Thứ sáu, 26/04/2024 22:39 (GMT+7)

Vụ ô nhiễm bãi rác tại Pleiku: Trách nhiệm thuộc về ai?

A LỰC – CHI HUỲNH -  Thứ bảy, 30/10/2021 07:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước thải từ bãi rác xã Gào chảy vào rừng thông, và có sự “tác động” của con người khơi dòng, đắp bờ để đổ trực tiếp vào hồ sinh học số 3 làm môi trường nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vậy ai là người chịu trách nhiệm trước thực trạng này?

Sau khi đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng nước thải từ bãi rác xã Gào, TP. Pleiku (Gia Lai) chảy trực tiếp ra môi trường xung quanh mà không đươc thu gom xử lý theo quy định.

Mới đây, Văn phòng Môi trường và Đô thị khu vực Tây nguyên tại Gia Lai nhận được Văn bản Số: 4364/STNMT-CCBVMT ghi ngày 19/10 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai và Văn bản số 3945/UBND-QLĐT của UBND TP. Pleiku ghi ngày 13/10 “V/v phản hồi nội dung tác nghiệp của Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam”.

tm-img-alt
tm-img-alt

Nước thải từ nhiều hướng vẫn tiếp tục đổ trực tiếp vào hồ sinh học số 3 mà không được thu gom, xử lý nước theo quy trình.

Theo 2 văn bản trên, ngày 27/9/2021 và ngày 30/9/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Pleiku, UBND xã Gào và Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai kiểm tra thực tế tại Bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Gào, thành phố Pleiku. Bãi chôn lấp chất thải rắn hiện nay tiếp nhận khoảng 165 tấn rác/ngày, được xử lý chôn lấp tại 03 ô chôn lấp. Tuy nhiên các ô chôn lấp đã đầy, ô chôn lấp số 1 đã đóng cửa, san gạt phủ đất trồng cây, nhưng hiện nay do hết vị trí đổ rác, nên rác tiếp tục được đổ lên phía trên. Trên bề mặt ô chôn lấp có nước rỉ rác cộng thêm một phần nước mưa chảy tràn trên bề mặt theo địa hình chảy vào hồ sinh học số 3 (Bãi lọc sinh học).

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Gào, thành phố Pleiku, UBND thành phố Pleiku đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau: Chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai thường xuyên khơi thông cống rãnh, củng cố hệ thống mương thoát nước mưa xung quanh bãi rác, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, hạn chế tối đa nước mưa chảy tràn vào các ô chôn lấp dẫn tới quá tải hệ thống xử lý nước thải. Thu gom toàn bộ nước rỉ rác dẫn về hồ số 1 (Hồ kỵ khí) để xử lý theo quy trình (Xử lý bằng 03 hồ sinh học: Qua hồ kỵ khí, hồ hiếu khí tùy tiện và bãi lọc sinh học).

tm-img-alt

Nước thải từ bãi rác chảy vào rừng thông đoạn giáp với đường Hồ Chí Minh.

tm-img-alt

Nước thải từ bãi rác có màu đen kịt, mùi hôi thối và nổi bọt trắng.

Nội dung văn bản phản hồi của Sở TN&MT và UBND TP. Pleiku thể hiện tính quyết liệt là vậy. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV ngày 12/10 (sau gần nửa tháng đoàn đi kiểm tra), thì nước thải tại đây vẫn chảy trực tiếp vào hồ sinh học số 3 mà không được thu gom để dẫn về hồ sinh học số 1 theo như văn bản của Sở TN&MT và UBND TP. Pleiku nêu.

Vậy có hay không việc cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai chỉ xử lý vấn đề ô nhiễm trên giấy, mà không kiểm tra, giám sát thực tế việc đơn vị quản lý và vận hành bãi chôn lấp tại bãi rác xã Gào tự ý khơi thông, ngăn dòng để nước thải từ bãi rác chảy ra môi trường xung quanh và đổ vào hồ sinh học số 3?

Trước thực trạng nước thải tại bãi rác xã Gào chảy ra môi trường xung quanh vẫn đang diễn ra hằng ngày có nguy cơ ảnh hưởng mạch nước ngầm, làm hủy hoại môi trường. Đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan trong vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu trên ngay tại đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Vụ ô nhiễm bãi rác tại Pleiku: Trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới