Thứ ba, 30/04/2024 02:03 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/11/2023

MTĐT -  Thứ hai, 27/11/2023 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)

Sáng 27/11, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể và toàn văn luật này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo đó, Luật Nhà ở vừa thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. 

Trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể và toàn văn Luật Nhà ở sửa đổi, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Về một số nội dung tiếp thu, giải trình liên quan đến yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi khu vực chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê, tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định.

Theo đó, quy định cụ thể như sau: "Tại các khu vực phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê. Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để người dân tự xây dựng nhà ở…".

Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp…

tm-img-alt
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Internet)

Đối với xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ tại Báo cáo số 642 ngày 16/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật. Bởi các lý do như: Tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; tránh gây xung đột với các Luật liên quan…

Về quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành phương án quy định tổng liên đoàn là cơ quan chủ quản dự án.

Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao tổng liên đoàn đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Ý kiến khác cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định tổng liên đoàn là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổng liên đoàn trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động...

Dự thảo luật quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nguồn tài chính công đoàn; giới hạn phạm vi thực hiện (tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, không đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân) để nâng cao tính khả thi.

Bên cạnh đó, các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải bảo đảm tính thống nhất với các nội dung chính sách của Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Các vấn đề đó là trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở; giao đất, cho thuê đất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án phát triển một số loại hình nhà ở thuộc diện Nhà nước ưu đãi, khuyến khích; thế chấp nhà ở.

Đồng thời, Luật Đất đai cần có các quy định chuyển tiếp về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phù hợp với các chính sách mới về đất đai.

Hà Nội rà soát quỹ đất xây nhà ở và các công trình thiết chế văn hóa cho công nhân

Theo đó, thành phố yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện có khu công nghiệp rà soát tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp; chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện phần hạ tầng chưa xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Đồng thời, thành phố yêu cầu đôn đốc các đơn vị được giao chỉnh trang các khu công nghiệp đang hoạt động; phối hợp rà soát nhu cầu nhà ở công nhân, rà soát điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân và các công trình thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.

tm-img-alt

Thành phố phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, theo quy hoạch được duyệt; 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, thành phố hiện có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy gần 100%; 1 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút dự án đầu tư.

Đến thời điểm này, một số khu công nghiệp hoạt động từ 15 năm đến 20 năm, có khu công nghiệp hoạt động trên 20 năm, song về cơ bản chưa được chủ đầu tư hạ tầng quan tâm duy tu, cải tạo thường xuyên, dẫn đến tình trạng xuống cấp về hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường.

Một số khu công nghiệp đã hình thành và hoạt động nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ.

Mặt khác, trong tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng), với thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà ở cho công nhân còn chậm, một số khu nhà ở công nhân chưa được chú trọng các hạng mục thiết chế văn hóa.

Hà Nội: Tổ chức lại giao thông qua cầu Chương Dương

Cụ thể, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo thời gian thực hiện 22h30’ hôm trước đến 4h30’ sáng hôm sau từ ngày 27/11 - 27/12/2023 để thi công bảo dưỡng tuyến ống cấp nước DN300.

Theo đó, cấm ô tô đi vào làn đường hỗn hợp từ 22h30’ đến 4h30’ sáng hôm sau. Các phương tiện xe máy, xe thô sơ đi vào làn đường hỗn hợp.

tm-img-alt
Cấm phương tiện qua cầu Chương Dương sau 22h30 từ ngày 27/11 - 27/12.(Ảnh: Internet)

Đồng thời cho phép xe cẩu 1,25T phục vụ thi công đi vào làn đường hỗn hợp. Xe cẩu 1,25T phục vụ thi công đỗ sát vào bên phải của làn đường hỗn hợp, xe máy, xe thô sơ sẽ lưu thông về bên trái của làn đường. Tại vị trí xe cẩu 1,25T phục vụ thi công phải có biển báo, rào chắn để đảm an toàn giao thông khu vực.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương lập chốt phân luồng từ xa và tại chỗ theo bản vẽ biện pháp thi công do đơn vị thi công lập.

Đơn vị thi công có trách nhiệm bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo, đèn chiếu sáng ban đêm và đèn báo hiệu và rào mềm trên đoạn thi công đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện. Bố trí người hướng dẫn phân luồng giao thông tại phạm vi thi công để đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc.

Nhà đầu tư quan tâm dự án khu đô thị hơn 1.000 tỷ đồng tại Quảng Bình

Nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án là Liên danh Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco - Công ty TNHH Đầu tư Địa Trung Hải. Dự án được thực hiện tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh trên khu đất 350.800 m2 (không bao gồm phạm vi tuyến đường Phú Hải - Lương Ninh), tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 70 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: Internet.

Dự án Khu đô thị mới Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với tổng chi phí thực hiện dự kiến 1.061 tỷ đồng.

Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ đầu tư Dự án dự kiến từ năm 2023 - 2028.

Đề nghị công bố tình huống khẩn cấp thiên tai cao tốc La Sơn –Túy Loan

Mới đây, Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Cục đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đề nghị công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với thiệt hại trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên (từ Km35+540 đến Km66+00) qua địa phận Đà Nẵng, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 29/10 đến ngày 15/11.

Theo Cục đường bộ Việt Nam, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên (từ Km35+540 - Km66+00) qua Đà Nẵng bị ảnh hưởng của các đợt mưa lớn đã gây sạt lở, đất đá tràn xuống mặt đường lấp rãnh dọc.

Từ ngày 11/11 đến ngày 15/11 do tiếp tục có mưa lớn nên phần đất trên mái taluy đã ở trạng thái bão hòa nước, tiếp tục sạt lở, trôi trượt xuống lấp mặt đường.

tm-img-alt
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn-Hòa Liên (Ảnh: Internet)

Được biết, hiện trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan qua địa phận Đà Nẵng có 2 điểm sạt lở nặng. Tại vị trí Km42+730 đến Km42+800, gần 4800m3 đất đá mái taluy dương dài khoảng 68m tràn xuống, đẩy tường chắn rọ đá dịch chuyển ra lề đường, lấp toàn bộ rãnh dọc, lề đường đến mép mặt đường.

Tại vị trí Km46+330 đến Km46+430, khoảng 18.500m3 đất đá trên mái taluy tiếp tục sạt lở, đẩy đổ 80m tường chắn bê tông xi măng. Đất đá sạt lở đẩy phần tường chắn đã ngã đổ, rọ đá sau lưng tường về phía bên trái tuyến chiếm gần hết mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Từ thực tế nêu trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với thiệt hại trên đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Hòa Liên từ Km35+540 đến Km66+00 qua địa phận Đà Nẵng.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý Đường bộ III (đơn vị quản lý đường bộ khu vực miền Trung) đã chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ khẩn trương triển khai nhân lực, máy móc, thiết bị hót dọn đất đá tại các vị trí sạt lở taluy dương, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, thời tiết tại địa bàn còn diễn biến phức tạp, phần đất taluy dương có nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao, hoạt động giao thông vẫn còn gián đoạn. Trong khi đó, khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông có chi phí với tổng giá trị vượt quá hạn mức quy định.

Tiền Giang: Đầu tư hơn 43,6 tỷ đồng ổn định dân khu sạt lở nguy hiểm Xuân Đông

Tin trên TTXVN, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Trường cho biết nhằm khắc phục sạt lở, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã triển khai dự án "Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm vàm Kỳ Hôn, xã Xuân Đông, Chợ Gạo" có tổng vốn đầu tư trên 43,6 tỷ đồng.

Trong số vốn trên, nguồn vốn ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách địa phương.

tm-img-alt
Tuyến đường nông thôn dọc bờ Nam kênh Chợ Gạo. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang thi công.

Quy mô dự án gồm thi công các công trình bờ kè, gia cố nền, vỉa hè, đường giao thông sau kè cùng các công trình phụ trợ khác. Bờ kè trong dự án tại xã Xuân Đông có chiều dài 530m, cao trình đỉnh kè +2,7; cao trình vỉa hè +2,5. Kè đứng kết cấu bêtông cốt thép cừ dự ứng lực kết hợp sàn giảm tải.

Công trình nhằm chống sạt lở bờ sông, bảo vệ tuyến đường giao thông nông thôn kết hợp ngăn triều cường và xâm nhập mặn, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân bên trong đê. Qua đó, tạo điều kiện tổ chức và bố trí ổn định cuộc sống, giảm nhẹ thiên tai cho 2.549 hộ dân và gần 9.000 nhân khẩu của xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo. Đây là những hộ dân lâu nay phải sống thấp thỏm trong vùng sạt lở nguy hiểm của sông Tiền.

Ngoài ra, dự án còn góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường ven sông, hạn chế tình trạng lấn chiếm bờ sông, rạch, đảm bảo an toàn cho các kiến thiết hạ tầng bờ sông, đảm bảo an toàn giao thông thủy vừa tạo cảnh quan môi trường và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, khu vực vàm Kỳ Hôn vốn thuộc ngã ba sông, nơi kênh Chợ Gạo nối thông ra sông Tiền, có lưu lượng phương tiện thủy dày đặc. Cùng với đó, biến đổi khí hậu làm cho bờ sông phía xã Xuân Đông thời gian qua bị sạt lở nặng nề. Bình quân mỗi năm sạt lở làm mất khoảng 3.000m2 đất, bao gồm vườn tược, nhà cửa của người dân, cơ sở hạ tầng giao thông.

Được khởi công vào tháng Sáu, đến nay, toàn bộ các hạng mục trong dự án "Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm vàm Kỳ Hôn, xã Xuân Đông, Chợ Gạo" đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện giúp bà con không còn lo nguy cơ sạt lở, an tâm phát triển sản xuất.

Quảng Nam đề ra kế hoạch xây dựng 19.600 căn nhà ở xã hội

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Anh Tuấn, vừa phát động kế hoạch triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, Quảng Nam đã đề ra mục tiêu đầu tư và xây dựng khoảng 19.600 căn nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành kiểm tra và lựa chọn các quỹ đất thích hợp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Các vị trí thuận lợi và có thể triển khai ngay hồ sơ và thủ tục sẽ được ưu tiên xem xét, đồng thời tổ chức quy trình chọn nhà đầu tư để bắt đầu triển khai dự án.

Đối với các quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng và đã có đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ chuyển giao lại quyền quản lý cho địa phương. Quá trình lập và phê duyệt danh mục dự án phát triển nhà ở sẽ được triển khai ngay, cùng với việc tổ chức thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư cho dự án nhà ở xã hội trong năm 2023.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đối với các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng mà chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện: yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng, tổ chức triển khai thi công xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật toàn bộ dự án.

Về giải pháp thực hiện, tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các quỹ đất đã được bố trí để phát triển, đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chặt chẽ năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển, đầu tư nhà ở xã hội, đảm bảo đủ điều kiện chủ đầu tư theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án.  

Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở thương mại bình dân và nhà ở bình dân cho thuê để tăng cung - cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình thấp. Bố trí hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện các Đề án của Chính phủ để phát triển nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách, bao gồm đối tượng chính sách về nhà ở xã hội.

Đầu tư 3.500 tỷ đồng xây cầu Cổ Chiên 2 nối Bến Tre - Trà Vinh

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre và Trà Vinh vừa tiến hành khảo sát và thống nhất phương án, vị trí xây cầu Cổ Chiên 2 bắc ngang sông Cổ Chiên nối liền 2 địa phương này song song với cầu Cổ Chiên hiện có.

Theo đó, cầu Cổ Chiên 2 được xây dựng dài 5 km, cách cầu hiện hữu 30 km về phía hạ nguồn, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, dự kiến từ ngân sách Trung ương. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2025 hoàn thành vào năm 2030, thiết kế dạng dây văng, điểm đầu tại xã An Qui (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) và điểm cuối tại xã Long Hòa (huyện Châu Thành, Trà Vinh). Trong đó, cầu chính dài 2 km, quy mô 4 làn xe, phần còn lại là đường dẫn...

Riêng cầu Cổ Chiên hiện hữu thông xe năm 2015, giúp giảm áp lực xe lưu thông trên quốc lộ 1 qua TP Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận, rút ngắn hành trình gần 80 km từ TP.HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.

Khi toàn dự án hoàn thành sẽ giúp phương tiện đi từ từ Sóc Trăng, Trà Vinh qua Bến Tre, Tiền Giang, Long An về TP HCM, rút ngắn khoảng cách hàng chục km, góp phần chia lửa, giảm ùn tắc, tai nạn cho quốc lộ 1 và quốc lộ 50.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đề xuất cầu Cổ Chiên 2 có quy mô 4 làn xe cơ giới, tổng chiều dài khoảng 5.000m gồm: Đường dẫn và cầu chính, trong đó cầu chính dài khoảng 2.000m; dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, đề xuất Trung ương cấp phát vốn 100%.

Giai đoạn chuẩn bị cho dự án năm 2023 - 2024, thực hiện dự án giai đoạn năm 2025 - 2029, thời gian vận hành dự kiến đưa vào khai thác sử dụng năm 2030. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng niềm mong mỏi của người dân 2 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhằm kết nối với TP. Hồ Chí Minh một cách ngắn nhất; tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, cầu Cổ Chiên nối Bến Tre, Trà Vinh thông xe năm 2015, giúp giảm áp lực xe lưu thông trên quốc lộ 1 qua TP Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận, rút ngắn hành trình gần 80 km từ TP HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...