Thứ tư, 01/05/2024 22:08 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/12/2023

MTĐT -  Thứ năm, 14/12/2023 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội làm thêm công viên rộng hơn 95ha tại quận Hà Đông

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Hà Đông vừa tổ chức lễ công bố quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, tỷ lệ 1/500, thuộc địa bàn 3 phường: Hà Cầu, Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2023, tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 95ha. Trong đó phường Hà Cầu có diện tích khoảng 33,98ha, phường Kiến Hưng có diện tích khoảng 62,03ha.

Khu đất có ranh giới phía Đông Bắc giáp dự án đầu tư nhà ở công vụ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và khu đất của hợp tác xã nông nghiệp Hà Trì. Phía Tây Bắc giáp trung tâm hành chính quận Hà Đông và khu vực dân cư phường Hà Cầu. Phía Đông giáp khu dân cư của phường Kiến Hưng và khu đất dịch vụ của phường Kiến Hưng. Phía Tây giáp với khu đô thị mới Văn Phú.

Mục tiêu của việc lập quy hoạch là nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, phù hợp với định hướng Quy hoạch phân khu đô thị S4, tỷ lệ 1/5000.

tm-img-alt
Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 95 ha. (Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)

Tạo lập một không gian sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh vui chơi giải trí của Thành phố. Nâng cao điều kiện môi trường sống của nhân dân, cải thiện vi khí hậu, đồng thời tạo tiền đề cho việc nâng cao thể chất, tinh thần, sức khỏe cho dân cư khu vực

Tạo lập trục không gian kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn đô thị, hài hòa với các tuyến đường lớn, các dự án đầu tư lân cận và các khu vực dân cư hiện hữu xung quanh. Tổ chức không gian cảnh quan gắn với văn hóa - lịch sử địa phương. Khớp nối đồng bộ về tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật khu vực xây dựng với khu vực hiện có.

Về các chức năng sử dụng đất, đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, đất đường giao thông theo quy hoạch nằm ngoài Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông có diện tích khoảng 23.088m2, chiếm 2,43%. Đất di tích có diện tích khoảng 1.687m2, chiếm 0,18%. Đất văn hóa có diện tích khoảng 734m2, chiếm 0,08%.

Đất Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông có diện tích khoảng 924.619m2, chiếm 97,32% . Trong đó, đất khu công viên văn hóa, hồ nước, cây xanh có diện tích khoảng 467.199m2 (diện tích mặt nước khoảng 35ha), mật độ xây dựng gộp tối đa khoảng 0,53%. Đất khu chức năng công viên vui chơi giải trí (công viên chuyên đề) có diện tích khoảng 231.173m2, mật độ xây dựng gộp tối đa khoảng 8,03%. Đất khu chức năng thể dục thể thao có diện tích khoảng 226.247m2, mật độ xây dựng gộp tối đa khoảng 11,11%

Về giải pháp quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu công viên được nghiên cứu kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên của khu công viên cây xanh, hồ nước với các công trình kiến trúc. Ý tưởng thiết kế lấy mặt nước là trung tâm, các hướng tiếp cận chính dẫn vào các trục không gian chính của công viên và công trình điểm nhấn nằm tại vị trí giao điểm của các trục chính.

Trên các trục chính đều được thiết kế các quảng trường với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Quảng trường vừa là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, lễ hội, vui chơi giải trí vừa là nơi để Nhân dân dạo bộ, giao lưu cộng đồng.

Các quảng trường được thiết kế gồm sân vườn đường dạo, trồng nhiều cây xanh kết hợp với vật liệu ốp lát theo các chủ đề và xử lý không gian bằng các cao độ khác nhau vừa tăng sức hấp dẫn cho người đi bộ vừa tạo các không gian mở trong chuỗi kết nối liên hoàn giữa các chức năng chính của công viên.

Hồ nước trong công viên có chức năng vừa là hồ điều hòa vừa tạo cảnh quan và nằm trong hệ thống kết nối hệ thống cây xanh mặt nước của công viên với mặt nước, cây xanh trong khu vực.

Trong các khu cây xanh bố trí các đường dạo tạo sự thay đổi về không gian, hướng nhìn tăng sự hấp dẫn cho khách tham quan, vui chơi giải trí. Kết hợp giữa đường đi dạo và các khoảng sân mở rộng làm nơi nghỉ chân tập trung, ngắm cảnh.

Phối kết các loại cây xanh và yếu tố thiên nhiên như mặt nước, đồi núi non bộ nhân tạo, tạo nên những tiểu cảnh hấp dẫn và có đặc trưng riêng cho từng khu vực. Ngoài cây xanh và yếu tố thiên nhiên, kết hợp bố trí các công trình kiến trúc nhỏ như chòi nghỉ, ghế đá, quán dịch vụ... phục vụ khách tham quan.

Đô thị Chũ hướng đến mô hình thành phố “sinh thái nông nghiệp và du lịch”

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, đồ án thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Nhiệm vụ Quy hoạch.

Thứ trưởng lưu ý một số nội dung như, phạm vi ranh giới cần đảm bảo mục tiêu quy hoạch đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính và phù hợp với các quy hoạch cấp trên; bổ sung đánh giá thực trạng phát triển, so sánh các tiêu chí so với tiêu chí của đô thị loại III; rà soát, phân tích thêm các yếu tố về vị trí, vai trò và hạ tầng trong mối liên hệ vùng của đô thị loại III.

Quy hoạch đưa ra nhiều điểm mới, sáng tạo, trong đó đáng chú ý là mô hình kinh tế nông nghiệp (nông nghiệp kết hợp với du lịch), Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn lưu ý cần có số liệu cụ thể hơn, phân tích rõ hơn để xác định động lực cho phát triển. Bên cạnh đó, về phát triển công nghiệp, cần làm rõ hơn tính chất công nghiệp hay chỉ đơn thuần là chế biến nông sản.

Đối với các dự báo về dân số và đất đai, Thứ trưởng cho biết, hiện chỉ tiêu về đất đai đang được dự báo cao hơn so với Nhiệm vụ Quy hoạch, trong khi chỉ tiêu dân số giữ nguyên như cũ, điều này cho thấy sự chưa phù hợp so với Nhiệm vụ Quy hoạch và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, do đó cần tính toán lại để đảm bảo tính khả thi; đồng thời thực hiện rà soát lại các dự án ưu tiên; tập trung nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 phát triển đô thị Chũ thành thị xã…

Liên quan đến đồ án Quy hoạch, tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng nghiệm thu lưu ý một số nội dung, phạm vi lập quy hoạch cần bám sát nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch, lưu ý phạm vi không bao gồm thôn Khuôn Rẽo, xã Thanh Hải; tiếp tục rà soát các căn cứ chính trị, pháp lý liên quan; rà soát các nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, mật độ dân cư, yêu cầu của các nghị quyết liên quan; đánh giá hiện trạng, lưu ý về tỉ lệ đô thị hoá.

Đối với mục tiêu phát triển Chũ thành thủ phủ trái cây của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cần có thêm các căn cứ pháp lý liên quan đến việc xác định tính chất, vai trò của đô thị Chũ; bên cạnh đó cần làm rõ hơn thực trạng đất đơn vị ở, đất đơn vị ở mới… để tiệm cận với chỉ tiêu theo quy định; cần làm rõ hơn mô hình đô thị kết hợp với nông nghiệp, dịch vụ; rà soát lại quy hoạch sân golf cũng như tính chất đất sân golf được sử dụng là đất du lịch hay đất cây xanh chuyên đề; xem xét lại tỉ trọng đất du lịch trong đồ án; tỉ trọng đất giao thông cũng cần đảm bảo theo tiêu chuẩn…

Một số nội dung khác cần lưu ý, thực hiện di dân khỏi các khu vực hay sạt lở; có hành lang bảo vệ kênh rạch; lưu ý tăng tỉ lệ giao thông công cộng để đáp ứng tiêu chí đô thị loại III; một số khu vực trũng, ngập nước cần tăng cường hồ điều hoà để chống ngập; tăng cường các cơ sở xử lý nước thải, nhất là khu vực sản xuất mì Chũ;..

Đô thị Chũ hướng đến mô hình thành phố “sinh thái nông nghiệp và du lịch”
Mô hình quy hoạch đô thị Chũ. Ảnh: địa phương cung cấp.

Trước đó, theo dự thảo Quy hoạch được tư vấn trình bày tại Hội nghị, phạm vi, ranh giới khu vực lập quy hoạch gồm 10 đơn vị hành chính của huyện Lục Ngạn, có diện tích tự nhiên 25.155 ha.

Ranh giới cụ thể phía Bắc giáp các xã Sơn Hải, Biên Sơn, Thanh Hải - huyện Lục Ngạn và các xã Hòa Sơn, Tân Thành - huyện Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn và các xã Trường Giang, Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; phía Đông giáp các xã Tân Lập, Tân Quang, Giáp Sơn, Biên Sơn và Trung tâm huấn luyện Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp các xã Cương Sơn, Đông Phú, Đông Hưng thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và xã Tân Thành thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Thời hạn lập quy hoạch: ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.

Thành phố Thái Bình sắp mở rộng gần gấp đôi khi sáp nhập

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tỉnh này đề xuất bổ sung 8 đô thị so với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 2/2021 (Quyết định 241/QĐ-TTg).

Cùng với đó, tỉnh Thái Bình dự kiến mở rộng các đô thị sau: Quỳnh Côi (gồm thị trấn Quỳnh Côi, thị trấn An Bài và các xã Quỳnh Giao, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hải, Quỳnh Hội, An Ninh, An Vũ, An Lễ, An Quý, An Ấp); Hưng Hà (gồm thị trấn Hưng Hà; thị trấn Hưng Nhân và các xã Thống Nhất, Hồng Lĩnh, Minh Khai, Kim Trung, Tân Lễ, Tiến Đức, Liên Hiệp, Thái Hưng, Phúc Khánh, Thái Phương); Tiền Hải (gồm thị trấn Tiền Hải và các xã Tây Giang, Tây Ninh, Đông Lâm, Đông Cơ, Đông Minh); Thành phố Thái Bình: Tân Phong, Vũ Hội (huyện Vũ Thư); Đông Dương, Đông Quang, Đông Hoàng, Đông Xuân (huyện Đông Hưng); Tây Sơn, Vũ Lễ, Vũ An, Vũ Ninh (huyện Kiến Xương); Kiến Xương (gồm thị trấn Kiến Xương và các xã Quang Trung, Bình Minh).

Cụ thể, theo quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030, TP Thái Bình (hiện là đô thị loại II, diện tích tự nhiên là 68,1 km2, dân số khoảng 208.162 người) sẽ được đưa lên đô thị loại I.

tm-img-alt
Một góc thành phố Thái Bình.

Để đạt được các tiêu chí đô thị loại I, TP Thái Bình dự kiến định hướng trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung hoàn thiện có sở hạ tầng theo tiêu chí đô thị loại I; chuyển trọng tâm phát triển về phía đông, hoàn thiện mô hình thành phố hai bên sông Trà Lý. Phát triển đô thị từng phần, có trọng tâm trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tập trung phát triển đô thị phía bên trong tuyến tránh S1 và đường Vành đai phía nam thành phố.

Trong quy hoạch Thái Bình giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến đến năm 2030, phát triển mở rộng không gian thành phố tập trung về phía đông và đông bắc thêm các xã: Tân Phong, Trung An (huyện Vũ Thư); Tây Sơn, An Bình, Quốc Tuấn, Bình Nguyên, Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang (huyện Kiến Xương). Diện tích tự nhiên toàn đô thị là 131,87 km2; quy mô dân số toàn đô thị đến năm 2030 khoảng 566.479 người; trong đó dân số nội thị khoảng 496.000 người.

Hà Nam: Mời gọi đầu tư cho dự án khu dân cư với quy mô gần 620 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đăng ký tham gia Dự án Xây dựng Khu dân cư nông thôn mới tại xã Nhật Tân, Đồng Hóa. Dự án này nằm trong quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu nhà ở đô thị tại các xã Đại Cương, Nhật Tân, Đồng Hóa, Nhật Tựu thuộc huyện Kim Bảng (mã quy hoạch KB-ĐT.40.22) với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến gần 620 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án có diện tích là 9,545 hecta, tập trung đầu tư vào hệ thống đường giao thông, xây dựng và hoàn thiện mặt ngoài của các căn nhà ở liền kề dọc theo các tuyến đường trục cảnh quan. Quy mô dân số dự kiến là 1.288 người.

Mục tiêu của việc đầu tư vào Dự án là tạo ra một khu nhà ở với kiến trúc cảnh quan đẹp, hài hòa giữa khu phát triển mới và khu dân cư hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở.

Hạn cuối để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 9/1/2024.

Đèo Prenn chính thức thông tuyến 3km đầu tiên ở cửa ngõ Đà Lạt

Đây là một đoạn tuyến thuộc Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đèo Prenn nối thành phố Đà Lạt với tuyến cao tốc Prenn đi sân bay Liên Khương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), khởi công từ tháng 2/2023.

Đoạn còn lại từ thác Đatanla tới chân đèo Prenn dự kiến sẽ thông đường trong tháng 1/2024. Hiện tại các phương tiện đi từ thành phố Đà Lạt về phía Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đi theo tuyến đèo Mimosa.

Đoạn tuyến thông đường này dài 2,88 km, bắt đầu từ thác Đatanla tại Km 226+165 tới điểm cuối tuyến tại km 229+049, giáp đường 3 tháng 4, thành phố Đà Lạt. Sau khi thông đoạn đường này (bắt đầu từ 8 giờ 30 ngày 14/12), du khách có thể dễ dàng từ thành phố Đà Lạt đi tới các điểm, khu du lịch nổi tiếng như thác Đatanla, Thiền Viện Trúc Lâm, Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm… và nối vào đèo Sacom để tới cao tốc Prenn- Liên Khương. Tuy nhiên, đoạn tuyến này vẫn cấm xe tải hoạt động như những năm trước đây.

tm-img-alt
UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thông tuyến dự án, nâng cấp đèo Prenn. Ảnh: Mai Hương.

Theo Quyết định số 1548/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đèo Prenn có tổng chiều dài 7,4km, với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 15,5m, mặt đường rộng 14,5m, dọc tuyến có thiết kế 1 cầu cạn cải tuyến tại Km224+854, bố trí 4 điểm dừng xe và 2 sân vọng cảnh.

Tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương; thời gian thực hiện dự án năm 2022-2023.

Đây là dự án rất quan trọng của tuyến đường cửa ngõ thành phố Đà Lạt kết nối với Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Đồng thời, kết nối với Cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Đại diện đơn vị thi công cho biết đây là dự án đặc thù do có địa hình hiểm trở, phức tạp với một bên là vách núi, một bên là vực sâu với độ cao rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao về kỹ thuật và phương án tổ chức thi công chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người lao động trực tiếp tại công trường, cũng như cho người lưu thông qua đèo sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác.

Thêm vào đó, mùa mưa năm nay diễn biến hết sức phức tạp, mưa lớn kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 làm ảnh hưởng lớn đến khâu tổ chức thi công ở công trường.

Nguy hiểm hơn là thời tiết mưa lớn gây hiện tượng sụt trượt đất, đặc biệt là với địa hình đèo dốc như tại Prenn, làm thay đổi hiện trạng công trình, nhà thầu phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế và phương án tổ chức thi công dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ.

Để đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch đã đề ra, nhà thầu Đèo Cả đã tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức tăng ca, có những hạng mục thay ca thi công 24/24 giờ liên tục không nghỉ để bù đắp tiến độ.

Bên cạnh các yếu tố tiến độ, chất lượng, nhà thầu rất chú trọng tới tính thẩm mỹ, đáp ứng mục tiêu nâng cấp mở rộng đèo Prenn trở thành đường đèo du lịch rộng nhất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

TP.HCM yêu cầu khắc phục bất cập trong thi công dự án giao thông

Theo Sở GTVT, thời gian vừa qua, quá trình thi công các dự án, công trình giao thông trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều bất cập liên quan đến công tác tổ chức giao thông, rào chắn công trường, vệ sinh môi trường,… làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở GTVT đề nghị các chủ đầu tư gồm: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị chỉ đạo các đơn vị liên quan tuân thủ chặt chẽ phương án tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án.

Trong quá trình thi công các dự án, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, lực lượng điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông trong suốt quá trình thi công; kiểm tra, thay thế hàng rào cũ, hư hỏng, lắp đặt đầy đủ hệ thống đèn chớp cảnh báo tại hàng rào vào ban đêm theo quy định.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Sở GTVT cũng giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị phối hợp Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, rà soát, đối chiếu phương án tổ chức giao thông, phạm vi rào chắn chiếm dụng mặt đường ngoài hiện trường so với phương án, giấy phép thi công đã được Sở GTVT thông qua đối với các công trình.

Cụ thể gồm: công trình xây dựng nút giao thông An Phú, xây dựng cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của, dự án vệ sinh môi trường TPHCM - Giai đoạn 2 trên đường Trần Não, Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức); Công trình xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).

Ngoài ra, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống hàng rào, vệ sinh môi trường khu vực thi công, hệ thống biển báo hướng dẫn khu vực công trường thi công để yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới