Thứ hai, 06/05/2024 13:30 (GMT+7)

TP.HCM: Nắng nóng kéo dài, cần chủ động các biện pháp phòng bệnh

Duy Anh -  Thứ bảy, 18/02/2023 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những ngày gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao lên tới 35-36 độ C. Cùng với nắng nóng, chỉ số tia cực tím cũng đang ở mức gây hại rất cao.

Trong những ngày gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao lên tới 35-36 độ C. Cùng với nắng nóng, chỉ số tia cực tím cũng đang ở mức gây hại rất cao. Theo các bác sĩ, nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em.

Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ cao có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe như gây say nắng, kiệt sức, chuột rút. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 2 đến nay chỉ số tia cực tím ở khu vực Nam Bộ đều ở ngưỡng gây hại cao từ 7- 9 và người dân khi tiếp xúc trực tiếp hơn 20 phút có thể gây bỏng da.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, những bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng ở trẻ em thường rơi vào nhóm tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi, cảm cúm và các bệnh về da. Biểu hiện của trẻ thường là sốt cao liên tục từng cơn, phát ban sau khi hết sốt... Thay đổi môi trường sinh hoạt từ nắng nóng sang phòng máy lạnh cũng dễ sốt, ho, sổ mũi.

Theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - Cơ sở 3, khi làm việc nặng, nhiệt độ môi trường ở khoảng 29,40 độ C - 32,20 độ C có thể gây say nóng. Say nóng thường diễn ra từ từ, nhiệt độ trung bình cơ thể tăng dần, có thể nhận ra được các biểu hiện căng thẳng nhiệt và thân nhiệt thường không vượt quá 40 độ C. Khi thân nhiệt tăng trên mức giới hạn, ở giá trị khoảng 40,5 độ C - 42,2 độ C, say nắng rất có thể xảy ra. Say nắng thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Chủ động các biện pháp phòng bệnh

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến hết mùa khô 2023, thời tiết nắng nóng kéo dài ở TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ. Cao điểm nắng nóng ở Nam Bộ rơi vào tháng 3, tháng 4 có những thời điểm nhiệt độ lên tới 39-40 độ C và chỉ số tim cực tím luôn ở mức nguy hại.

Theo các chuyên gia y tế, người dân cần phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng các bệnh nắng nóng, đặc biệt những đối tượng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe do tác động của thời tiết nắng nóng gồm người già, trẻ em; người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư…; những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng…

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức cho biết, nắng nóng rất dễ xảy ra hiện tượng sốc nhiệt, nguy cơ này thường xảy ra ở người già, trẻ em và phụ nữ khi tiếp xúc với thời tiết đột ngột và không uống đủ nước. Sốc nhiệt thường có biểu hiện như đau đầu, chóng mặt và choáng váng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và ói mửa; nhịp tim nhanh; thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê...

Để phòng sốc nhiệt, say nắng khi thời tiết nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức khuyến cáo, người dân không nên sinh hoạt dưới thời tiết nắng nóng lúc giữa trưa; không nên để trẻ trong xe ô tô vì nguy cơ sốc nhiệt do nóng và thiếu oxy cao. Thanh thiếu niên tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ sốc nhiệt. Công nhân xây dựng, người phải di chuyển nhiều trên đường như nhân viên giao hàng cũng cần cẩn thận. Nhiệt độ phòng và ngoài trời nên để chênh lệch khoảng 2-5 độ C, nếu chênh lệch quá cao sẽ dễ dẫn đến sốc nhiệt.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, để phòng bệnh mùa nắng nóng, phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine các loại bệnh mùa hè mà đã có vaccine như: viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu … Thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên. Vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển.

Không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Nếu sử dụng máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng từ 25-27 độ và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người. Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm như ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, người lớn là 2 lít nước, trẻ em uống khi trẻ khát.

Khi trời nắng nóng không nên ra khỏi nhà. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng. Không tắm biển, tắm sông khi nắng gắt từ 12 – 16 giờ chiều. Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nắng nóng kéo dài, cần chủ động các biện pháp phòng bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới