Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 31/3/2020
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/3/2020.
Gần 1.000 ha cây trồng ở Bình Phước có nguy cơ thiếu nước
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, với lượng mưa đo được từ đầu năm đến nay không đáng kể (phổ biến không mưa) và số ngày liên tiếp không mưa kéo dài (cá biệt, tại trạm Phước Long đã hơn 4 tháng liên tục không có mưa), có nguy cơ xảy ra hạn hán đối với khu vực sản xuất nông nghiệp nằm ngoài khu tưới các công trình thủy lợi trên lưu vực sông Bé.
Hiện tại, tỉnh Bình Phước có khoảng 337 ha diện tích cây trồng vùng ngoài khu tưới công trình thủy lợi đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, tập trung ở các huyện: Lộc Ninh 40,8 ha (10,6 ha lúa; 1,8 ha cây hàng năm khác; 15,5 ha tiêu và 12,9 ha cây ăn trái và cây lâu năm khác); Bình Long 215 ha (7,8 ha lúa; 6,5 ha tiêu; 200,8 ha cây ăn trái và cây lâu năm khác), Hớn Quản 38,3 ha (30 ha lúa; 8,3 ha tiêu) và Bù Đăng 83 ha.
Nếu trong thời gian tới vẫn tiếp tục không mưa thì nguy cơ có thêm khoảng 618 ha cây trồng ngoài khu tưới công trình thủy lợi (huyện Hớn Quản 126 ha, huyện Bù Đốp 40 ha, huyện Lộc Ninh 452 ha) cũng bị ảnh hưởng.
Trước tình hình đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo người dân có kế hoạch sử dụng nguồn nước tại chỗ hợp lý, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy sông, suối nhằm tận dụng triệt để nguồn nước mặt trữ vào ao, bàu; hỗ trợ khuyến khích xây dựng bể chứa nước hộ gia đình, đào ao trữ nước ở những vùng khô hạn.
Nước sông Gòng ô nhiễm bất thường
Hơn 1 tuần qua người dân sinh sống ven sông Gòng và một số tuyến nội đồng thuộc địa bàn xã Hoằng Đức và thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) bức xúc bởi tình trạng nước sông chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân tại xã Hoằng Đức và thị trấn Bút Sơn về tình trạng nước sông Gòng chuyển màu đen, hôi thối bất thường, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu sự việc. Qua quan sát, cả một đoạn sông Gòng dài 10km, bắt đầu từ điểm nối với sông Mã rồi chảy qua KCN Hoàng Long xã Hoằng Long, TP Thanh Hóa. Tại đầu nguồn, nước đổ xuống các xã Hoằng Minh, Hoằng Đức, thị trấn Bút Sơn đều chung một màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Dưới mặt sông nhiều loại cá và sinh vật sống đã chết trắng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Theo người dân, nước sông Gòng bị ô nhiễm bất thường bắt đầu từ ngày 17/3. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 200 hộ dọc tuyến sông. Không những vậy, nguồn nước đen ngòm từ sông Gòng còn chảy ra các kênh, rạch lân cận khiến người dân không có nước để tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Nhiều hộ nuôi cá, ngan, vịt đã phải lấp cống để không cho nước thải chảy vào trang trại của nhà mình.
Trao đổi với báo Đại đoàn kết, ông Nguyễn Văn Khang- Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức và ông Lê Hồng Sơn- Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn đều cho biết: Hiện tại chính quyền cơ sở không thể xử lý được việc này vì quá thẩm quyền, do đó đơn vị đã nhanh chóng báo cáo lên Phòng TNMT thuộc UBND huyện Hoằng Hóa để tìm hướng giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng TNMT huyện Hoằng Hóa cho biết: Tình trạng nước sông Gòng bị ô nhiễm đã diễn ra nhiều lần, lần gần nhất là tháng 12/2019. Khi đó Sở TNMT Thanh Hoá đã cử đoàn về kiểm tra và kết luận là do nước thải từ KCN Hoằng Long và nước thải của khu dân cư lân cận. “Sau khi nhận được phản ánh từ người dân và chính quyền cấp xã, phòng đã cử cán bộ xuống làm việc và lấy mẫu nước đồng thời gửi công văn lên Sở TNMT Thanh Hóa để tìm hướng xử lý”- vị cán bộ khẳng định.
Chất lượng không khí Hà Nội ở mức tốt trong ngày đầu tuần
Chiều 30/3, đại diện của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn TP đa phần ở mức trung bình, trên dưới 80.
Ngày đầu tuần, chất lượng không khí Hà Nội có những chuyển biến tốt, các khu vực đa phần vẫn ở mức trung bình, chỉ số dao động từ 51 - 80… Không có khu vực ở mức xấu hay kém, chỉ số AQI giảm. Riêng 2 khu vực nội đô là Tây Mỗ và Tân Mai ở mức tốt.
Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường cũng đưa ra những khuyến cáo cho người dân, trong điều kiện chất lượng không khí như hiện nay, nhóm nhạy cảm (bao gồm: Trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.
Khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường. Tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao như: Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai… Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.
P.V(tổng hợp)