Thứ bảy, 27/04/2024 07:07 (GMT+7)

Thống nhất giữa các cấp quy hoạch để hệ thống đô thị phát triển bền vững

MTĐT -  Thứ năm, 17/11/2022 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hệ thống đô thị chỉ có thể phát triển phát vững khi có sự thống nhất giữa các cấp QH, có định hướng quy hoạch tích hợp và có sự tham gia của các bên trong nhận diện, giải quyết các vấn đề nổi cộm, từ đó huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị.

Cần hoàn thiện chức năng quản lý các cấp

Chiều 16/11, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề 3 về cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam với sự tham gia của đại diện Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp.

Thống nhất giữa các cấp quy hoạch để hệ thống đô thị phát triển bền vững
Ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu trong nước, quốc tế (UN-Habitat, AFD, ADB, KICT, WB), cho thấy thông điệp việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý phát triển đô thị cần gắn chặt với đổi mới tiếp cận quy hoạch và phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn phát triển đô thị, đảm bảo tính khả thi của các quy hoạch, chương trình, dự án. Cần sự thống nhất giữa các cấp quy hoạch, có định hướng quy hoạch tích hợp và giải quyết các vấn đề nổi cộm của từng địa phương, từng khu vực và toàn bộ hệ thống.

Các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy sự cần thiết xây dựng hệ thống đô thị với một cơ chế kết nối đô thị với các cấp, các vùng để cùng nhau giải quyết các vấn đề vượt qua ranh giới hành chính của đô thị. Cần lưu tâm đến các đô thị vừa và nhỏ là các đô thị vệ tinh để đảm bảo cân bằng các vùng, tránh phụ thuộc vào các đô thị lớn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, hệ thống quy định điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đang nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gồm 20 Luật, 05 Nghị quyết, 90 Nghị định/Thông tư; ngoài ra còn có những quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến các nội dung về phát triển đô thị, nhưng các quy định này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ví dụ, quy định về phân loại đô thị chưa phân định rõ, đủ, đúng giữa đô thị và nông thôn, yếu tố vùng miền, đặc thù và loại hình đô thị; Quy định về chương trình phát triển đô thị chưa phù hợp với nguồn lực, chưa bảo đảm tính khả thi, đồng bộ; Quy định về hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa thống nhất điều chỉnh tổng thể, thiếu quy định mô hình đầu tư, quản lý…

Công cụ để kiểm soát hệ thống đô thị, phân bổ mạng lưới đô thị, kiểm soát hình thành mới điểm dân cư đô thị, cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị, kiểm soát phát triển mới trong và ngoài đô thị, năng lực quản lý, quản trị đô thị… chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Từ đó, ông Trần Quốc Thái đặt ra yêu cầu hoàn thiện quản lý nhà nước về phát triển đô thị, trong đó cần hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương; Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là đầu mối phát triển đô thị; Nâng cao năng lực, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của chính quyền đô thị các cấp...

Các thành phố phải hoạt động hiệu quả hơn

Chuyên gia Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc đánh giá, đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng sống cho người dân, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 60-70% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, một loạt các vấn đề cũng đã xuất hiện thông qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng này: chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa nông thôn và đô thị, tình trạng phát triển phi chính thức, thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản, thiếu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả.

Thống nhất giữa các cấp quy hoạch để hệ thống đô thị phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc.

Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan tới ô nhiễm cũng như suy thoái môi trường, tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông, tình trạng mất an toàn, an ninh ở nhiều khu vực đô thị. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng đang làm trầm trọng hóa các thách thức ở đô thị.

Bên cạnh đó còn là những thách thức về thể chế, bao gồm việc thiếu cách tiếp cận tích hợp và toàn diện trong quy hoạch và chính sách đô thị, vấn đề nâng cao năng lực quản lý chiến lược đối với các vấn đề phức tạp phát sinh trong đô thị, vấn đề quy hoạch tổng thể đô thị cứng nhắc (luôn phải điều chỉnh) và thiếu sự tham gia tương xứng của người dân khiến cho cơ sở hạ tầng của các thành phố phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của nhà nước.

Giống như ở các nước khác, các thành phố ở Việt Nam chính là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Hai thành phố chính là TP Hà Nội và TP.HCM, cùng toàn bộ hệ thống hơn 880 đô thị lớn, nhỏ đang là nơi thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm thông qua thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang khẳng định, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nền kinh tế phải tập trung vào sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, điều này đòi hỏi các thành phố phải hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng sống và năng lực người dân được nâng cao hơn, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng phát triển tốt hơn. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế đòi hỏi các cơ quan và chính quyền đô thị thành phố cải thiện công tác quy hoạch và quản lý thành phố, xây dựng nguồn lực tài chính và nhân lực, và cung cấp hạ tầng một cách có hiệu quả…

Đất đai là nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị

Chuyên gia Đặng Hùng Võ nhận định, sự phát triển đô thị không đứng yên, nhu cầu nâng cấp đô thị là tất yếu bởi con người ngày càng đòi hỏi hoàn thiện không gian sống ngày một cao hơn. Từ đó, đặt ra vấn đề đầu tiên, lấy tiền ở đâu để đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị theo những xu hướng hiện đại?

Theo ông Đặng Hùng Võ, kinh nghiệm phát triển đô thị trên thế giới cho thấy, đô thị nào tìm được cách hợp lý động viên được nguồn lực tại chỗ để chỉnh trang, phát triển mới theo kịp được xu hướng tiên tiến. Ngồi chờ ngân sách nhà nước của trung ương thì không bao giờ đủ cho địa phương phát triển.

Thống nhất giữa các cấp quy hoạch để hệ thống đô thị phát triển bền vững
Chuyên gia Đặng Hùng Võ phát biểu tại Hội thảo.

Nguồn lực đầu tiên cần lưu tâm là nguồn lực từ các tài nguyên thiên nhiên đất đai và tài nguyên thiên nhiên khác. Đất đai có 3 đặc tính quan trọng, được sử dụng vô thời hạn, không có khấu hao; giá trị tăng lên ngày càng cao do diện tích bị hạn chế mà con người ngày càng đông hơn; đô thị có điều kiện càng hoàn chỉnh thì giá đất đai tăng lên càng cao. Đối với các tài nguyên thiên nhiên khác sẽ tiêu hao trong quá trình sử dụng, đến một thời điểm nhất định sẽ cạn kiệt.

Vì vậy, đất đai là một nguồn lực chủ yếu để phát triển và chỉnh trang đô thị. Cần giải quyết 2 vấn đề, tìm giải pháp để tạo giá trị tăng thêm của đất đai tại các đô thị (vốn hóa đất đai) và tìm giải pháp thu hợp lý để thu được các giá trị tăng thêm (thu giá trị đất đai).

Ông Đặng Hùng Võ nêu ví dụ, TP Đà Nẵng vốn hóa đất đai chỉ bằng biện pháp hành chính thông qua quy hoạch đô thị, sắp xếp lại không gian phát triển đô thị để tạo giá trị đất đai tăng hơn. Việc thu từ đất cũng chỉ có 1 giải pháp là thu từ tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, thu từ tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất trừ đi chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chi phí giải phóng mặt bằng).

Ưu điểm của quá trình này là chính quyền đã động viên được người dân đồng lòng tham gia vào quá trình xây dựng lại thành phố. Để đạt được kết quả này, TP Đà Nẵng quan tâm rất nhiều tới quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại; sử dụng vốn đầu tư phát triển từ đất để xây dựng một thành phố mới, đáng sống từ một thành phố hoang tàn; tận dụng bãi 3 biển Mỹ Khê tạo nên trung tâm mới của thành phố; mở rộng hạ tầng và dịch vụ công cộng, và sắp xếp lại công năng sử dụng các BĐS công.

Tuy nhiên, nhược điểm là TP Đà Nẵng động viên được bằng tấm lòng người dân, chưa tạo được lợi ích để động viên người dân tham gia. Nói đúng bản chất là một phần của tài sản tư đã phải đóng góp cho nguồn lực công để đầu tư phát triển, chỉnh trang đô thị. Nhược điểm này chính là điểm yếu mà các địa phương khác không áp dụng được.

Đô thị Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nhiều giai đoạn thăng/trầm. Năm 1998 có 633 đô thị, năm 2022 có 883 độ thị, tăng 41,5%. Có hơn 200 đô thị từ loại IV trở lên, gần 70% GDP cho phát triển đô thị.

Quá trình phát triển đô thị hình thành hơn 2.256 dự án với tổng diện tích 43.000ha. Tuy nhiên, có gần 300 đô thị ở 28 tỉnh ven biển và 150 đô thị ở 12 tỉnh miền núi chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu.

Bạn đang đọc bài viết Thống nhất giữa các cấp quy hoạch để hệ thống đô thị phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Thanh Nga/ Tạp chí Xây dựng

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới