Thứ bảy, 27/04/2024 06:05 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/2/2023

MTĐT -  Thứ ba, 21/02/2023 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Kiểm tra xử lý ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, Bắc Ninh

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Phú Lâm ( huyện Tiên Du) diễn ra trong thời gian dài mà chưa có biện pháp xử lý triệt để, chiều 20/2, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tiến hành kiểm tra, chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Trực tiếp kiểm tra, khảo sát thực tiễn tại Công ty Cổ phần giấy Liên Việt; Công ty giấy và bao bì Phú Giang và Nhà máy xử lý nước thải và thu gom rác tại CCN Phú Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của huyện Tiên Du trong việc chủ động vào cuộc, xử lý quyết liệt các vi phạm, góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường tại CCN Phú Lâm thời gian qua.

tm-img-alt
Cảnh tượng ô nhiễm kinh hoàng ở Phú Lâm nhìn từ trên cao.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây là phải thực hiện chuyển đổi CCN thành khu đô thị. Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh và các quy hoạch phân khu, huyện Tiên Du cần nghiên cứu, lập Đề án chuyển đổi CCN Phú Lâm thành khu đô thị; gửi văn bản thông báo tới các doanh nghiệp về chủ trương chuyển đổi để các doanh nghiệp nhận thức và có giải pháp sản xuất trong thời gian tới.

Giải pháp trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Tiên Du quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Công ty Cổ phần Môi trường xanh Kinh Bắc - chủ đầu tư Nhà máy xử lý nước thải và thu gom rác tại CCN Phú Lâm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục để đưa vào vận hành giai đoạn 1 trong tháng 3.

Huyện phối hợp với các sở, ngành có giải pháp xử lý cấp bách khu vực lưu chứa của Trạm bơm Phú Lâm 2; xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm hành lang đê, đất nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải ra ngoài môi trường; Phát huy vai trò của các Tổ tự quản, thực hiện ký cam kết trong việc giám sát hoạt động của cá doanh nghiệp trong CCN; triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát trong CCN; Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có phương án chữa cháy chạy chỗ, đảm bảo an toàn con người, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường của tỉnh.

>>> Xem đầy đủ TẠI ĐÂY

Hội thảo khởi động hoạt động xây dựng lộ trình phát thải ròng carbon cho TP Đà Nẵng

Ngày 21/2, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khởi động hoạt động Xây dựng lộ trình phát thải ròng carbon cho thành phố Đà Nẵng, do Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam hỗ trợ.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã thông tin, đề xuất Kế hoạch, lộ trình thực hiện phát thải ròng carbon vào năm 2050 cho thành phố Đà Nẵng; Giới thiệu về Phương pháp tiếp cận và kinh nghiệm quốc tế xây dựng chiến lược và hoạt động hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải; Đề xuất một số chính sách và kế hoạch hành động của thành phố Đà Nẵng liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanhphát triển bền vững. Đồng thời, Hội thảo cũng nghe các ý kiến, thảo luận, đóng góp của đại biểu nhằm hoàn thiện kế hoạch để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Trong năm 2023, Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng, do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động. Trong đó, đối với xây dựng lộ trình thành phố không phát thải, đơn vị sẽ thực hiện các hoạt động như: Tổ chức hội thảo tham vấn, thu hút sự tham gia của các bên liên quan; Xây dựng các kịch bản phát thải và các biện pháp giảm phát thải phù hợp với bối cảnh địa phương; Phân tích các rào cản về kỹ thuật, chính sách, tài chính, xã hội khi thực hiện kế hoạch net-zero city và đề xuất các phương án giải quyết rào cản; xây dựng lộ trình phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, net-zero, hay phát thải ròng bằng 0 nghĩa là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần về bằng 0 càng sớm càng tốt.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Lâm Đồng: Phát hiện vụ mua bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã quy mô lớn

Ngày 19/2, Công an huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đã bắt quả tang Đặng Thị Việt Hoài (SN 1980, trú tại xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông) đang có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã.

Kiểm tra nhà của đối tượng, lực lượng Công an phát hiện trong các chuồng trại tại khuôn viên nhà của Đặng Thị Việt Hoài đang nhốt 26 cá thể chồn hương, 3 cá thể rắn (trong đó có 2 cá thể rắn hổ chúa), 6 cá thể gà rừng, 37 cá thể dúi, 1 cá thể gà lôi.

Trong các tủ đông, lực lượng chức năng còn phát hiện 6kg thịt sóc, 15kg heo rừng, 4kg gà rừng và 3 cá thể chồn đã chết.

Làm việc với cơ quan điều tra, Đặng Thị Việt Hoài khai nhận, số động vật hoang dã trên do đối tượng mua gom từ nhiều người đi săn, bẫy được để bán lại kiếm lời. Một số cá thể dúi, chồn thì do đối tượng mua giống về nuôi, tuy nhiên chưa được cơ quan nhà nước cấp phép nuôi nhốt.

Công an huyện đang phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện để điều tra, xử lý vụ việc.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Khánh Hòa: Thả 1 cá thể rùa xanh về tự nhiên

Sáng 21/2, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa phối hợp Trạm Biên phòng Hòn Rớ (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Nha Trang), Ban Quản lý vịnh Nha Trang tổ chức thả 1 cá thể rùa xanh quý hiếm về môi trường tự nhiên tại vùng lõi Khu bảo tồn biển Hòn Mun (TP. Nha Trang).

Trước đó, khoảng 5h sáng cùng ngày, cá thể rùa xanh có chiều dài 1,4m, chiều ngang 0,75m, nặng khoảng 90-100kg bị vướng lưới ngư dân trong quá trình khai thác, ngư dân đã giao nộp cho lực lượng chức năng để thả lại về tự nhiên.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng tổ chức thả cá thể rùa xanh về vùng lõi Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Ảnh: Chi cục thủy sản Khánh Hòa

Rùa xanh (tên khoa học Chelonia mydas) là loài động vật thuộc Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài quý hiếm, nguy cấp, được ưu tiên bảo vệ.

Bạc Liêu phát động trồng rừng “sống khỏe góp xanh”

Ngày 21/2, Lễ phát động trồng rừng ven biển trong chương trình "Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" đã diễn ra tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Chương trình do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), Công ty TNHH Panasonic Việt Nam và Sở NN&PTNT Bạc Liêu phối hợp thực hiện tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình.

tm-img-alt
Đại diện Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” trao bảng tượng trưng tặng 15.800 cây đước cho Sở NN&PTNT Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN.

Tại buổi lễ, đại diện Chương trình đã trao tặng tỉnh Bạc Liêu 15.800 cây đước để cán bộ, Nhân dân địa phương trồng tại rừng phòng hộ ven biển Đông, góp phần tăng diện tích rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng so với diện tích tự nhiện của tỉnh.

Sở NN&PTNT Bạc Liêu yêu cầu trồng rừng phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ để cây sau khi được trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Chương trình thực hiện trong năm 2022 - 2023, hướng đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc trồng hàng trăm ngàn cây xanh trên quy mô toàn quốc, tập trung vào các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh khỏe mạnh”, Chương trình đặt mục tiêu mang đến cho cộng đồng nhận thức và sự lan tỏa về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu đến tới mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Anh.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Nhật Bản chuẩn bị xả 1,3 triệu tấn nước thải đã qua xử lý ra biển

Gần 12 năm trước, một trận động đất và sóng thần lớn đã gây ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi của Nhật Bản. Các lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động - một quá trình sẽ mất 40 năm để hoàn thành. Nhưng việc ngừng hoạt động đã bị đình trệ do việc tích tụ một lượng lớn nước được sử dụng để giữ mát cho các lò phản ứng bị hư hỏng.

Để giải phóng không gian, nhà điều hành Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) muốn xả 1,3 triệu tấn nước thải ra biển. Họ tuyên bố rằng nước được lọc để loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ, giúp việc giải phóng trở nên an toàn. Nhưng ngư dân địa phương và các nhóm môi trường vẫn chưa đồng tình với quyết định này.

Khu vực này sản xuất 100.000 lít nước bị ô nhiễm mỗi ngày. Nó là sự kết hợp của nước ngầm, nước mưa thấm vào khu vực và nước dùng để làm mát. Hơn 1,32 triệu tấn nước thải đã qua xử lý hiện đang được lưu giữ tại khu vực này. Điều đó chiếm 96 % dung lượng lưu trữ. Theo một kế hoạch đã được chính phủ Nhật Bản thông qua, việc xả nước này dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào mùa xuân hoặc mùa hè năm nay.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết việc phát hành đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và "sẽ không gây hại cho môi trường".

Nhưng các quốc gia láng giềng, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với các nhóm hoạt động vì môi trường như Greenpeace và một số cư dân địa phương phản đối mạnh mẽ với việc xả nước thải hạt nhân ra biển này.

Ngư dân Masahiro Ishibashi, 43 tuổi, nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi đã chịu thiệt hại về danh tiếng kể từ sau thảm họa hạt nhân và chúng tôi sẽ vượt qua điều đó một lần nữa, bắt đầu từ con số 0” .

Tổ chức Hòa bình xanh cũng bày tỏ lo ngại rằng việc xả thải sẽ làm “ô nhiễm” Thái Bình Dương.

tm-img-alt
Nhân viên làm việc tại cơ sở thử nghiệm nuôi sinh vật biển của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO). Ảnh: AFP

Kazue Suzuki, Nhà vận động khí hậu tại tổ chức Greenpeace cho biết: “Thay vì sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có để giảm thiểu nguy cơ phóng xạ bằng cách lưu trữ và xử lý nước trong thời gian dài, họ đã chọn phương án rẻ nhất là đổ nước ra Thái Bình Dương.

Nhà điều hành đang xây dựng thêm các cơ sở lọc trên bờ và một đường ống dài hàng km dưới nước để xả nước đã qua xử lý trong vài thập kỷ.

Quan chức của TEPCO Kenichi Takahara chia sẻ: "Chúng tôi không có kế hoạch xả hết nước trong một lần, tối đa là 500 tấn mỗi ngày trong tổng số 1,37 triệu tấn nước được xử lý bằng ALPS. Sẽ mất 30 đến 40 năm, thời gian cần thiết để ngừng hoạt động nhà máy".

TEPCO đang cố gắng lấy lòng người dân địa phương bằng cách phát trực tiếp một bể cá sống trong nước đã qua xử lý.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới