Thứ sáu, 03/05/2024 00:26 (GMT+7)

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị

MTĐT -  Thứ năm, 03/11/2022 09:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Xây dựng cho biết, các công cụ quy hoạch và quản lý đô thị bằng chính sách, pháp luật được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cơ bản phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Đây là một trong những nội dung trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị gửi đến các Đại biểu Quốc hội về một số vấn đề chuẩn bị cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó có đề cập đến nhóm vấn đề thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam.

Chuyển biến tích cực

Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, đến hết tháng 9/2022, hệ thống đô thị nước ta có 883 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I; 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41% (tăng hơn 5,3% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị được giảm mạnh từ 6,9% (2010) xuống 1,1% (2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều).

Cùng đó, tăng trưởng kinh tế đô thị đạt 12 -15% trung bình năm; kinh tế đô thị chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện.

Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 92%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2%; tổng lượng nước thải được thu gom khoảng 15%.

Đồng thời, kiến trúc cảnh quan, diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Công tác nâng cấp, phân loại đô thị có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị.

Các công cụ quy hoạch và quản lý đô thị bằng chính sách, pháp luật nhìn chung đã được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cơ bản phù hợp với các thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu hàng loạt khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.

Dữ liệu của Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến tháng 10/2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 60%. Trong đó, tại 02 đô thị đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và các đô thị loại I đạt khoảng 80%, tại các loại đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40-50%.

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng. Số lượng Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc được ban hành là 181 quy chế. Số lượng Thiết kế đô thị là 250 đồ án. Tỷ lệ lập Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 99,8%. Các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng Chương trình phát triển đô thị.

“Đến tháng 10/2022 đã có 49/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; 96 đô thị lập Chương trình phát triển từng đô thị. Có 17 tỉnh đã phê duyệt 62 khu vực phát triển đô thị và một số địa phương đã thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị... tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và tăng cường kiểm soát các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh.

Các địa phương chú trọng đẩy nhanh tốc độ lập quy hoạch đô thị; chương trình phát triển đô thị; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, công bố, công khai quy hoạch có nhiều tiến bộ.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, công tác trên vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Cụ thể, một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…).

Bên cạnh đó, chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm. Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng…

Vì vậy, để nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị cần có giải pháp, trong đó hoàn thiện thể chế, pháp luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác.

Vẻ hiện đại ở công viên bên bờ sông Sài Gòn sau cải tạo - Tin tức
Ảnh minh họa: Internet.

Cụ thể, Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn tồn tại, hạn chế, bất cập với 7 nhóm vấn đề chính. Nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn thiện lý luận, phương pháp luận về quy hoạch và quản lý đô thị.

Được biết, Bộ Xây dựng hiện đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị” và sẽ tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu này trong việc hoàn thiện các công cụ chính sách về quy hoạch và quản lý đô thị trong thời gian tới.

Mặt khác, nâng năng lực quản lý và đội ngũ làm công tác quy hoạch đô thị; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị.

Để nâng cao công tác quản lý đô thị, Bộ Xây dựng tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị” sau khi được ban hành.

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, công cụ để quản lý công tác phát triển đô thị, tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị. Nghiên cứu các công cụ để quản lý các đô thị hiện hữu, phát triển mới, các quy định về tái thiết, cải tạo khu vực đô thị cũ, xuống cấp.

Tập trung triển khai công tác lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục tích cực triển khai hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phát triển đô thị tại các địa phương; Tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng 08 nhóm đối tượng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về xây dựng và quản lý đô thị; chuẩn hóa tiêu chuẩn khung năng lực cán bộ quản lý đô thị.

Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm các diễn đàn quốc tế nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm ở các cấp và thúc đẩy đối thoại chính sách để nắm bắt, cập nhật tình hình, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Huy Thảo/tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.