Thứ sáu, 26/04/2024 16:06 (GMT+7)

Thanh Hóa cùng chung tay khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

MTĐT -  Thứ ba, 05/04/2022 08:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cần có các giải pháp thiết thực với sự chung tay của các cơ quan chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi.

tm-img-alt
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đang cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi. Ảnh minh họa

Môi trường trong chăn nuôi bị ô nhiễm bởi các nguyên nhân, như: chất thải rắn, chất thải lỏng, xác gia súc, gia cầm chết không được tiêu hủy đúng kỹ thuật và quy trình... Các chất thải này được thải trực tiếp ra ngoài môi trường nếu không qua xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn đất, nguồn nước, không khí. Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, người dân chưa chú trọng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải. Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh...

Hiện nay, để giảm thiểu tình trạng ÔNMT trong chăn nuôi, các địa phương đang khuyến khích người dân đầu tư chuyển đổi quy mô nhỏ lẻ sang trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi an toàn dịch bệnh,... với những con nuôi có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng hầm biogas, hệ thống thoát nước, xử lý bằng ủ phân hữu cơ, chế phẩm sinh học... Một hộ chăn nuôi ở xã Yên Tâm (Yên Định), cho biết: Ngay từ khi có ý tưởng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà, tôi đã có ý thức thực hiện các giải pháp để hạn chế ÔNMT. Để thuận tiện cho việc chăm sóc, theo dõi dịch bệnh, khu chuồng nuôi luôn được dọn rửa sạch sẽ, thoáng mát, trang bị hệ thống điện, cống xả thải... Nhất là, ứng dụng công nghệ đệm lót lên men đã hạn chế tối đa việc ÔNMT. Nguyên liệu làm đệm lót chủ yếu là trấu và mùn cưa, sử dụng men vi sinh Balasa N01 phối trộn cùng cám gạo và bột bắp. Từ đó, sẽ tạo ra vi sinh vật có ích cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi. Sử dụng đệm lót men sinh học này trong khoảng thời gian 6 tháng tiến hành thay thế bề mặt trên và rải lớp lót mới. Chi phí làm đệm lót có giá thành thấp, 1kg men có thể làm đệm cho chuồng nuôi từ 30 – 50m2 với giá thành từ 50 đến 60.000 đồng và dễ dàng tìm mua trên thị trường... Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học không những giúp đàn gà khỏe mạnh mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công; tiết kiệm khoảng 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi truyền thống; mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ÔNMT chăn nuôi.

Đối với các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để giảm thiểu ÔNMT, người dân đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát, sử dụng các loại máy sát trùng, bơm phun, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hầm biogas... Đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi lợn thảo dược... Bên cạnh các giải pháp phổ biến trên, hiện nay người chăn nuôi còn sử dụng thức ăn hữu cơ phối trộn với men sinh học giảm thiểu quá trình hình thành các chất thải gây mùi như H2S, NH3; hạn chế điều kiện phát triển của các vi khuẩn gây mùi, góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, dọn dẹp chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thu gom rác về nơi quy định để xử lý và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt nguồn mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề ÔNMT từ chất thải trong chăn nuôi ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các trang trại có quy mô nhỏ, lẻ, người dân còn thờ ơ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Những biện pháp được đưa ra, như: Xây dựng hầm khí biogas, bể lắng, sử dụng đệm lót sinh học... vẫn có nguy cơ gây ÔNMT khi các trang trại không tuân thủ quy trình sản xuất, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi về các biện pháp giảm thiểu ÔNMT. Vận động các hộ chăn nuôi trong khu dân cư chuyển chuồng nuôi ra khu vực đã quy hoạch, bố trí quỹ đất tập trung, ở vị trí xa khu dân cư sinh sống để phát triển trang trại, gia trại, đầu tư đồng bộ các công trình xử lý nước thải và các loại chất thải khác, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Kiên quyết không cấp phép, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, trang trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.

Tuấn Minh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa cùng chung tay khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới