Thứ sáu, 03/05/2024 21:32 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Trị chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ hai, 03/07/2023 09:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để chủ động ứng phó với BĐKH, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã coi trọng nhiệm vụ nâng cao năng lực phòng chống thiên tai (PCTT), triển khai đến tận các xã, phường, cơ sở.

Các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng, ban hành, rà soát, cập nhật kế hoạch PCTT hằng năm, chủ động các phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai theo các cấp độ rủi ro của từng loại hình thiên tai; chú trọng đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, khu vực trọng yếu, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng theo các phương án, kế hoạch; di dời khẩn cấp dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

tm-img-alt
Hồ Khe Sanh cạn trơ đáy, nứt nẻ do hạn hán. Ảnh: Internet

Các địa phương cũng đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Các giải pháp tưới tiên tiến, khoa học, tiết kiệm nước được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện đa dạng hóa cây trồng, hình thành các khu nông nghiệp quy mô tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

Cùng với đó, nhiều công trình thủy lợi, đê điều, kè sông, kè biển phòng chống sạt lở, khu neo đậu tàu thuyền… được xây dựng, nâng cấp đảm bảo sản xuất cây trồng hai vụ/năm, tạo điều kiện cho các xã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở kịch bản BĐKH và nước biển dâng của cả nước năm 2016, tỉnh đã xây dựng bản đồ kịch bản BĐKH và nước biển dâng; chỉ đạo các ngành rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển KT-XH vùng và địa phương. Bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn (đã bố trí ổn định 830 hộ dân vào các vùng dự án và xen ghép) bước đầu người dân đã ổn định cuộc sống ở nơi mới.

Để có thể tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Hội nghị COP26, tỉnh đã tích cực tiếp cận, kết nối và có những ký kết quan trọng, mở ra cho địa phương tiếp cận được với tri thức, công nghệ, tài chính xanh để thực hiện phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với một số tổ chức trong nước và thế giới (toàn tỉnh trồng được trên 100 ha rừng ngập mặn bao quanh tuyến đê biển, ở khu vực cửa sông Bến Hải và sông Thạch Hãn; đang thực hiện dự án trồng, phục hồi và bảo vệ 7.917 ha rừng ven biển).

Ngày nay, BĐKH diễn biến khó lường và nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn, dẫn đến khả năng thích ứng với BĐKH, PCTT chưa cao và nền kinh tế thường bị tổn thương, chịu thiệt hại lớn khi có sự cố thiên tai xảy ra. Với đặc điểm khí tượng, thủy văn theo các vùng, các khu vực trong tỉnh phân bổ rất khác nhau, do đó nhận thức của cộng đồng về thiên tai trên địa bàn tỉnh cũng khác nhau.

Để chủ động thích ứng với BĐKH, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung bảo vệ hiệu quả quản lý tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các ngành, phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển KT-XH. Thúc đẩy phát triển đô thị, khu công nghiệp theo mô hình tuần hoàn. Quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm phòng, chống sạt lở, sụt lún, suy thoái nước ngầm, xâm thực biển. Phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và các bệnh mới phát sinh do BĐKH gây ra; bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường.

Mặt khác, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện các giải pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái thân thiện với môi trường. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác thủy sản bền vững, nâng cao khả năng chống chịu của nông nghiệp BĐKH ở từng khu vực. Phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH.

Nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH cho cán bộ, người dân, đặc biệt ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng KT-XH, chú trọng các công trình đa mục tiêu, công trình liên vùng có khả năng chống chịu và thích ứng với BĐKH. Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê sông, đê biển và các công trình thủy lợi. Xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão theo quy hoạch gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá.

Và một giải pháp rất quan trọng nữa trong chủ động ứng phó với BĐKH là quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có; tăng khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, rừng ven biển; phát triển rừng trồng gỗ lớn và phục hồi cảnh quan rừng. Quản lý bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao dịch vụ hệ sinh thái. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng nhằm cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp.

Quy hoạch, đầu tư, bố trí di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên chịu tác động của khí hậu cực đoan, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra bão, lũ, nước dâng; tăng năng lực phòng chống lũ quét, sạt lở đất, phòng chống bão, lũ lớn; tác hại của hạn hán, triều cường và xâm nhập mặn. Nâng cao chất lượng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng và gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường với độ tin cậy, chính xác cao đến tận người dân.

Minh Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tỉnh Quảng Trị chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.