

Thu gom thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ nơi lưu giữ tạm thời về khu lưu giữ tập trung trong khuôn viên của cơ sở y tế ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi cần; Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài”.

Trong khi đó, “Điều 6. Phân loại chất thải y tế” tạiThông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định nguyên tắc phân loại chất thải y tế:

  1. a) Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;
  2. b) Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa;
  3. c) Khi chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác hoặc ngược lại thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm.

Tại phụ lục số 03, yêu cầu kỹ thuật khu lưu giữ chất thải tại cơ sở y tế (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) quy định:

  1. Có mái che cho khu vực lưu giữ; nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, không bị chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn.
  2. Có phân chia các ô hoặc có dụng cụ, thiết bị lưu giữ riêng cho từng loại chất thải hoặc nhóm chất thải có cùng tính chất; từng ô, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trong khu vực lưu giữ phải có biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải y tế nguy hại được lưu giữ theo Phụ lục số 02 của Thông tư này với kích thước phù hợp, dễ nhận biết;
  3. Có vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, đổ tràn chất thải y tế nguy hại ở dạng lỏng.
  4. Có thiết bị phòng cháy chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy.
  5. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.
Bạn đang đọc bài viết Trung tâm Y tế Văn Giang: Vi phạm công tác phòng chống dịch và quản lý chất thải y tế lây nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.