Thứ sáu, 03/05/2024 16:45 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/9/2023

MTĐT -  Thứ ba, 12/09/2023 17:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội cấm những tuyến đường nào phục vụ lễ hội Trung thu phố cổ?

Nhằm phục vụ Lễ hội Trung thu, Sở GTVT Hà Nội sẽ cấm các phương tiện giao thông đường bộ không đi vào các đường phố Hàng Mã từ 7-22h từ ngày 15/9- 29/9/2023 (tức ngày 1/8-15/8 âm lịch)(đoạn từ Hàng Cót-Hàng Gà đến ngã tư Hàng Đường-Đồng Xuân), Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Khoai (đoạn từ ngã tư Đồng Xuân-Hàng Giấy đến ngã ba Hàng Khoai-Hàng Lược) và phố Phùng Hưng (từ ngã ba Lê Văn Linh-Phùng Hưng đến Hàng Cót-Phùng Hưng.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện giao thông đường bộ đi từ phía Đông sang phía Tây và ngược lại theo các tuyến phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, Lò Rèn, Hàng Cá, Ngõ Gạch, Hàng Vải, Lãn Ông.

Các phương tiện giao thông đường bộ đi từ phía Bắc sang phía Nam và ngược lại theo các đường Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải.

tm-img-alt
Cấm đường phục vụ Lễ hội Trung thu phố cổ từ ngày 15/9. (Ảnh: Internet)

Đới với các phương tiện giao thông xe máy, xe đạp điện, xe đạp của các hộ dân trong khu vực cấm đường để phục vụ tổ chức lễ hội Trung thu phố cổ được phép đi ra, vào và có vé tích kê của Ban Quản lý lễ hội để quản lý đảm bảo trật tự an ninh, an toàn giao thông khu vực.

Các điểm giao thông tĩnh phục vụ lễ hội Trung thu, Sở GTVT đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm chủ động, kiểm tra, sắp xếp tổ chức thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt lưu ý điểm giao thông tĩnh bố trí trên vỉa hè phải dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ; lắp đặt các rào chắn di động.

Đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm giao các đơn vị chức năng của quận, Công an quận, UBND phường Hàng Mã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thực hiện cấm đường, phân luồng giao thông theo nội dung phần I nêu trên. 

Chủ trì, chỉ đạo Công an quận, các lực lượng chức năng thuộc quận bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an Thành phố, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các vị trí đầu, cuối tuyến đường (phố) cấm để hướng dẫn các phương tiện giao thông đường bộ không đi vào khu vực cấm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không xảy ra ùn tắc giao thông khu vực. 

Chịu trách nhiệm về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch Covid-19 và vệ sinh môi trường trong khu vực tổ chức Lễ hội Trung thu phố cổ theo quy định hiện hành.

Đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đá cho 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa là hơn 17 triệu m3, cát khoảng hơn 9 triệu m3 và đất đắp khoảng gần 46 triệu m3.

Hai dự án thành phần đoạn đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần tổng cộng hơn 1,3 triệu m3 đáp; khoảng 1,5 triệu m3 đất đắp và hơn 18 triệu m3 cát đắp nền đường.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu, tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án đã đạt được một số kết quả nhưng còn chậm so với yêu cầu.

Với các dự án thành phần từ tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, đến nay các địa phương đã xác nhận 45/69 mỏ các nhà thầu trình. Trong số 45 mỏ đã được xác nhận bản đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 16 mỏ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Hai dự án thành phần cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện nguồn cát sông đảm bảo chất lượng cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh có Sông Tiền và Sông Hậu đi qua. Trữ lượng lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của dự án, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để ưu tiên cung cấp cho dự án với tổng nhu cầu khoảng hơn 18 triệu m3. Đến nay các địa phương đã cơ bản xác định được nguồn vật liệu nhưng các thủ tục cấp cho dự án còn chậm.

Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng để các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công. Số liệu từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã hoàn thành và bàn giao khoảng 653/721,25km (đạt khoảng 90,5%).

Tuy nhiên, nhiều dự án thành phần hiện nay đang vướng mặt bằng “xôi đỗ,” chờ hoàn thành các khu tái định cư. Hiện có tổng số 41.290 hộ dân có đất phải thu hồi, trong đó khoảng 5.806 hộ dân phải bố trí tái định cư tại 150 khu tái định cư, gồm 147 khu xây dựng mới và 3 khu đã có sẵn.

Thành phố Yên Bái là đô thị loại II

Cụ thể, công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái (phạm vi gồm toàn bộ thành phố Yên Bái hiện hữu, trong đó, khu vực nội thành dự kiến gồm có 9 phường hiện hữu và 3 xã: Giới Phiên, Tân Thịnh và Văn Phú).

tm-img-alt
Công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái.

Thành phố Yên Bái nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, vị trí thuận lợi để kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang Thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu và cảng biển, có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ đô thị; có cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, đa dạng về địa hình, thuận lợi để hình thành một đô thị có bản sắc, tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa phong phú.

Những năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, thành phố Yên Bái đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Nhờ đó, kinh tế thành phố phát triển với tốc độ nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh Yên Bái đứng thứ 6/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, trong đó, thành phố Yên Bái đóng góp hơn 30%. Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất của thành phố Yên Bái đạt 10,36%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 88,41%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần xuống còn 0,67%; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98%...

Bất động sản “ăn theo” dự án hạ tầng

Cuối tháng 8, gói thầu 5.10 (thi công nhà ga hành khách) có giá trị khoảng 35.000 tỷ đồng và gói thầu 4.6 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay) thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được khởi công.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp có quỹ đất xung quanh sân bay, đặc biệt là các dự án đang được các cơ quan chức năng vào cuộc tháo gỡ vướng mắc pháp lý đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Một trong những dự án được đánh giá hưởng lợi từ dự án đầu tư công trọng điểm này là Aqua City, do Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) làm chủ đầu tư. Dự án này chỉ cách sân bay Long Thành khoảng 15 - 20 phút di chuyển, ở vị trí kết nối tốt với các tỉnh, thành phố lân cận, xuất hiện trên thị trường ngay đúng “điểm rơi” của nhiều dự án hạ tầng khủng được chấp thuận khởi công như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Sau thời gian vướng mắc thủ tục pháp lý, dự án Aqua City đã được khởi động trở lại. Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai có Công văn cho phép một số căn biệt thự trong tổng số 752 căn thuộc phân khu I và V của dự án được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trên thực tế, 752 căn biệt thự này từng được Sở Xây dựng Đồng Nai cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai từ năm 2020, song đến tháng 11/2022, cơ quan này hủy quyết định nói trên với lý do chủ đầu tư chưa được các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh tài chính.

Bất động sản “ăn theo” dự án hạ tầng
Aqua City là một trong những dự án được hưởng lợi từ sân bay Long Thành.

Cùng với việc hoàn tất thủ tục những căn nhà đã bán cho khách hàng, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép Novaland được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4; tiếp tục triển khai việc đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt để thực hiện cam kết với khách hàng, có nguồn tiền để đầu tư các dự án, từng bước tháo gỡ khó khăn.

DIC Corp cũng là doanh nghiệp được nhìn nhận hưởng lợi lớn từ dự án hạ tầng giao thông lớn tại Đồng Nai, đặc biệt là sân bay Long Thành, nhờ sở hữu dự án Khu đô thị sinh thái Đại Phước tại Đồng Nai, quy mô 465 ha, với tổng vốn đầu tư 7.506 tỷ đồng.

Sonadezi Long Thành, chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản quy mô lớn như Khu công nghiệp Long Thành (gần 487 ha), Cụm công nghiệp Long Phước (75 ha), nhà xưởng cho thuê tại khu công nghiệp Châu Đức (51,62 ha), Khu đô thị Sona Riverview (79 ha)… cũng được nhắc đến nhiều khi nói về những doanh nghiệp hưởng lợi từ siêu dự án đầu tư công.

Ngoài những doanh nghiệp nói trên, hiện khu vực sân bay Long Thành cũng đón nhiều tập đoàn lớn đến phát triển dự án như Khu đô thị Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh, Century City của Kim Oanh Group, hay Khu đô thị STC Long Thành của STC Golden Land, Khu đô thị Izumi City của Nam Long Group, Biên Hòa New City của Tập đoàn Hưng Thịnh…

Sân bay Long Thành cùng hàng loạt trục giao thông kết nối sân bay với các khu đô thị, kinh tế khác khi hoàn thành chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ ở khu vực này. Chưa kể, việc phát triển sân bay sẽ dẫn đến phát triển các dự án thành phần hỗ trợ hoạt động hàng không như kho bãi, dịch vụ và đô thị vệ tinh…, làm tăng nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu đầu tư.

Anh Trần Quang, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, với tầm cỡ một sân bay quốc tế như Long Thành thì làn sóng đầu tư bất động sản đón đầu là dễ hiểu, tuy vậy thanh khoản của các dự án này có tốt hay không còn phụ thuộc vào lượng chuyên gia, người lao động, du khách… đổ về khi sân bay đi vào hoạt động.

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc nhìn nhận, sở dĩ các chủ đầu tư bất động sản thời gian qua tập trung mạnh vào thị trường này xuất phát từ tầm nhìn đón đầu một xu thế. Xét ở góc độ cơ hội thị trường sắp tới, Long Thành vẫn sẽ là “vùng trũng” hút vốn đầu tư, nhưng cơ hội thật sự còn tùy thuộc vào vị trí dự án, tư duy của các nhà phát triển bất động sản.

Lâm Đồng: Kiểm tra việc mở đường vào dự án tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm

Thời gian qua, theo đề xuất của Sở Xây dựng và Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; UBND tỉnh đã thống nhất chưa đủ điều kiện, xem xét cho mở đường vào dự án của Công ty TNHH Đất Việt Đà Lạt tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.

tm-img-alt
Một góc hồ Tuyền Lâm Đà Lạt, Lâm Đồng

Tuy nhiên, qua phản ánh của quần chúng nhân dân, hiện nay, chủ đầu tư đã tự ý san gặt mặt bằng để mở đường vào khu vực dự án trái quy định, không phù hợp quy hoạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

UBND tỉnh giao UBND thành phố Đà Lạt chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, các Sở: Xây dựng, Tài nguyên- Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định; làm rõ trách nhiệm, tổ chức, cá nhân có liên quan. Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 16/9/2023.  

Quảng Nam kiến nghị bổ sung 145 tỉ đồng để bảo trì QL14D

Ngày 11/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký công văn số 5985/UBND-KTN gửi Bộ GT-VT về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tuyến QL14D.

Theo nội dung văn bản, hiện nay lưu lượng xe chở hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang theo QL14D, QL14B về cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) ngày càng nhiều và có xu hướng tăng cao, nên tuyến đường QL14D không đảm bảo thuận lợi và an toàn lưu thông.

Đặc biệt đối với xe đầu kéo, 2 xe chạy ngược chiều tránh nhau rất khó khăn, do tồn tại nhiều vị trí đường cong có bán kính nhỏ, mặt đường hẹp. Kết cấu mặt đường không đáp ứng được tải trọng và lưu lượng xe như hiện nay nên đã bắt đầu phát sinh nhiều hư hỏng. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra, gây khó khăn cho các phương tiện và làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của nhân dân trong khu vực.

Hiện Sở GTVT Quảng Nam đang thực hiện về quản lý bảo dưỡng thường xuyên (vá ổ gà, tuần đường, sửa chữa định kỳ…) chưa giải quyết được các vấn đề nêu trên. Do đó, QL14D cần phải sửa chữa, cải tạo, đầu tư nâng cấp để đảm bảo nhu cầu vận tải và ATGT trên tuyến.

tm-img-alt
Tuyến QL14D đang xuống cấp nghiêm trọng cần được sửa chữa, nâng cấp. (Ảnh: Internet)

Trước thực trạng trên tuyến Quốc lộ 14D, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất dừng nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT), để chuyển sang hình thức đầu tư công.

Đồng thời, chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất, bổ sung dự án Mở rộng, nâng cấp QL14D tỉnh Quảng Nam vào danh mục các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài để nâng cấp, cải tạo các quốc lộ kết nối với Lào.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT thực hiện một số nội dung khẩn cấp trong thời gian chờ đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 14D; Bổ sung kinh phí để thực hiện sửa chữa nền mặt đường, cải thiện các đường cong nằm có bán kính nhỏ và các đoạn có nền, mặt đường hư hỏng nặng, nhỏ hẹp (ngoài các đoạn đã được chấp thuận trong kế hoạch bảo trì năm 2023, 2024). Tổng kinh phí khoảng 145 tỷ đồng, thực hiện trong kế hoạch bảo trì năm 2024.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 – 2030 với tổng kinh phí hơn 2.700 tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp QL14D nhằm giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay lưu lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng tăng, do đó việc đầu tư mở rộng nâng cấp QL14D là rất cần thiết và cấp bách.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới