Thứ sáu, 26/04/2024 14:41 (GMT+7)

Tranh cãi gay gắt về đề xuất đổi giờ làm

MTĐT -  Thứ bảy, 02/11/2019 18:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước đề xuất đổi giờ học, giờ làm thành 8h30 hoặc 9h, nhiều chuyên gia vày tỏ không phù hợp với điều kiện khí hậu và xã hội Việt Nam.

Chiều 31/10, tại phiên làm việc của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) có đề xuất đổi giờ học, giờ làm thành 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng để phù hợp hơn với đời sống đô thị.

Đề xuất này được nhiều người quan tâm và cũng có những tranh luận trái chiều về vấn đề này.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo VTCNews, đồng tình với đề xuất trên, bà Trần Trúc Mai (Hà Nội) cho rằng, giờ làm việc buổi sáng nên bắt đầu vào 8h30 và kết thúc vào 12h30; buổi chiều từ 13h30 - 16h30, và làm luân phiên thêm ngày thứ Bảy.

"Nếu áp dụng giờ làm như tôi đề xuất thì sẽ đảm bảo làm đủ 40 giờ/tuần mà có thêm thời gian ăn sáng, ăn trưa, nghỉ trưa hàng ngày và được nghỉ luân phiên trọn vẹn 2 ngày cuối tuần bên gia đình thân yêu của mình" - bà Mai nói.

Đánh giá về đề xuất này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng việc thống nhất giờ làm việc của công chức, viên chức trong cả nước là không khả thi vì khí hậu các vùng miền khác nhau. Miền Trung, miền Nam lúc 7h trời đã nắng nóng nên công chức có thể làm việc sớm hơn các tỉnh phía Bắc. Người dân nông thôn thường dậy sớm từ 5-6h, có thể đến cơ quan hành chính liên hệ công việc từ 7h sáng nên việc đơn vị hành chính làm việc từ 8h30 là không hợp lý.

Ông Hiểu đề nghị nên để các địa phương tự quy định giờ làm việc cho công chức, viên chức, như Hà Nội có thể quy định nhiều khung giờ làm việc để tránh ùn tắc vào cao điểm. Các địa phương cần lấy ý kiến của người dân, công chức hoặc thông qua HĐND các cấp để nghiên cứu giờ làm việc phù hợp.

"Để tránh xáo trộn đời sống người dân, chúng ta chưa nên bàn việc đổi giờ làm việc cho công chức vào thời điểm này. Sau 10-20 năm nữa khi đời sống kinh tế xã hội thay đổi mới nên tính toán lại vấn đề này", ông Hiểu nói.

Nhiều đại biểu cho rằng, đổi giờ làm thành 8h30 hoặc 9h không phù hợp với khí hậu nước ta. Ảnh minh họa: Internet.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng: "Bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ, giờ làm của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ để tránh ùn tắc giao thông, chứ cùng trễ hoặc cùng sớm không giải quyết được".

Nhận xét về việc nhiều người không nghỉ trưa để làm việc, ông Tân cho biết lâu nay "anh em cũng tranh thủ làm trưa", ở cơ quan cũng không có chỗ nghỉ nên ăn cơm xong làm việc ngay hoặc về sớm thì để lo rước con.

Trả lời câu hỏi bộ đã từng nghiên cứu khảo sát việc này chưa, bộ trưởng cho hay chưa nghiên cứu, song khẳng định giờ làm hành chính phải phù hợp nhiều cơ quan.

"Giờ giấc làm việc theo quy chế chung. Ví dụ phía Bắc là 8h nhưng phía Nam 7h hoặc 7 rưỡi đã làm, tùy thuộc đặc điểm vùng miền. Thống nhất chung cả nước thì rất khó nên quy định vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù", ông Tân nói.

Riêng về giờ làm với công chức, người đứng đầu ngành nội vụ nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày. "Tăng giảm gì cũng theo Luật lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm", ông Tân khẳng định.

Trao đổi với Vnexpress, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Công nhân Công đoàn Việt Nam, cũng cho rằng thời gian làm việc cho công chức, viên chức bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h là hợp lý. Giờ làm lúc 8h30 chỉ thích hợp đối với các tổ chức quốc tế. Thời gian nghỉ trưa nên kéo dài ít nhất 1,5 giờ để viên chức có đủ thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Ngoài ra, ông Thọ đề xuất các cơ quan hành chính đặc thù có thể linh động tùy thuộc công việc, như bộ phận tiếp dân có thể làm việc sớm hơn.

Theo tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về dự thảo Bộ luật Lao động, phương án một là giao Chính phủ quy định giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước.

Đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.

Phương án 2 của tờ trình được giữ như hiện hành. Theo đó, thời gian làm việc không quy định trong Bộ luật Lao động mà nêu tại các văn bản hành chính; đối với các bộ do Thủ tướng quyết định; đối với UBND và các cơ quan chuyên môn do Chủ tịch tỉnh quyết.

Hiện nay, tại TP HCM, khung giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước là buổi sáng từ 7h30 - 11h30, buổi chiều từ 13h - 17h. Tại Hà Nội, khung giờ làm việc của các cơ quan hành chính buổi sáng từ 8h - 12h và buổi chiều từ 13h - 17h.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi gay gắt về đề xuất đổi giờ làm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.