Thứ hai, 29/04/2024 03:59 (GMT+7)

UNICEF: Mỗi ngày có 20.000 trẻ em trên thế giới phải di dời do thiên tai

Hải Đăng -  Thứ bảy, 07/10/2023 11:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ít nhất 43 triệu trẻ em toàn cầu phải di dời có liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu trong 6 năm qua, tương đương với 20.000 trẻ em bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và trường học mỗi ngày.

Ngày 6/10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho biết trong giai đoạn 2016 - 2021, các thảm họa khí hậu đã buộc 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia trên thế giới đã phải di dời, tương đương 20.000 trẻ em phải đi lánh nạn mỗi ngày. 

UNICEF đã làm việc với tổ chức phi chính phủ Internal Displacement Monitoring Centre để thu thập dữ liệu về những tác động của thảm hoạ thiên nhiên với trẻ em.

Báo cáo “Trẻ em bị di dời trong bối cảnh biến đổi khí hậu” là báo cáo phân tích đầu tiên trên quy mô toàn cầu thống kê số lượng trẻ em phải di dời chỗ ở do lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng trong giai đoạn nói trên. Tài liệu này cũng đưa ra các dự đoán trong 30 năm tới.

Nghiên cứu của UNICEF cho thấy, trong 6 năm kể trên, tổng cộng 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia trên thế giới đã phải di dời do các thiên tai. Philippines ghi nhận số trẻ em phải di dời do bão cao nhất và số trẻ em phải di dời do lũ lụt cao thứ ba. Trung bình mỗi năm quốc đảo này hứng chịu 20 cơn bão. Với 9,7 triệu trẻ em phải di dời chỗ ở, Philippines trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Đại diện UNICEF tại Philippines, bà Oyunsaikhan Dendevnorov, cho biết: “Trẻ em nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải di dời trong thời điểm xảy ra thảm họa. Các em bị ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất và tinh thần, phải nghỉ học, dễ bị bóc lột và lạm dụng hơn”. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường bảo vệ những trẻ em dễ bị tổn thương và hỗ trợ những trẻ phải di dời do thảm họa liên quan khí hậu.

tm-img-alt
Một bé gái ngồi bên ngoài căn lều dành cho những người di tản ở Mogadishu, Somalia, tháng 10/2022. Ảnh: UNICEF

Ước tính, trong 30 năm tới, khoảng 2,5 triệu trẻ em ở Philippines có nguy cơ phải di dời do mưa bão gây ngập lụt nghiêm trọng. Nguy cơ này càng trở nên tồi tệ hơn do đường bờ biển của Philippines rất dễ bị ảnh hưởng nước biển dâng nếu xảy ra bão. Những khu vực đông dân như vùng đô thị Manila, tỉnh Cebu ở miền Trung và tỉnh Davao ở miền Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão lũ.

Theo báo cáo của UNICEF, Philippines đã chuẩn bị sẵn các phương án phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, như lắp đặt hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, tổ chức tốt quy trình sơ tán và nơi trú ẩn tránh thiên tai. Tuy nhiên, số lượng lớn trẻ em có nguy cơ phải di dời trong một thảm họa đang đặt ra những câu hỏi về khả năng tiếp nhận của các cộng đồng sở tại, cũng như khả năng cung cấp nơi tạm trú và tiếp cận giáo dục.

Trong khi đó, 1,3 triệu trẻ em phải di dời do hạn hán, trong đó Somalia, Ethiopia và Afghanistan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả các nước giàu, trẻ em cũng không tránh khỏi việc di dời tránh thiên tai. Mỹ chiếm 3/4 (610.000 trong số 810.000) trẻ em phải di dời do cháy rừng trên toàn cầu, với hơn một nửa số còn lại ở Canada, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia.

Báo cáo UNICEF cũng dự đoán tình trạng lũ lụt do nước sông dâng cao có thể sẽ khiến 96 triệu trẻ em phải di tản trong vòng 30 năm tới. Trong khi đó, tình trạng gió lốc cũng có thể buộc 10,3 triệu trẻ em phải rời quê nhà.

Ngoài ra, tình trạng lũ lụt do ảnh hưởng từ bão cũng có thể khiến 7,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Với gần 23 triệu người phải di tản trong 6 năm qua, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines đã trở thành những quốc gia có số lượng người phải di tản do thời tiết khắc nghiệt nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo UNICEF, ba quốc gia trên có số lượng người dân di tản nhiều nhất bởi họ là những nước có dân số đông nhất nhì thế giới và cũng do những kế hoạch sơ tán phòng ngừa trước thiên tai của chính phủ các nước này.

Trái lại, các nước ở châu Phi và những quốc đảo nhỏ lại là những nơi có số lượng trẻ em phải di tản nhiều nhất.

Cụ thể, khoảng 76% tổng số trẻ em ở Cộng hòa Dominica đã phải di tản từ năm 2016 - 2021, trong khi đó con số này ở Cuba và đảo Saint-Martin, phía bắc Caribê, là 30%.

Trước tình hình đó, UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng đưa ra phương án giải quyết vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra cuối năm nay tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào tháng 11 và 12 tới.

Bạn đang đọc bài viết UNICEF: Mỗi ngày có 20.000 trẻ em trên thế giới phải di dời do thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.