Thứ bảy, 27/04/2024 12:45 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/1/2024

MTĐT -  Thứ hai, 08/01/2024 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 8/1/2024 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao...

Thanh Hóa: Tiền nộp khắc phục hậu quả vụ án Hạc Thành đã vượt 55,8 tỷ đồng

Tin trên Người đưa tin, liên quan sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower, đã có tổng 56,5 tỷ đồng được nạp vào tài khoản tạm giữ của Công an tỉnh Thanh Hóa để khắc phục hậu quả.

Theo nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, liên quan tới vụ án Hạc Thành Tower, đã có thêm 3 bị can nộp thêm tổng cộng 11,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an, nhằm phục vụ điều tra và khắc phục hậu quả do sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower.

Cụ thể, bị can Đinh Cẩm Vân, cựu Giám đốc Sở Tài chính nộp số tiền 10 tỷ đồng; Đinh Xuân Hướng, cựu Bí thư Huyện ủy Như Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Sông Mã nộp 1 tỷ đồng; Bùi Văn Nam, nguyên Phó trưởng Phòng Kinh tế - Tài chính, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa nộp 500 triệu đồng.

Trước đó, hai bị can Trịnh Văn Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) và Nguyễn Đình Xứng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) đã nộp tổng số tiền 45 tỷ đồng (mỗi người 22,5 tỷ đồng).

Như vậy, tổng số tiền các bị can nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an, nhằm phục vụ điều tra và khắc phục hậu quả do sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower là 56,5 tỷ đồng. Trong khi, theo thông tin điều tra ban đầu từ Công an tỉnh Thanh Hóa xác định, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại dự án Hạc Thành Tower là hơn 55,8 tỷ đồng.

tm-img-alt
Hình ảnh khu đất "vàng" dự án Hạc Thành Tower khiến nhiều quan chức Thanh Hóa vướng lao lý.

“Việc các bị can tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo việc thi hành án sau này. Cụ thể mỗi người phải chịu trách nhiệm nộp khắc phục bao nhiêu tiền thì phải căn cứ bản án của tòa”, nguồn tin cho biết.

Liên quan vụ án sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower (phường Điện Biên, Tp.Thanh Hóa) Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố 9 bị can gồm: Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền, nguyên Phó trưởng Phòng Kinh tế - Tài chính, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, nguyên Phó trưởng Phòng Kinh tế - Tài chính, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Đinh Cẩm Vân, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Bá Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, cựu Bí thư Huyện ủy Như Xuân; Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng Phòng Quản lý công sản - giá cả, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sông Mã; Đinh Xuân Hướng, cựu Bí thư Huyện ủy Như Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Sông Mã.

Giả danh công an Hà Nội để 'chạy án' chiếm đoạt 5 triệu đồng

Ngày 8/1, Công an thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cho biết vừa phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ đối tượng Phạm Công Mạnh (SN 1993, trú tại thôn Sơn Thanh, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

tm-img-alt
Cơ quan công an lấy lời khai đối tượng Mạnh. Ảnh: CACC

Tại cơ quan công an, đối tượng Phạm Công Mạnh khai nhận, vào khoảng tháng 8/2023, Mạnh đã dùng mạng xã hội, sử dụng nick Facebook "Đơn giản" và cài đặt hình nền giả danh là cán bộ công an để tìm kiếm kết bạn. Sau đó Mạnh đã kết bạn với nick facebook "Lê Hương N." và tự giới thiệu là cán bộ Công an thành phố Hà Nội để tạo sự tin tưởng.

Ngày 3/1/2024, chị "Lê Hương N." nhắn tin nói chuyện về việc liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật do Công an thành phố Phủ Lý đang thụ lý giải quyết. Mạnh giới thiệu có quen Công an thành phố Phủ Lý và có thể giúp "chạy án". Để chạy án, Mạnh đề nghị chị "Lê Hương N." phải đưa số tiền 5 triệu đồng và 1 điện thoại Iphone 14 Promax, sau đó ký vào đơn xin giảm nhẹ hình phạt do Mạnh viết.

Đến ngày 4/1/2024, khi Mạnh đang nhận tiền để "chạy án" của chị "Lê Hương N." tại một quán cafe, thuộc phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) thì bị cơ quan công an bắt quả tang.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra và củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

TP.HCM: Thẩm mỹ quốc tế Yonsei TP bị đình chỉ hoạt động, phạt 113 triệu đồng

VTC News đưa tin, ngày 8/1, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Đứng đầu danh sách xử phạt là Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Yonsei TP (51A Trần Quốc Toản, phường Võ Thị Sáu, quận 3). Công ty này đã có hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể, dù cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Công ty Thẩm mỹ quốc tế Yonsei TP còn sử dụng trang thiết bị y tế không có giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu; Kinh doanh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Hoạt động không có biển hiệu theo quy định; Không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật...

Với loạt vi phạm trên, Công ty Thẩm mỹ quốc tế Yonsei TP bị xử phạt 113 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở cho đến khi có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và người hành nghề có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

tm-img-alt
Thẩm mỹ quốc tế Yonsei TP bị xử phạt 113 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đến khi có giấy phép hoạt động. (Ảnh minh họa)

Tiếp theo danh sách xử phạt là Công ty TNHH Venesa (trụ sở công ty tại Hà Nội) do vi phạm tại Trung tâm Venesa Lê Lai (136 Lê Lai, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Với hành vi lập sổ khám bệnh không ghi chép đầy đủ theo quy định, công ty này bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 4 triệu đồng.

Công ty TNHH Thẩm mỹ Quốc tế Sunrise Beauty (221-223-225 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1) bị xử phạt với số tiền 4,7 triệu đồng do không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; không đeo biển tên.

Công ty TNHH Lá Phong Quốc tế (107B Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3) và Công ty TNHH Y tế Hải Lê (52-554 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5) bị xử phạt 4 triệu đồng do ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài danh sách trên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng ra quyết định xử phạt với các cá nhân là chủ cơ sở vi phạm.

Nợ thuế gần 14 tỷ đồng, 'ông lớn' bất động sản Long An bị ngừng sử dụng hóa đơn

Vietnamnet đưa tin, Cục Thuế tỉnh Long An vừa thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Trần Anh Long An (Tran Anh Group), địa chỉ tại Ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Lý do Tran Anh Group không chấp hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gần nhất vào ngày 7/12/2023 của Cục thuế tỉnh Long An.

Trước đó, Cục Thuế tỉnh Long An đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tran Anh Group.

tm-img-alt
Trần Anh Riverside, một trong những dự án của Tran Anh Group tại Long An. (Ảnh: T.A)

Lý do cưỡng chế bằng hình thức trên vì Tran Anh Group nợ tiền thuế quá hạn với số tiền bị cưỡng chế 13,8 tỷ đồng.

Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tran Anh Group có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 27/12/2023 đến ngày 26/12/2024.

Đề nghị truy tố chủ tịch HĐTV và 7 thuộc cấp của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn

Tin trên Vietnamnet, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 8 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

8 bị can gồm: Nguyễn Tín Trung (nguyên chủ tịch HĐTV Resco), Nguyễn Phước Ngọc (nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV Resco, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Quản lý Nhà TP), Hoàng Hải Đăng, Nguyễn Đình Phúc (cùng là nguyên Phó Tổng giám đốc Resco), Đỗ Văn Phúc, Trần Công Đức, Võ Hữu Hải (cùng nguyên thành viên HĐTV Resco) và Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên thành viên HĐTV Resco, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc 8).

tm-img-alt
Trụ sở Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco). Ảnh: VNN

Tiền thân của Resco là Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP.HCM, với chức năng đầu tư xây dựng dự án, nhà ở tái định cư; nhà ở xã hội, chương trình giải tỏa kênh rạch, chung cư... Năm 2010, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chuyển thành Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (gọi tắt là Resco).

Cũng trong năm 2010, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao cho Resco thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Rạch Ụ Cây.

Đồng thời, giai đoạn sau đó, UBND TP cũng chấp thuận cho Resco chuyển đổi mục đích sử dụng 15 mặt bằng nhà, đất để cấn trừ vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án Rạch Ụ Cây thay vì phải nộp vào ngân sách thành phố.

Quyết định có nêu “tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp tục quản lý sử dụng (chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất) để đầu tư khai thác kinh doanh theo quy hoạch của UBND TP.HCM”.

Tuy nhiên, sau đó Resco không thực hiện theo chỉ đạo mà tiến hành chuyển nhượng một số mặt bằng được giao.

Cụ thể, Resco đã chuyển nhượng mặt bằng tại số 299/18 đường Lý Thường Kiệt cho Công ty CP Địa ốc 7 (có 20% vốn của Resco) với giá 38,2 tỷ đồng, và chuyển nhượng mặt bằng tại số 682 đường Hồng Bàng cho Công ty CP Xây dựng địa ốc Nam Việt (có 20% vốn của Resco) với giá hơn 22,2 tỷ đồng.

Sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước hoàn tất thủ tục cập nhật giấy nhận quyền sử dụng đất thì Công ty CP Địa ốc 7 và Công ty CP Xây dựng địa ốc Nam Việt, đã chuyển nhượng hai khu đất cho các cá nhân.

Cơ quan điều tra xác định, Resco đã chuyển nhượng 2 mặt bằng nói trên là không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, không thông qua đấu thầu và gây thất thoát 4 tỷ đồng.

Vụ án được phát hiện khi Thanh tra TP.HCM tiến hành thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Resco. Khi tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra TP.HCM, Công an TP đã vào cuộc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 bị can nói trên.

Quá trình điều tra các bị can thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi và nộp một phần tiền khắc phục hậu quả.

Động đất tại Nhật Bản: Số người mất tích lên tới hơn 300 người

Truyền thông Nhật Bản đưa tin tính đến 9h sáng 8/1 (theo giờ địa phương), số người mất tích trong vụ động đất tại tỉnh Ishikawa ngày 1/1 vừa qua đã tăng lên 323 người.

tm-img-alt
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau động đất tại tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản ngày 6/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong khi đó, theo đài NHK, số người thiệt mạng trong trận động đất có độ lớn 7,6 này đã tăng lên 168 người. Trong danh sách cập nhật do chính quyền tỉnh Ishikawa công bố, số người mất tích tại Wajima - một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do động đất, đã tăng từ 31 người lên 281 người.

Động đất đã làm sập hàng chục ngôi nhà tại Wajima, trong khi hỏa hoạn đã thiêu rụi một khu vực rộng lớn tại đây.

Tuyết rơi dày cản trở hoạt động cứu hộ trong khi hơn 2.300 người vẫn đang bị cô lập, chủ yếu do các tuyến đường bị chia cắt, sạt lở. Tính đến ngày 8/1, khoảng 18.000 hộ gia đình ở Ishikawa vẫn phải sống trong cảnh mất điện, trong khi hơn 66.100 hộ gia đình vẫn không có nước trong ngày 7/1.

Khoảng 28.800 người đang phải trú trong các khu lánh nạn khẩn cấp, trong đó nhiều khu không có đủ điện, nước và thiết bị sưởi ấm.

Trong khi đó, nhà chức trách cảnh báo tuyết rơi dày, nhiều nơi lên tới hơn 10 cm, có thể khiến thêm nhiều nhà cửa bị sập và mưa kéo dài nhiều ngày có thể làm tăng nguy cơ sạt lở đất.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề