Thứ sáu, 03/05/2024 21:01 (GMT+7)

Văn hóa bắt tay

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ năm, 15/12/2022 11:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hai người – có thể thân quen, có thể xa lạ - gặp nhau, muốn thể hiện mối thịnh tình, quý hóa, trân trọng nhau, người ta thường chìa tay ra bắt người đối diện.

Bài viết này không có ý nói “bắt tay” với nghĩa bóng, tức là sự hợp tác, liên kết với nhau trong những hoạt động nào đó để đôi bên cùng có lợi (“Họ đã bắt tay với nhau rồi”) mà chỉ nói thuần túy nghĩa đen – động tác xiết tay nhau thể hiện sự thân mật khi người ta gặp gỡ ở giây phút đầu hoặc lúc tạm biệt, chia tay. 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Hai người – có thể thân quen, có thể xa lạ - gặp nhau, muốn thể hiện mối thịnh tình, quý hóa, trân trọng nhau, người ta thường chìa tay ra bắt người đối diện. Ắt là phải có người giơ tay ra trước và người kia tiếp lấy, chứ ít khi cùng một lúc (vì không có ai thổi còi hay bắn phát súng để cùng hành động giống như trong thi đấu thể thao, người ta làm như vậy để xuất phát trong cùng thời khắc). Vậy ai giơ tay ra trước và ai tiếp lấy đây?

Một bạn trẻ gặp lại người thầy giáo cũ. Anh chàng vồn vã chủ động đưa tay ra bắt tay người thầy giáo cũ kèm động tác rung, lắc có vẻ rất tha thiết kèm câu chào cũng quá nồng nhiệt: “-Em chào thầy! Ôi lâu lắm mới gặp thầy! Thầy khỏe chứ ạ?”. Vừa nói, bàn tay anh ta vẫn nắm chặt tay ông thầy và tiếp tục xiết, rung mà không buông ra…

Không biết vị thầy khả kính có nhận ra anh chàng học trò cũ hay không mà có vẻ hơi lúng túng và ít nhiều gượng gạo khi được (hay là bị ?) anh ta xiết chặt tay hơi quá mức cần thiết?

Một nhân viên phát hiện ra sếp của mình cũng có mặt trong một cuộc gặp mặt bèn tiến đến chủ động bắt ta khi vị đang ngồi hàn huyên cùng những người bạn của mình. Vị tỏ ra miễn cưỡng tiếp lấy bàn tay của cậu nhân viên mà không mấy mặn mà.

Một người đàn ông gặp lại người quen là một phụ nữ. Kèm những lời nói đầy sự tán dương, “bốc thơm” chị, ông ta giơ tay ra bắt và cũng xiết chặt. Có vẻ như hơi bị đau do người đàn ông bóp mạnh tay, chị thoáng một chút nhăn mặt. Nhưng rồi chị phải gượng cười vì không thể để lộ điều đó. 

Đó là ba cái bắt tay của ba người đàn ông ít nhiều kém lịch sự, thiếu văn hóa. Trong chuẩn mực giao tiếp, bao giờ khi gặp nhau, người dưới cũng để người trên chủ động giơ tay ra bắt tay mình chứ không phải là ngược lại như hai chàng trai trẻ ở trên.

Còn giữa nam và nữ, nếu sự chênh lệch về tuổi tác không nhiều thì người nam phải nhường quyền bắt tay cho người nữ, trừ khi nữ là một cô gái, nam là một bậc cao niên đáng tuổi cha, chú. Với nữ, không thể vì quý hóa mà cứ “hồn nhiên” xiết chặt tay khiến họ có thể bị đau như trường hợp người đàn ông nói trên.

Nói về thứ bậc “trên, dưới” trong các mối quan hệ thì nói chung, cứ người nhiều tuổi hơn được coi là bề trên. Nhưng đó là “nói chung”. Còn trong những bối cảnh cụ thể lại khác chứ không theo tuổi tác.

Ví như trong cơ quan, tổ chức thì phụ thuộc vào vị trí, thứ bậc (trưởng phải trên phó, nhân viên phải dưới “sếp”, “sếp” cấp dưới phải dưới “sếp” cấp trên). Trong quan hệ họ hàng thì theo ngôi thứ mặc dù có thể em lớn tuổi hơn anh, chị; cháu còn nhiều tuổi hơn chú…

Người lịch sự phải biết điều này để ứng xử trong việc bắt tay chứ không thể tùy tiện, lộn xộn như ba người đàn ông nói trên. Khi người bề dưới được người trên giơ tay ra bắt tay mình thì nếu muốn thể hiện sự tôn kính đặc biệt hãy tiếp lấy tay họ bằng cả hai tay của mình và phải để họ chủ động xử lý việc nắm lâu hay chóng, xiết chặt hay không. 

Một chi tiết không thể không nói khi bắt tay là người ta chìa tay nào thì mình phải chìa tay nấy (phải hoặc trái) ra bắt. Sẽ rất kém lịch sự nếu người được bắt tay lại giơ tay ngược với người bắt (người ta giơ tay phải thì mình lại đưa tay trái ra bắt hoặc ngược lại).

Mới hay một động tác rất phổ biến trong phép giao tiếp nhưng không phải ai cũng nắm được một cách chuẩn mực./. 

Bạn đang đọc bài viết Văn hóa bắt tay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.