Thứ hai, 06/05/2024 00:58 (GMT+7)

Thăm làng “nói phét” truyền thống ở Bắc Giang

Trần Ngọc Sơn -  Thứ ba, 22/03/2022 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sắp đến ngày cá tháng tư (ngày nói dối 01/4/2022 ), chúng tôi hẹn tìm về Làng “nói phét” ( thôn Dương Sơn, xã Liên Sơn, huyện Tân yên, tỉnh Bắc Giang ) để tìm hiểu nét văn hóa “nói phét” truyền thống ở đây từ thời phong kiến trước năm 1945 đến nay.

Sắp đến ngày cá tháng tư (ngày nói dối 01/4/2022 ), tôi cùng chị Lê Thị Kim Oanh, cán bộ văn hóa xã có mặt tại thôn Dương Sơn, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang (xưa có tên là Làng Dương Sơn, Tổng Mục Sơn, xã Cương Lập, huyện Yên Thế ,tỉnh Bắc Giang). 

Thôn Dương Sơn nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 18 km và trung tâm thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên khoảng 03 km về phía Tây Bắc.

Để mục sở thị tìm hiểu nét văn hóa “ nói phét” truyền thống ở đây từ thời phong kiến trước năm 1945 đến nay. Lắng nghe những câu chuyện nói phét nửa đùa, nửa thật, đậm chất thơ ca, một thời nổi danh xứ Bắc của các bậc tiền bối, lão làng.     

tm-img-alt
Trụ sở điếm Dương Sơn Hội Quán thường là nơi trao đổi, giao lưu của những người yêu thích môn nghệ thuật nói phét của bà con. Ảnh: Tác giả sưu tầm.
tm-img-alt
Cụ Vũ Văn Lập, 84 tuổi (người thứ 3 từ trái sang phải), bậc cao nhân có khiếu nói phét đậm chất thơ ca, kể chuyện tại sân điếm thôn Dương Sơn cùng tác giả bài viết (người thứ 5 từ trái sang phải) và mọi người yêu thích tìm hiểu môn nghệ thuật “nói phét truyền thống”. Ảnh: Trần Ngọc Sơn.

Ông Nguyễn Thế Trường, sinh năm 1962, Trưởng thôn Dương Sơn chia sẻ: “Làng Dương Sơn xưa, bậc thầy nói phét phải kể đến cụ cả Tam, cụ mất khoảng trước năm 1975. Nhà cụ nghèo lắm, hai cụ không có con nên nhận mụ con gái về nuôi đặt tên là Liên. Sau này lấy chồng về dưới làng Giã, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), nghe đâu, bà ấy vẫn còn sống, nay khoảng 85 tuổi. Cụ Tam là bậc tiền bối gây dựng nên văn hóa “nói phét truyền thống” ở làng Dương Sơn từ thời phong kiến trước năm 1945,  nay vẫn còn câu ca:

“Hòa làng nói phét có ca

Dương Sơn nói phét bằng ba Hòa Làng”.

Chả là, thôn Hòa Làng, xã Phúc Hòa có tài nói khoác nằm giáp với thôn Dương Sơn, xã Liên Sơn cách nhau một quả đồi. Hai làng nằm trong số 14 làng cười nổi tiếng miền Bắc”. 

Ông Trường giới thiệu về ngôi điếm làng Dương Sơn, có từ thời phong kiến trước năm 1945, tên điếm là: Dương Sơn Hội Quán, thờ hai vị thần Cao Sơn và Quý Minh.

Trải qua hàng thế kỷ, điếm bị xuống cấp hư hỏng. Sau nhiều lần tu sửa, đầu năm 2021, có 315 hộ gia đình trong thôn đã tự nguyện đóng góp, xây lại điếm mới trên nền cũ và khánh tháng 12 năm 2021.

Thời trước, cụ cả Tam thường ra điếm nói phét cho dân làng nghe. Cụ Tam sáng tạo nói phét bắt nguồn từ cuộc sống thực tế hàng ngày, trong lao động và sản xuất. Hàm ý nói phét vui, không làm hại đến ai, người nghe chỉ có cười nghiêng, cười ngả, vất vả xua tan, không chỉ sướng cái lỗ tai mà còn đầy thán phục…

Nghe nhiều thấy hay, thấy thấm, học lỏm truyền tai, sáng tạo câu từ, dần dần nói phét thành truyền thống.

Như cụ Lập thôn này nói, một ngày mà tôi không bật ra vài chuyện nói phét gây cười là cảm giác thấy nó ngứa ran, điên hết cả người. Chuyện đang rôm,  thì có một cụ ông bước vào cúi đầu, cất tiếng chào hài hước: “Chào các cụ ạ!” 

“Úi trời, thiêng quá! vừa nhắc đến tên cụ xong, nay mai cụ Lập mà mất, đốt hương muỗi có khi cũng lại về quấy quả”. Ông Trường nói vui rồi giới thiệu người vừa chào chúng tôi là cụ Vũ Văn Lập đã 84 tuổi, người thôn Dương Sơn, một bậc tiền bối, cao niên nói phét ở trong làng đậm chất thơ ca (Cụ Lập là lớp hậu duệ kế thừa của cụ cả Tam). Rót nước mời Cụ Lập, ông Trường hỏi vẻ ngạc nhiên: “Xin lỗi cụ, sao cụ lại chào tất cả chúng em đây bằng cụ ạ?

“Tớ nói đâu có sai, thì bây giờ gọi là cụ non. Nay mai, ăn nhiều cái tết thêm nhiều tuổi mới sẽ được lên cụ già, cụ già là bà cụ non”. Sau lời giải thích, cụ Lập vỗ vào đùi mình tét một cái rồi cười với vẻ mặt đắc trí: “Tớ nói chuẩn không cần chỉnh”, mọi người đều cười vui vẻ.   

tm-img-alt
Ngôi điếm của thôn Dương Sơn mới được xây dựng và khánh thành tháng 12/2021, - Nơi sinh hoạt  văn hóa tín ngưỡng và bà con thường lui tới nghe kể những câu chuyện nói phét hàng ngày. Ảnh: Trần Ngọc Sơn.

Cụ Lập kể về cụ cả Tam xưa có câu chuyện, quan Pháp ở đồn Nhã Nam (vùng Yên Thế Thượng) muốn vào làng Dương Sơn đều phải xuống ngựa, ngả mũ cúi chào từ trẻ con đến người già mới vào làng được.

Mới nghe ai cũng bảo nói phét, hỏi cụ Tam mới hiểu, cổng làng Dương Sơn ngày xưa xây rất thấp, cưỡi ngựa đi qua thì vướng đầu. Quan tây, quan tàu phải xuống ngựa, mới đi qua được.

Rồi đến chuyện cụ Tam đi đào sắn ở bãi Dương Sơn, củ cắm vào gốc cây gỗ mục dài đến tận chân cầu Bố Hạ (Yên Thế Thượng). Đào ba ngày liền, củ sắn dài mãi không thấy hết, cụ Tam dùng hai tay nhổ lên, sắn bị đứt, chỉ lấy được 01 đoạn đem cài vành quần. Đi về, gặp trời nắng, nhiệt độ nóng ran, sắn chín bở tung. Đến nhà, gọi vợ ra ăn, bửa củ sắn ra nó bở tung như rắc vôi bắn đầy mặt, đến nỗi không nhận được nhau. 

“Chuyện này tớ kể cho các vị, thật 100% luôn nhé!”, cụ Lập tiếp tục: “Ngày xưa, bà ấy nhà tôi đẹp gái, da trắng khủng khiếp, đám thanh niên chưa vợ nhìn còn thèm chảy dãi!. Khoảng năm 1966, đế quốc Mỹ đánh phá lên tỉnh Bắc Giang. Vợ tôi đi làm cỏ lúa về buổi trưa hôm đó, đến đoạn mương giữa cánh đồng, mặc cái áo Po luynh trắng toát, máy bay Mỹ phát hiện bổ nhào, gầm rú theo sát đỉnh đầu. Mấy người làm dưới cánh đồng gào ầm lên: Cởi áo ra… không máy bay nó phát hiện… Bà ấy sợ cuống cuồng cởi luôn áo ra, mấy người lại hô to:  Mặc áo vào…nhanh lên không nó bắn chết hết cả lũ bây giờ…, bởi da bà ấy từ cổ đến chân trắng như trứng gà bóc”.

Cụ Lập lại kể tiếp về thằng phi công Mỹ nó thích vợ mình: “Nhà tôi cạnh quả đồi, một hôm, máy bay Mỹ bay ngang qua, vợ tôi đứng một mình ở sân, thằng phi công nhìn thấy phải lòng, nó lượn máy bay xuống rất thấp, ngắm bà ấy mấy vòng, giơ tay vẫy vẫy, thả xuống sân cho bà ấy chiếc ví có in dòng chữ USA- MY hẳn hoi. Chả thế, xã Liên Sơn chúng tôi, chưa bao giờ bị Mỹ ném trái bom nào xuống”, nói xong, cụ Lập lấy chiếc ví bằng vải rằn ri cũ ra khoe chúng tôi. 

tm-img-alt
Cụ Vũ Văn Lập khoe chiếc ví của viên phi công Mỹ thả xuống sân tặng vợ mình. Ảnh: Trần Ngọc Sơn.

Cụ Lập còn mời chúng tôi đến chơi nhà, thăm mô hình hơn 100 đàn ong nuôi lấy mật. Cụ khoe, mật ong của cụ xuất khẩu đi máy bay ra nước ngoài, xuyên lục địa qua năm châu, bốn biển. Gặng hỏi, thì cụ giải thích, nhiều người mua mật ong của mình đem ra nước ngoài sử dụng và làm quà. Cùng cụ ra vườn, thăm những tổ ong đang mùa cho mật, cụ Lập phấn khởi cao hứng đọc luôn bài thơ: 
“Vào nhà cụ Lập Dương Sơn
Đường đi ngoắt ngéo, chập chờn bánh xe
Khách đến ong đón vo ve
Con bay, con lượn muốn khoe nó tài
Gió Đông thổi tạt vào tai
Bồ câu bay lượn cánh nhoai khỏi mình
Quanh nhà chó sủa linh tinh
Giằng co dây xích khoe mình giỏi giang
Đơn sơ nhưng mà rất sang
Mật ong vàng óng, cụ mang ra mời
Nhà cụ bát ngát nhiều sào
Thùng ong kê kín, lối vào lách nghiêng
Mật nhiều không vác, không khiêng
Có cần cẩu lớn, nhấc lên nhẹ nhàng
Uống nhiều chữa được bệnh hen
Chữa được Covid nhanh thèm ăn cơm
Mật ngon xuất khẩu bốn phương
Gia đình cụ Lập lên hương mỗi ngày”.

tm-img-alt
Cụ Vũ Văn Lập kiểm tra tầng ong nuôi lấy mật tại khu vườn của gia đình. Ảnh: Trần Ngọc Sơn.

“Ở Dương Sơn bây giờ, bậc thầy về nói phét ở trong làng phải nói đến: Cụ Vũ Văn Lập, sinh năm 1938; cụ Nguyễn Văn Sự; sinh năm 1950; ông Vũ Văn Tứ sinh năm 1965…Ngày xưa, hàng năm làng Dương Sơn còn tổ chức thi nói phét giữa các thôn với nhau như: Thôn Cả, thôn Húng, thôn Đình…., được thu hút đông đảo nhiều người tham gia trổ tài. Nói phét kiểu thơ ca như cụ Lập hiện nay là rất ít người thể hiện được, nói phét bằng ca từ mộc mạc, đậm chất thơ ca. Ý tứ, nội dung của các câu chuyện nói phét được sáng tạo bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, trong lao động và sản xuất hàng ngày. Hàm ý vui vẻ, không làm hại đến ai, làm người nghe cười nghiêng, cười ngả, vất vả xua tan, không chỉ sướng cái lỗ tai mà còn đầy thán phục”, ông Nguyễn Thế Trường tâm sự.

Trong số 14 làng cười nổi tiếng miền Bắc, tỉnh Bắc Giang chiếm tới 08 làng cười. Cụ thể: 02 làng “nói phét” đó là làng Hòa Làng, xã Phúc Hòa và làng Dương Sơn, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên; 01 làng dùng nghệ thuật khoa trương “nói khoác” ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang; 02 làng dùng nghệ thuật châm biếm “nói tức” là Đông Loan và Nội Hoàng, huyện Yên Dũng; 01 làng nói nước đôi, dân gian ta gọi là “nói ngang” là làng Phụng Pháp ( tục gọi là “làng cua”); 01 làng nói phô trương hay “nói khoe” là làng Cao Lôi ( tục gọi là làng Kẻ Chối); 01 làng nói bài bác“ “nói giễu” là Khả Lý ( tục gọi là Kẻ Xe), huyện Việt Yên. Từ thời phong kiến, người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm lao động vất vả mà vẫn đói nghèo. Nghệ thuật gây cười đã được hình thành từ đó, để tiếng cười xua tan đi những mệt nhọc bởi đói nghèo, lam lũ…Kiểu gây cười của mỗi làng, mỗi vẻ nhưng đều nhằm mục đích tạo nên tiếng cười không còn nỗi âu lo. 

Trao đổi về thực trạng, tiềm năng phát triển, bảo tồn loại hình văn hóa “nói phét ” của 02 Làng Dương Sơn và Hòa Làng trên địa bàn huyện Tân Yên, bà Nguyễn Thị Bé Nhung - Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Yên chia sẻ:

“02 làng nói phét Dương Sơn, xã Liên Sơn và Hòa Làng, xã Phúc Hòa trên địa bàn huyện nằm trong số 08 làng cười tỉnh Bắc Giang. Tục “nói phét” ở đây có truyền thống từ thời phong kiến đã nổi danh xứ Bắc. Thời gian qua, Phòng VH&TT huyện Tân Yên đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm kê các loại hình di sản văn hóa trên địa bàn huyện và đưa loại hình di sản này vào danh mục cần được bảo vệ và phát huy; chỉ đạo 02 xã Liên Sơn, Phúc Hòa tiếp tục duy trì, bảo tồn phát triển loại hình di sản này trong nhân dân... Tuy nhiên, ngày nay, xã hội phát triển công nghệ số hóa hội nhập, nhiều loại hình văn hóa hiện đại du nhập, công nghệ thông tin 4.0 phát triển khiến giới trẻ không còn quan tâm để ý, duy trì kế thừa văn hóa nói phét truyền thống. Các cụ cao niên có khiếu nói phét trong làng thì già đi và dần không còn nữa. Nghệ thuật nói phét đang dần bị mai một. Mong rằng tới đây, loại  hình di sản văn hóa phi vật thể này tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm về mọi mặt như: Xây dựng kế hoạch định hướng phát triển; hỗ trợ kinh phí đào tạo, khôi phục; đặc biệt là 08 làng cười trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và 02 làng "nói phét" trên địa bàn huyện Tân Yên nói riêng sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ tích cực nhằm góp phần bảo tồn và phát triển nét văn hóa truyền thống độc đáo này "./.

Bạn đang đọc bài viết Thăm làng “nói phét” truyền thống ở Bắc Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới