Thứ bảy, 27/04/2024 23:04 (GMT+7)

Tháng 5 về với làng Sen quê Bác

Thục Anh - Vinh Quang -  Thứ ba, 09/05/2023 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, làng Sen đã trở thành quê chung,quê của muôn quê. Tháng 5 về, dòng người khắp trên mọi miền Tổ Quốclại về đây, thăm nơi Bác đã sinh ra và lớn lên, thắp nén tâm hươngtưởng nhớ và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về nơi quê của muôn quê

Tháng 5 về, quê Bác thoảng trong hương sen thơm ngát, cảm tưởng như mùi hương dịu nhẹ và thanh khiết ấy đã “ướp” hết thảy không gian, thời gian. Trong cái nắng chói chang đầu mùa hè, trong mùi hương sen thơm ngát, dòng cháu con khắp muôn phương lại về làng Sen quê Bác tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), dâng lên Người niềm thành kính và biết ơn vô hạn.

Quê Bác bình dị như bao miền quê khác trên đất nước Việt. Nơi đó có mái nhà tranh dưới lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ. Có giếng Cốc, cây đa và đặc biệt ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác vẫn còn nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử.

tm-img-alt

Mái nhà đơn sơ, mộc mạc nơi Bác sinh ra và lớn lên.

Trong đoàn người về với làng Sen, có người mới đến lần đầu, có du khách quay lại nhiều lần nhưng chung hết vẫn là khoảnh khắc thiêng liêng, phấn khởi. Với họ, quê Bác như quê của muôn quê. Về quê Bác ít nhất một lần trong đời là ước mong cháy bỏng của nhiều người. Nhất là mỗi tháng 5 về, dịp sinh nhật Bác kính yêu thì lời hẹn ước ấy lại thôi thúc những người con phương xa trở về.

Hòa cùng dòng người vào tham quan ngôi nhà tranh đơn sơ mà Bác đã sống những năm tháng thời niên thiếu, ông Trần Thiên (quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) như lặng người đi khi quãng đời của Bác Hồ ở quê nhà hiện lên qua lời của cô hướng dẫn viên. Đây không phải là lần đầu tiên người đàn ông này về thăm làng Sen quê Bác nhưng lần nào trong ông cũng nguyên vẹn niềm xúc động. Lần này đặc biệt hơn khi các cháu của ông cùng về thăm quê Bác.

tm-img-alt

Những dòng người từ muôn nơi về thăm quê Bác trong những ngày tháng 5

“Đưa các cháu đến đây, tôi muốn các cháu được tận mắt chứng kiến cuộc sống giản dị, đơn sơ của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Hy vọng qua chuyến đi này các cháu sẽ học được cách sống giản dị của Bác Hồ, biết vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và học tập. Mong rằng, đây là kỷ niệm đẹp trong ký ức tuổi thơ của các cháu khi về với làng Sen”, ông tâm sự. Còn với cụ Lô Thị Sang (dân tộc Thái) lần theo đoàn phụ nữ của xóm đến thăm Khu di tích Kim Liên này càng thêm ý nghĩa hơn khi cả nước sắp hướng tới 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên bà rời bản làng đến thăm quê Bác. Từ chuyến đi ý nghĩa này, bà cho hay sẽ về kể cho con cháu ở nhà nghe về Bác, bảo ban các con học tập theo Bác để không thất học, vươn lên thoát nghèo.

Nguyện học theo Bác suốt đời

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, đi dưới những hàng cây xanh ngắt, chị Nguyễn Thị Hạnh đã kể cho hai con nhỏ về khung cảnh bình dị, đơn sơ nơi Bác lớn lên trong thời thơ ấu. Chị chia sẻ, bản thân sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nhưng lại lập nghiệp trong miền nam nên các con ít có dịp đến thăm quê Bác. Do đó, tranh thủ dịp hè, gia đình đưa các con đến đây để thắp hương tưởng niệm Bác Hồ - người đã cống hiến trọn cuộc đời cho Đảng, cho dân, cho nước.

“Bên cạnh việc giáo dục thế hệ trẻ, những chuyến về thăm quê Bác như thế này còn là dịp để chúng tôi tự soi lại bản thân mình, để sống sao cho tốt, cho xứng đáng với Bác Hồ và các bậc tiền nhân, để thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng đất nước phồn thịnh như mong muốn của Người”, chị Hạnh chia sẻ. Là một người công tác trong ngành giáo dục, qua những lần về quê như vậy chị càng thấy bản thân cần học tập Bác nhiều hơn.

tm-img-alt

Mỗi người dân về quê Bác trong dịp sinh nhật Người để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.

Còn đối với những người cựu chiến binh năm xưa, mỗi khi về làng Sen là họ lại rưng rưng khi nghe chị thuyết minh viên kể lại câu chuyện giản dị của Người. Ông Trần Văn Thắng, đến từ Thái Nguyên chia sẻ, chúng tôi là những người lính từng chiến đấu ở chiến trường luôn noi theo tấm gương của Bác, Người đã trở thành kim chỉ nam giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, vươn lên sống ý nghĩa. Được về đây, tôi cảm thấy rất xúc động, càng hiểu hơn về nỗi gian truân vất vả mà Bác và gia đình phải vượt qua. Từ đó, chúng tôi càng thấu hiểu về cuộc đời, nhân cách của Người và nguyện học tập tấm gương của Bác.

Mỗi người dân về quê Bác trong dịp sinh nhật Người là để tưởng nhớ vị Cha già dân tộc, để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời để nhìn rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do, xây dựng đất nước.

BOX: Nhiều hoạt động mới tại Lễ hội Làng Sen năm 2023

Lễ hội Làng Sen năm nay tại Nghệ An diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19/5 với nhiều hoạt động lễ và hội đặc sắc: khai mạc lễ hội Làng Sen và chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen”; lễ diễu hành từ Quảng trường Hồ Chí Minh về quê Bác; lễ dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ (Quảng trường Hồ Chí Minh), tại khu di tích Kim Liên và đền Chung Sơn; liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2023; cuộc thi ẩm thực chế biến món ăn từ Sen; lễ hội đường phố; trình diễn dân ca Ví, Giặm; tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip “về Làng Sen”…

Đây là hoạt động chính trị, văn hoá có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn, thành kính của Nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới; tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giới thiệu, quảng bá về văn hoá Làng Sen, quê hương Nghệ An.

Bạn đang đọc bài viết Tháng 5 về với làng Sen quê Bác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề